1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nước Nga của Putin trước "kỷ nguyên Trump" và trật tự thế giới mới

Khi nước Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, người Nga đã bắt đầu hồ hởi một cách khá đặc biệt với một trong hai cỗ xe đua là Donald Trump. Nếu như những nghi ngờ về "bàn tay của tình báo Nga" đã thao túng chiến dịch tranh cử của ông Trump, thì hình như kế hoạch này đã thành công.

Và cũng nếu kế hoạch đó là thật, không thể không có vai trò của Putin - và tất cả đều rất logic: cả Putin và ông Trump đều giành cho nhau những mối thiện cảm nhất định. Và nếu ông Trump thắng cử, kế hoạch tình báo của Nga thành công, thì chẳng có gì đáng phải nghi ngờ rằng quan hệ giữa hai nước sẽ nồng ấm lên…

Câu chuyện có thực sự như vậy không? Chúng ta cần phải nhìn lại lịch sử một chút. Nước Nga thời Sa Hoàng, là một "bộ phận cầm đèn đỏ" của thế giới tư bản, người chậm chân trong "phong trào" chiếm thuộc địa.

Do đó, nước Nga buộc phải tham gia vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nhằm đạt được một số quyền lợi nhất định. Mặc dù tham gia chiến tranh, nhưng về cơ bản nước Nga Sa hoàng cùng chia sẻ với tất cả các nước tham chiến một điểm, đó là họ cùng theo chủ nghĩa thực dân cũ, chiếm và bóc lột thuộc địa.

Chính vì thế, nước Nga Sa hoàng vốn lạc hậu và trì trệ, chưa có được một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, không có được một động lực phát triển nào để thoát ra khỏi sức ì đó. Cuộc Cách mạng tháng Mười đã đưa nước Nga và sau này là Liên Xô, sang một trang mới của lịch sử, với sự khác biệt hẳn, đối lập về ý thức hệ.

Tiêm kích Nga tại căn cứ Hmeymim, Syria.
Tiêm kích Nga tại căn cứ Hmeymim, Syria.

Không chỉ long trời lở đất về ý nghĩa là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cuộc Cách mạng Tháng 10 còn mở ra một chặng đường phát triển vượt bậc của nước Nga về kinh tế, khoa học, công nghệ…

Đó cũng là thời gian nước Nga vấp phải sự thù địch của phương Tây, nhưng vì thế giới còn chưa hình thành những thiết chế rõ ràng, vả lại nước Mỹ còn phải trải qua cuộc đại khủng hoảng những năm 1930, nên tính thù địch chưa cao. Đỉnh cao của thời đại này phải nói đến sự thù địch giành cho toàn thế giới của chủ nghĩa phát-xít.

Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đem lại cho Liên Xô và Hoa Kỳ một giai đoạn thắm thiết của tình đồng minh, nhưng do sự khác biệt quá lớn về ý thức hệ nên chiến tranh chấm dứt, họ bước vào cuộc chiến tranh mới ngay lập tức: chiến tranh lạnh.

Chúng ta lại được chứng kiến một sự phát triển vượt bậc mới của nước Nga Xô-viết về khoa học, công nghệ, đặc biệt là về quân sự. Những thành tựu của nước Nga về khoa học vũ trụ, về hạt nhân… đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với nhân loại.

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lớn nhất từ nội tại là "khối lượng cơ thể" quá lớn, mà "hệ thần kinh" không kiểm soát được, "hệ tuần hoàn" không nuôi được… nhưng nó có một sức kích thích không nhỏ từ bên ngoài mang tới: quá trình hòa hoãn hậu chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, thông qua các hiệp ước giải trừ quân bị, giảm số lượng tên lửa hướng vào nhau, cắt giảm vũ khí hạt nhân…

"Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển" - điều này đúng với trường hợp Liên Xô - Nga. Nhờ có sự cạnh tranh với phương Tây, đại diện là Hoa Kỳ mà Liên Xô đã phát triển thành một siêu cường đúng nghĩa.

Sau 1991, nước Nga còn phải giải quyết những hậu quả để lại của sự sụp đổ, lại có khuynh hướng hướng về phương Tây, trì trệ kéo dài cả chục năm. Chỉ đến kỷ nguyên của Putin - Medvedev thì nước Nga mới từng bước phục hồi sức mạnh, nhưng quy luật lại lặp lại, chẳng rõ tại nước Nga, hay tại phương Tây hay cả hai lý do, mà thế đối đầu từng bước tái lập.

Trật tự thế giới kiểu các cực, được hình thành từ đầu thế kỷ XX, được trở thành hình mẫu cho đến tận ngày nay. Thực tế đã chứng minh, sau khi Liên Xô tan rã, NATO bị chống chếnh vì thế lưỡng cực bị mất, thế giới bị sa lầy vào những cuộc nội chiến phần nhiều do xung đột sắc tộc.

Phải chăng nước Nga của Putin cần một thế đối đầu mới? Trên thực tế điều này đã diễn ra trong suốt "kỷ nguyên Putin" từ năm 2001 đến nay. "Kỷ nguyên Putin" cũng là thời kỳ nước Nga phục hồi cực kỳ mạnh mẽ, nhờ sự lãnh đạo cứng rắn "bàn tay sắt bọc nhung" của cựu Trung tá KGB cũng như giá dầu mỏ tăng cao.

Sa hoàng Aleksandr đệ tam, người trị vì nước Nga từ 1881 đến 1894 đã nói "Nước Nga chỉ có hai đồng minh, là quân đội và hải quân của nó. Các đồng minh khác sẽ phản bội nó ngay khi có cơ hội đầu tiên". Đến năm 2015, tổng thống Nga V.Putin đã nói tương tự, khi căng thẳng Nga - phương Tây lên đến đỉnh điểm vì những sự kiện ở Ukraina.

Một hầm chứa máy bay tại căn cứ không quân Shayrat sau vụ Mỹ tấn công Syria.
Một hầm chứa máy bay tại căn cứ không quân Shayrat sau vụ Mỹ tấn công Syria.

Sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nước Nga trong suốt hơn một thập kỷ đã chững lại vì tác động kép: giá dầu mỏ giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên nước này do những cáo buộc liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột quân sự, bất ổn ở Đông Ukraina.

Để hóa giải, có thể Putin muốn lịch sử lặp lại: một cuộc chiến tranh như cuộc Đệ nhị Thế chiến, sẽ đưa nước Nga và phương Tây nhích lại gần nhau, và một vị tổng thống Hoa Kỳ "dễ chịu" hơn với nước Nga, như trước đây Franklin D. Roosevelt (1882 - 1945) nổi tiếng với quan điểm thiên tả, "dễ chịu" với Liên Xô…

Chiến dịch không kích hỗ trợ quân chính phủ Bashar al-Assad của không quân Nga từ cuối năm 2015, bắt đầu trong bối cảnh như thế. Nhưng đến đây, lập luận của tôi vướng vào một vấn đề lớn - nếu chỉ là một "cuộc chiến chống khủng bố" mà đối tượng chính là Nhà nước Hồi giáo IS, thì sẽ rất dễ hiểu.

Châu Âu vừa trải qua một loạt các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, còn Hoa Kỳ thì đang là "đầu tàu" trong cuộc chiến này từ sự kiện 11/9 (2001) thì lý thuyết mà nói, sự xích lại gần nhau của Nga và phương Tây là tất yếu.

Nhưng Putin vốn là người khó đoán bởi tính sâu sắc và thâm trầm, lại đang cho thấy Nga có những mục tiêu xa hơn, đó là sự ủng hộ của nước này với chính quyền al-Assad, nghĩa là bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Trung Đông - Địa Trung Hải.

Cuộc nội chiến Syria không thể kéo dài mãi, cái gì cũng sẽ đến phút chung cuộc. Nga phải có một chỗ trên bàn đàm phán. Chỉ có một điều chắc chắn, lịch sử sẽ không lặp lại y hệt như trước, ít nhất trong thời kỳ của thế giới phẳng và vũ khí hạt nhân. Putin cũng vậy - người lọc lõi về các vấn đề địa chiến lược, không dễ bị sa vào bẫy. Và cái bẫy ở đây là gì?

Nếu như ở tây bán cầu xuất hiện ứng cử viên Donald Trump "hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" thì ở châu Âu cũng là sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, như ứng cử viên Marine Le Pen của nước Pháp hay phong trào Brexit của nước Anh… tất cả đều được giải thích có lợi cho đường lối của Putin.

Nhưng nước Nga sẽ ra sao khi không còn những đối thủ, những "đối trọng" đó nữa? Lúc đó người ta sẽ lại chú ý đến những vấn đề bên trong đất nước, nhân dân sẽ không còn đồng thuận được như trước đây nữa. Đó sẽ là nguy cơ mới của nước Nga.

Tôi tin V.Putin không vội mừng vì Trump thắng cử ở nước Mỹ, bằng chứng là ông im lặng và quan sát. Và những gì đang diễn ra, cũng rất đáng suy ngẫm về một trật tự thế giới mới.

Trùng với chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là sự kiện tàu chiến Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự của quân chính phủ Syria, do những cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát dân chúng và lực lượng phe đối lập.

Nước Nga của Putin trước "kỷ nguyên Trump" và trật tự thế giới mới - 3

Sau đó là tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, thế giới lại nín thở lo lắng liệu có một cuộc chiến tranh bùng nổ ở Đông Bắc Á hay không. Dù chưa có chiến tranh, nhưng có một điều dễ nhận thấy, là Trung Quốc vì quyền lợi kinh tế của mình, đã ra mặt gây sức ép với Triều Tiên và không hề có thái độ đối đầu với Hoa Kỳ.

Ông Putin sẽ nhìn rõ hơn về khả năng, ai sẽ là bạn, ai sẽ là thù, liệu có ai còn là đồng minh được nữa hay không. Và Aleksandr Đệ tam vẫn tỏ ra là đúng, nước Nga chỉ có thể dựa vào chính mình. Cái bẫy ở đây, chính là cái thế "chông chênh" khi thế giới mất đi một cực, dù cái cực đó ở trong tình thế đối đầu. Thủ tiêu thế lưỡng cực, mất một trong hai đối trọng siêu cường hoặc hai đối trọng đó nhập vào làm một, đều có thể trở thành nguy cơ cho nước Nga.

Chiến tranh thế giới sẽ khó nổ ra, nhưng chúng ta cũng ít có cơ hội nhìn thấy cảnh "bá vai bá cổ" một cách thân ái giữa hai siêu cường có vũ khí hạt nhân. Xin lưu ý, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu… chưa bao giờ là siêu cường về quân sự, mà chỉ là các cực về kinh tế. Vai trò này đến nay chỉ có hai "ông lớn" là Mỹ và Nga.

Thế giới chưa thể xây dựng một trật tự mới vì bản thân cái trật tự này chưa hình thành rõ nét, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố chưa thể bị tiêu diệt bởi sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới còn cực kỳ sâu sắc, dẫn đến những thù hằn dân tộc và tôn giáo cũng còn rất nặng nề.

Hiểu được điều đó, điều mà nước Nga của Putin cần phải chăng là mối quan hệ giữa hai siêu cường: hợp tác về kinh tế và tôn trọng nhau ở trách nhiệm quốc tế cũng như khả năng hủy diệt thế giới bằng vũ khí hạt nhân?

Theo Phúc Lai

An ninh thế giới