1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nỗi khổ trong “lồng son” của các công nương Nhật

Những du khách đến Tokyo muốn xem nơi ở của gia đình hoàng gia Nhật sẽ phải thất vọng. Cung điện ẩn mình sau những khu vườn và cuộc sống của các thành viên hoàng tộc biệt lập với bên ngoài.

Cơ quan phụ trách các vấn đề hoàng gia kiểm soát chặt chẽ mọi kênh tiếp xúc của công chúng với họ. Đó mới là nơi nắm quyền lực thực sự. Giáo sư Jeffrey Kingston thuộc Đại học Temple ở Tokyo miêu tả đây là “một nhóm những nhân vật quan liêu kiểm soát ngặt nghèo cả gia đình hoàng tộc và đảm bảo rằng tất cả các thành viên thực hiện các nghĩa vụ do họ đề ra. Các thành viên hoàng tộc thực sự sống trong chiếc lồng vàng. Cuộc sống rất nhiều áp lực. Mặc dù báo chí Nhật đỡ săm soi hơn ở Anh, cơ quan này vẫn rất quan tâm đến hình ảnh của họ trước công chúng”. Vì vậy, khi ai đó đến cung điện chụp ảnh, họ không được mang thiết bị ghi âm, đề phòng trường hợp người này ghi được một lời nhận xét vu vơ không đúng phép tắc.

 Đôi khi các thành viên hoàng tộc Nhật mở họp báo. Nhưng những buổi như vậy được dàn dựng cẩn thận. Các câu hỏi phải được các quan chức cung điện thông qua trước. Các nhà báo Nhật cũng kính cẩn bám sát các quy định này. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi những luật lệ vượt quá sức chịu đựng của hai phụ nữ thường dân kết hôn với các thành viên hoàng tộc – hoàng hậu Michiko và thái tử phi Masako. Cơ quan phụ trách các vấn đề hoàng gia hồi tuần trước cho biết hoàng hậu Michiko một lần nữa đổ bệnh vì stress. Còn công nương Masako hiếm khi xuất hiện trước công chúng từ cuối năm 2003, sau khi bị trầm cảm.

 

Dư luận xôn xao, mỗi lần thông tin về cuộc sống và những căng thẳng mà các thành viên hoàng gia phải chịu đựng lọt ra ngoài, thường dưới dạng những tin đồn. Hãng Kyodo khẳng định tình trạng hiện giờ của hoàng hậu là do báo chí “ngồi lê đôi mách” quá nhiều về gia đình bà.

 

Midori Wanatabe là người theo dõi về các vấn đề hoàng gia Nhật nửa thế kỷ nay. Bà cũng cho rằng áp lực đối với những thường dân gia nhập gia đình hoàng gia đến từ cả bên trong và ngoài cung điện. “Nếu tôi có con gái, tôi sẽ không bao giờ để nó kết hôn với người trong hoàng tộc”, bà bình luận. Wanatabe chỉ ra rằng, trong số những bổn phận chính, mỗi năm có đến 20 nghi lễ đạo Shinto mà Nhật hoàng và hoàng hậu bắt buộc phải tham gia trong cung điện. Đối với hoàng hậu, mỗi nghi lễ đều cần đến việc tắm rửa theo truyền thống, một trang phục cầu kỳ 12 lớp, một kiểu tóc và kiểu trang điểm đặc biệt.

 

“Dĩ nhiên vì hoàng hậu xuất thân từ một gia đình gia giáo, bà cũng muốn gìn giữ những truyền thống và văn hóa của hoàng gia”, Wanatabe bình luận. “Nhưng có lẽ thái tử phi thích ứng kém hơn”. Cơ quan phụ trách các vấn đề hoàng gia cho biết thái tử phi mắc phải “chứng rối loại thích nghi”. Một số nhà bình luận cho rằng cô bị trầm cảm nặng. Cho dù sự thật có là gì, từ nhiều tháng qua, Masako chỉ có thể thực hiện được những nghĩa vụ nhỏ nhặt nhất trước công chúng, vì căn bệnh của mình.

 

Wanatabe cho rằng cả hoàng hậu và công nương lâm bệnh mà không có dấu hiệu thể hiện bên ngoài rõ ràng khiến việc điều trị cho họ càng khó khăn: “Khi bạn nhìn thấy họ trên TV, trông họ vẫn khỏe mạnh. Người ta nhìn họ và thắc mắc không hiểu họ gặp chuyện gì. Việc hồi phục sẽ khó khăn bởi vì bệnh tình của họ không lộ rõ. Có lẽ đó là nguyên nhân họ không thể khỏe mạnh trở lại”.

 

Giáo sư Kingston bình luận rằng ông cảm thấy dân chúng Nhật, nhất là phụ nữ, rất thông cảm với Masako. Trong mắt nhiều người, cơ quan phụ trách các vấn đề hoàng gia là một cơ cấu lỗi thời, mặc dù nó đã được hiện đại hóa phần nào trong vài thập kỷ qua. Trước Thế chiến II, Nhật hoàng được coi như là một nhân vật thần thánh. Sau khi Nhật bại trận, điều này không còn nữa. Kể từ đó, việc lấy thê thiếp để duy trì dòng dõi hoàng tộc cũng bị hủy bỏ. Nhật hoàng và hoàng hậu hiện giờ là thế hệ hoàng tộc đầu tiên tự tay nuôi dạy con cái, chứ không để việc đó cho các vú nuôi hay quan chức. Gần đây, Nhật hoàng được phép phản đối việc thị trưởng Tokyo muốn ra quy định bắt buộc hát quốc ca. Suốt nhiều năm trước đó, ông không thể phát biểu gì.

 

Cho đến nay, dư luận Nhật vẫn còn ít những cuộc tranh luận công khai về việc liệu cơ quan phụ trách các vấn đề hoàng gia có nên công khai hơn và áp dụng phong cách làm việc của các hoàng tộc nước ngoài hay không. Những người Nhật thực sự quan tâm đến hoàng tộc thường già và bảo thủ, nên không muốn thay đổi. Giới trẻ thì có tư tưởng thoáng hơn. Nhưng đối với họ, cơ quan trên không liên quan gì đến cuộc sống thường ngày của họ, và họ không quan tâm đến những gì diễn ra bên trong cung điện.

 

Theo M.C

Vnexpress/ BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm