Nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris sắp bị bán
(Dân trí) - Nhiều công trình lịch sử ở Paris và các tỉnh khác gắn liền với thời Hoàng kim của nước Pháp đã được Chính phủ Pháp rao bán. Trong số đó có cả khách sạn Majestic, nơi đàm phán và ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Số tiền khổng lồ thu được sẽ dành chủ yếu cho việc duy tu các công trình khác và trả nợ quốc gia.
Trong 2 năm qua, Pháp đã bán một số tòa nhà quý bao gồm các lâu đài thế kỷ 18-19, biệt thự, các khách sạn, địa điểm diễn ra những buổi đàm phán ký kết quan trọng. Những công trình này đã từng thuộc sở hữu của giới quý tộc.
Đối tượng khách hàng không hạn định, thậm chí cả những cá nhân và tập thể nước ngoài. Cho đến lúc này, khách hàng chủ yếu của những món hàng quý giá này là các công ty cổ phần nước ngoài. Đại diện Công ty bất động sản châu Âu Carlyle Group, ngài Giám đốc nhận xét: "Những công trình kiến trúc của Pháp thật tuyệt vời! Được sở hữu một trong những di sản quý báu đó là điều mà chúng tôi chưa từng mơ đến".
Có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến khách sạn Majestic, công trình đã chứng kiến một phần lịch sử của nước Pháp. Đây là khách sạn sang trọng vào bậc nhất nằm ở trung tâm Paris, đã từng bị Hitler tịch thu làm trụ sở Bộ tư lệnh quân Phát xít thời kỳ Pháp bị chiếm đóng. Sau chiến thắng của Quân đồng minh, Bộ Ngoại giao Pháp đã thu hồi tòa nhà và sử dụng nó cho các hoạt động ngoại giao. Chính tại phòng khiêu vũ của khách sạn, Hiệp ước Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được đàm phán và ký kết.
Khoản kinh phí để duy trì các di sản này là điều đang làm đau đầu Chính phủ Pháp. Theo ước tính, mỗi năm Pháp phải chi ra khoảng 2 đến 3 tỷ euro (tương đương 2,6-3,9 tỷ USD) cho việc duy tu. Công tác bảo dưỡng một số công trình thậm chí đã phải trì hoãn vì thiếu tiền.
Chính quyền trung ương đã phải bàn giao một số di sản cho các Bộ và địa phương quản lý, chịu trách nhiệm duy tu bảo dưỡng các di sản. Tuy nhiên, các Cơ quan này đã không chú tâm nhiều đến việc nâng cấp định kỳ do nhiều nguyên nhân mà trong đó đáng kể nhất là nguồn kinh phí.
Một quan chức Bộ Tài chính Pháp cho hay ngân sách các Bộ vốn hạn hẹp nên khoản tiền dành cho duy tu bị cắt giảm đầu tiên. Nếu đến Pháp, người ta sẽ thấy là tại tòa Tháp Saint-Jacques có lối kiến trúc Gotic, dàn giáo, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang từ hiều năm qua do công trình đang đợi được cung cấp kinh phí.
Cùng chung số phận với Tòa tháp này, một số tòa nhà khác mang tiếng là được trùng tu nhưng vào bên trong thì sẽ thấy một đống đổ nát. Nghị sỹ đảng Xã hội, Jean- Louis Dumont bày tỏ: “Có nhiều lâu đài ở Loire đã bị hư hại nặng”.
Tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Dominique de Villepin đã cam kết sẽ dành thêm 70 triệu euro mỗi năm cho công việc duy tu di sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá: "Khoản kinh phí này không thấm tháp gì so với một công việc khó khăn và tốn kém như vậy".
Không riêng gì nước Pháp, nhiều nước châu Âu đang phải vật lộn để duy trì các di sản quý giá tổ tiên để lại. Anh cũng phải trích 18,7% doanh thu từ xổ số để chăm sóc Dinh thự cổ. Chính phủ Ý cũng phải bán nhiều di sản cho các Công ty bất động sản và bây giờ họ phải thuê lại chúng.
HH
Theo International Herald Tribune