1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nông dân Mỹ “kêu cứu” !

(Dân trí) – Trong suốt mấy thập kỷ qua, những người trồng rau và hoa quả ở California, Florida và một số bang khác là những nông dân duy nhất ở Mỹ không phải dựa vào các khoản trợ cấp của chính phủ liên bang để tồn tại. Nhưng giờ đây mọi việc đã khác.

Môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã khiến họ phải cầu cứu đến sự trợ giúp của chính phủ. Đây là lần đầu tiên họ phải lập một nhóm vận động hành lang để cố giành được một miếng to hơn trong cái “bánh trợ cấp” của chính phủ khi dự luật nông sản được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào tháng 1 tới.

 

Những người trồng rau quả Mỹ có lợi thế chính trị khi nằm trong địa hạt của các bang như California, Florida và Arizona - 3 bang có số phiếu quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008.

 

Tuy nhiên, việc tăng trợ cấp đối với các loại nông sản phổ biến như ngô và bông đang là một vấn đề gây tranh cãi căng thẳng tại Quốc hội. Chính sách trợ cấp nông nghiệp hiện thời của Mỹ cũng đã nhiều lần trở thành chủ đề tranh luận bên ngoài các cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

Mặc dù một số nông dân phải chịu thiệt hại nhưng người tiêu dùng Mỹ lại được hưởng lợi lớn từ hoa quả giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ví dụ, chỉ tính riêng trên thị trường bán buôn, tỏi Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa so với tỏi nội địa của Mỹ.

 

Hiện tại, mỗi năm Mỹ trợ cấp hơn 15 tỷ USD cho các hộ trồng 5 loại cây, bao gồm ngô, bông, lúa, lúa mỳ và đậu tương vì đây được coi là các loại hàng hóa có thể trao đổi trên thị trường thế giới. Còn rau và hoa quả được gọi là cây trồng đặc biệt vì không có một tiêu chuẩn thống nhất để đánh giá mùi vị và chất lượng của loại nông sản này.

 

Vì chính sách trợ cấp trực tiếp đối với các sản phẩm rau quả sản xuất trong nước sẽ bị coi là vi phạm các tập quán thương mại và gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của các nước đang phát triển, nên thay vào đó, nông dân trồng rau quả của Mỹ yêu cầu chính phủ hỗ trợ thêm về tài chính để tiêu thụ sản phẩm, phục vụ công tác nghiên cứu…

 

Tuy nhiên, yêu cầu này cũng khó có khả năng được đáp ứng vì ngân sách liên bang còn rất nhiều vấn đề khác cần ưu tiên.

 

Những người ủng hộ trợ cấp lập luận rằng không những nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ mà nông dân của Trung Quốc còn có lợi thế ở chỗ chính phủ nước này luôn kiểm soát chặt chẽ đồng nội tệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, Trung Quốc lại có nguồn nhân công dồi dào - rất cần cho những công việc cần nhiều lao động như trồng và thu hoạch rau quả.

 

Tuy nhiên, nhà kinh tế Peter Morici của Đại học Maryland cho rằng đã là cạnh tranh bình đẳng thì không nên dựa vào trợ cấp.

 

Đặng Lê

Theo International Herald Tribune