Núi lửa Indonesia phun trào, hàng chục người thiệt mạng
(Dân trí) - Ngọn núi lửa bất ổn nhất Indonesia Merapi chiều 26/10 đã phun trào sau khi các nhà khoa học cảnh báo áp lực đang gia tăng bên dưới lớp dung nham của nó có thể gây ra vụ nổ vô cùng dữ dội. Hàng chục người thiệt mạng, khoảng 15.000 người phải đi sơ tán.
Ngọn núi lửa đã phun trào vào chiều ngày 26/10 ở Trung Java, Indonesia, khiến 17 người thiệt mạng và ít nhất 39 người bị thương. Các nạn nhân bị bỏng do trúng tro nóng phun ra từ ngọn núi lửa.
Theo quan chức thuộc cơ quan quản lý thảm họa Yogyakarta, Windu Wiryawan, 16 thi thể đã được tìm thấy ở một khu vực, một em bé chết trên đường tới bệnh viện.
“16 thi thể đã được tìm thấy trong một khu vực bị phủ đầy tro bụi. Một em bé cũng bị giết hại”, quan chức này cho biết qua điện thoại từ Yogyakarta.
Hầu hết các thi thể đều bị bỏng nặng và bị cháy đen, theo một đài truyền hình địa phương.
Wiryawan cho biết ít nhất 39 người đang được điều trị ở bệnh viện vì các vấn đề hô hấp và bị thương khác.
“Nhiều cây bị đổ sau khi bị trúng tro nóng, buộc người dân phải đi sơ tán”, ông cho hay.
Theo nhà khoa học núi lửa của chính phủ Surono, lo ngại lớn nhất là áp lực dưới vòm dung nham khổng lồ được hình thành gần rìa miệng núi lửa.
“Năng lượng đang được hình thành…Chúng tôi hi vọng nó sẽ được “nhả” từ từ”, ông cho hay. “Nếu không chúng ta sẽ phải chứng kiến một vụ phun trào vô cùng lớn, lớn hơn tất cả những gì chúng ta đã chứng kiến nhiều năm qua”.
Mức cảnh báo đối với ngọn núi cao 2.968m này đã được nâng lên mức cao nhất.
Hồi năm 2006, một vụ lở đá từ ngọn núi này đã làm 2 người thiệt mạng. Một vụ phun trào năm 1994 làm 60 người thiệt mạng và vụ nổ năm 1930 khiến 1.300 người chết.
Trong khi phải thót tim “chờ” núi Merapi phun trào, giới chức trách Indonesia hiện cũng đang phải đối phó với thiệt hại của trận động đất 7,7 richter vào cuối ngày hôm qua, gây ra sóng thần ở miền tây đất nước, làm hàng chục người chết và hàng trăm người mất tích.
Indonesia là quốc đảo rộng lớn, với 237 triệu dân. Đất nước này rất hay phải hứng chịu các trận động đất, núi lửa do nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có hàng loạt đường gãy trải dài từ bán cầu Tây qua Nhật Bản và Đông Nam Á.
Sri Purnomo, người đứng đầu quận Sleman trên đảo Java, nơi ngự trị của đỉnh Merapi, cho hay giới chức trách hiện đang cảnh báo 11.400 người dân làng sống ở sườn phía nam của ngọn núi chuẩn bị “sơ tán khẩn”.
Đến cuối ngày hôm nay, hơn 2.200 người, hầu hết là người già và trẻ em, đã được đưa tới các trại tạm ở Hargobinangun, làng cách ngọn núi lửa 17km.
Có hơn 129 ngọn núi lửa đang hoạt động tại Indonesia, đất nước trải rộng trên 17.500 hòn đảo.
Phan Anh
Theo AP