Nỗi đau quá khứ ám ảnh tương lai
Ngày 11-9 đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Mỹ, không chỉ vì những tổn thất, mà quan trọng là nó đã làm thay đổi một nước Mỹ, vốn vẫn luôn tự tin vào khả năng sức mạnh bất khả chiến bại.
Vào ngày này 14 năm trước, nước Mỹ hùng mạnh trở nên hoảng loạn trước thông tin bị khủng bố. Hình ảnh những những chiếc máy bay bị bắt cóc lao vào tòa Tháp đôi, Lầu Năm Góc và những cột khói bốc lên nghi ngút được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền hình khắp thế giới.
Thế giới bàng hoàng, nước Mỹ đau đớn và nổi giận. Nhưng có những nỗi đau và sự giận dữ kéo dài mãi cho đến lúc này và không biết đến khi nào thì kết thúc.
Nỗi đau vẫn hằn sâu trong lòng nước Mỹ.
Không phải đợi đến ngày hôm nay, từ nhiều ngày qua, người thân của các nạn nhân đã tụ tập tại công viên quốc gia Sherwood Island ở Connecticus, nơi đặt Đài kỷ niệm vụ 11-9 để tưởng nhớ những người đã chết khi hai toà tháp tại Manhattan (New York), sụp đổ và cả những nạn nhân trên hai chiếc máy bay bị các phần tử khủng bố khống chế.
Công viên này cách Manhattan không xa. Người ta có thể đứng đây và nhìn thấy cột khói lớn bốc lên vào ngày định mệnh ấy. Hoa hồng, những mảnh vỏ sò và những vật kỷ niệm khác phủ kín mặt đá hoa Đài tưởng niệm khắc tên của những người đã mất.
14 năm trôi qua, người dân Mỹ vẫn nghẹn lại khi nói về những gì được chứng kiến. Ngày 11-9 đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, không chỉ vì những tổn thất, mà quan trọng là nó đã làm thay đổi một nước Mỹ, vốn vẫn luôn tự tin vào khả năng sức mạnh bất khả chiến bại. Cảm giác an toàn của nước Mỹ đã hoàn toàn biến mất từ giây phút ấy.
Sau thảm hoạ này, Chính phủ Mỹ công bố Al Queda và Osama Bin Laden là thủ phạm chính. Chính phủ của Tổng thống Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Mỹ đã đổ hàng trăm tỷ đôla cho chiến dịch tấn công Taliban ở Afghanistan ngay trong năm 2001 và phát động cuộc chiến tại Iraq năm 2003.
Thiệt hại về người đã vượt quá số người bị chết trong vụ khủng bố 11-9. Ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng hơn 10%. Hàng tỷ đôla khác đã được tăng chi cho bảo đảm an ninh nội địa.
Chưa khi nào, người ta thấy nước Mỹ trở nên thận trọng khi nói tới an ninh như vậy. Như một phản ứng tự nhiên, người dân Mỹ sẵn sàng ủng hộ các biện pháp cứng rắn của Chính phủ Mỹ, thậm chí hi sinh một phần quyền tự do vốn được họ rất coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ George Bush lúc đó đã tăng vọt lên mức kỷ lục 90%.
Thế nhưng, khi lòng tự trọng của nước Mỹ được giải tỏa cũng là lúc nước Mỹ phải đối mặt với một cuộc chiến khác cam go hơn, và cho đến lúc này, không ai biết khi nào thì chấm dứt. Chiến lược chống khủng bố của Mỹ được phát động trên toàn thế giới ngay từ năm 2001, nhưng chủ yếu là nhằm vào thế giới những người Hồi giáo, làm dấy lên sự hận thù, chia rẽ.
Hận thù giữa con người với con người, hận thù giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Sự kỳ thị hiển hiện đối với những người Hồi giáo trên khắp thế giới, mà điển hình là vụ việc một nhà thờ nhỏ ở Florida đòi đốt kinh Koran của người Hồi giáo. Người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới biểu tình bạo động để yêu cầu chấm dứt sự có mặt của người Mỹ.
Nước Mỹ đã không ít lần “hi sinh” các mối quan hệ đồng minh thân cận bằng những trận cãi vã không hồi kết. Điển hình là cuộc đột kích với mật danh “Chiến dịch Neptune’s Spear” của lực lượng Mỹ trên đất Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi tháng 5 năm 2011 đã làm cho mối quan hệ đồng minh này sứt mẻ. Những gì mà nước Mỹ làm là để diệt tận gốc những mầm mống khủng bố. Nhưng kết quả là ngay cả khi Bin Laden bị tiêu diệt, người Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn.
Hiện tại, nước Mỹ và thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về vấn đề hậu Bin Laden. Sau cái chết của Bin Laden, các nhóm khủng bố đã có những thay đổi trong cách thức hoạt động, nhưng lại theo hướng tinh vi và xảo quyệt hơn rất nhiều như chia nhỏ lực lượng hay trà trộn vào các lực lượng nổi dậy ở Syria, Mali, Sudan v.v. Đặc biệt, nổi lên nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS với những hành động man rợ hơn, phạm vi hoạt động trải rộng hơn ở nhiều châu lục. Sự hiện diện của IS khiến cho thế giới lo sợ.
Trong đó điển hình là vụ tấn công vào tòa soạn báo Chalie Hebdo tại Pháp hồi năm ngoái. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Obama lại chưa tìm được một giải pháp nào có hiệu quả. Các cuộc không kích trên lãnh thổ Iraq, Syria vẫn chỉ mang tính đối phó với tình thế, bởi nguy cơ bị tấn công vẫn luôn lơ lửng do mâu thuẫn và sự thù hằn không được giải quyết. Nước Mỹ chịu tiếng đã đành mà họ còn đặt tình trạng an ninh toàn cầu vào tình thế không hề dễ chịu.
Nước Mỹ vẫn bất an, đó là cảm nhận chung của người dân Mỹ. Có lẽ cho đến lúc này, người Mỹ nên hiểu rằng, hận thù sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. Và nếu sự hận thù được thổi bùng lên, khoảng cách giữa nước Mỹ với thế giới Hồi giáo sẽ xa hơn và những nỗi đau sẽ không bao giờ được hàn gắn.
Theo Châu Anh
Đại đoàn kết