1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nông nghiệp Ukraine gặp khó vì chiến sự kéo dài

Cẩm Hà

(Dân trí) - Ukraine đang tìm cách tăng xuất khẩu ngũ cốc sang các thị trường thế giới khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nông nghiệp Ukraine gặp khó vì chiến sự kéo dài - 1

Ukraine sở hữu diện tích đất đen giàu dinh dưỡng vô cùng dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp (Ảnh: Getty).

Trong nhiều thế kỷ, Ukraine được biết đến như là vựa thực phẩm của châu Âu. Nhưng tầm quan trọng của những đóng góp của Ukraine đối với thị trường lương thực toàn cầu chỉ thực sự được chú ý sau chiến dịch quân sự của Nga.

Ukraine, quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu (lớn nhất là Nga), là nước xuất khẩu nhiều ngũ cốc, bao gồm cả ngô.

Khi các cuộc pháo kích và không kích của Nga làm hư hại các con đường và cắt đứt các cảng ở Biển Đen, việc vận chuyển lúa mì của Ukraine đã bị gián đoạn, dẫn đến giá lúa mì và bột mì tăng chóng mặt.

Bánh mì dẹt, được làm từ bột mì, là mặt hàng chủ yếu của các quốc gia như Ai Cập, Jordan và Pakistan. Chỉ riêng Ukraine đã chiếm gần 9% nguồn cung lúa mì của thế giới, và sự gián đoạn xuất khẩu đã khiến giá cả tăng lên.

Lạm phát làm cho các nhà hoạch định chính sách Ukraine phải đau đầu, trước khi quân đội Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.

Khi các nền kinh tế mở cửa sau hai năm đóng cửa do đại dịch, các vấn đề với chuỗi cung ứng toàn cầu đã kích thích nhu cầu tăng lên, làm tăng giá cả trên diện rộng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) cho biết giá lương thực toàn cầu hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1974 khi được điều chỉnh theo lạm phát.

Dù hàng chục nền kinh tế nông nghiệp có hệ thống tưới tiêu rộng lớn, các nước này ít có sản phẩm nông nghiệp nào sánh được với Ukraine.

Đất nước 40 triệu dân này là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính ngô, lúa mạch và lúa mạch đen, cùng các loại ngũ cốc khác. Ukraine liên tục nằm trong danh sách các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất.

Điều đặc biệt ở Ukraine là nước này sản xuất nhiều hơn mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo ra thặng dư hàng hóa có thể bán trên thị trường quốc tế.

Trên thực tế, vào năm 2019, Ukraine đã vượt Nga để trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất với gần 50 triệu tấn được sang các nước khác. Thế mạnh của nền nông nghiệp Ukraine là đất đai cực kỳ màu mỡ. Gần 1/4 diện tích đất màu mỡ nhất thế giới, được gọi là Chernozem, nằm ở Ukraine.

Chernozem là đất đen giàu chất hữu cơ được gọi là "mùn", được tạo thành từ thực vật phân hủy. Hơn 65% diện tích đất canh tác ở Ukraine được tạo thành từ các mỏ Chernozem, rất lý tưởng cho việc trồng trọt. Diện tích đất canh tác của Ukraine rất lớn với hơn 32 triệu ha, còn lớn hơn cả diện tích Italy.

Những khó khăn 

Các chuyên gia đánh giá, Ukraine có khả năng sản xuất nhiều ngũ cốc hơn nếu áp dụng công nghệ, tài chính và phương thức sản xuất hiện đại.

Hiện nay, xói mòn đất đang phá hủy đất canh tác của Ukraine. Hàng năm có khoảng 500 triệu tấn đất bị xói mòn chủ yếu do các phương thức canh tác nông nghiệp kém như canh tác quy mô lớn.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, biến đổi khí hậu cũng đang tác động đến "các khu vực năng suất cao của đất nước, chẳng hạn như khu vực thảo nguyên ở phía nam, nơi sản xuất 50% ngũ cốc cho Ukraine".

Mặc dù nằm trên những mỏ đất màu mỡ rộng lớn, nhưng năng suất sản lượng nông nghiệp của Ukraine lại thấp hơn so với các nước khác.

Tiềm năng của Ukraine đã bị ảnh hưởng trong nhiều năm do thiếu các khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại do các chủ đất không có khả năng tiếp cận tài chính.

Việc buôn bán đất nông nghiệp bị cấm vào năm 2001 vì lo ngại rằng các nước giàu và các tập đoàn lớn sẽ vơ vét đất nông nghiệp quý giá.

Mặc dù nông dân có thể cho thuê tài sản của mình, nhưng họ không thể sử dụng chúng làm tài sản thế chấp để vay số tiền cần thiết để mua nông cụ, chẳng hạn như máy kéo, từ ngân hàng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, bao gồm cả các khoản vay ngân hàng, từ lâu đã trở thành rào cản đối với các nhà sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ, những người sản xuất hơn 50% tổng sản lượng nông nghiệp của Ukraine".

Theo ông Roman Leshchenko, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine, lệnh cấm bán đất đã trở thành một phương tiện để các quan chức tham nhũng kiếm tiền bằng cách phân bổ bất hợp pháp các lô đất nông nghiệp cho các nhà phát triển.

Ông cho biết: "Người Ukraine đã không thể tận dụng hết tài nguyên nông nghiệp giàu có này trong suốt 30 năm kể từ khi đất nước giành được độc lập".

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dỡ bỏ lệnh cấm trên vào năm ngoái, hy vọng rằng những cải cách sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài trong vòng một vài năm tới.

Nhưng chiến sự kéo dài và căng thẳng hiện nay đã làm đảo ngược những kế hoạch đó và làm gia tăng khó khăn đối với nền nông nghiệp vốn đang rất cần vốn và công nghệ của Ukraine.

Theo TRT World