Nội các Nhật Bản đồng loạt từ chức
(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda và nội các của ông ngày hôm nay chính thức từ chức để dọn đường cho Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trở thành thủ tướng thứ ba của nước này kể từ năm 2006 và thành lập chính phủ mới.
Chiều nay, Quốc hội Nhật Bản sẽ tiến hành bầu thủ tướng mới. Ông Aso có khả năng thua tại Thượng viện - hiện do phe đối lập kiểm soát, nhưng chắc chắn sẽ giành thắng lợi ở Hạ viện - nơi liên minh cầm quyền hiện chiếm đa số.
Một uỷ ban chung sẽ được thành lập để thống nhất kết quả trước khả năng hai viện cho hai kết luận khác nhau. Nhưng quyết định của Hạ viện sẽ là quyết định cuối cùng của Quốc hội, theo quy định của Hiến pháp, và chắc chắn ông Taro Aso sẽ trở thành thủ tướng kế nhiệm ông Yasuo Fukuda.
Ông sẽ thành lập nội các mới và tổ chức họp báo vào chiều tối nay.
Việc ông Aso giành chiến thắng được xem là điều đương nhiên. Dư luận thời điểm này đang tập trung vào việc ông sẽ bố trí các ghế trong nội các như thế nào.
Kaoru Yosano, nhân vật chạy đua với ông Aso trong cuộc đua mới nhất, dự kiến vẫn giữ nguyên vị trí trước đây là chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế và tài chính. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, một đối thủ khác của ông Aso, được dự đoán rộng rãi vào ghế Bộ trưởng Nông nghiệp.
Shoichi Nakagawa, một cựu Bộ trưởng Kinh tế, được xem như ứng cử viên hàng đầu của chức Bộ trưởng Tài chính và cựu Bộ trưởng Giáo dục Hirofumi Nakasone có thể làm Ngoại trưởng.
Một khi lên nhậm chức, ông Aso sẽ phải đối phó với những bất đồng trong cả kinh tế và chính trị.
Một trong những vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự là liệu có kêu gọi được Hạ viện quyết định bầu cử sớm hay không, để chứng tỏ đảng LDP của ông - cầm quyền hầu như trong suốt 53 năm qua, vẫn có khả năng lãnh đạo. Mặc dù chỉ phải kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 9/2009, nhưng có lẽ ông Aso sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn trong tháng 10 tới, với hy vọng kiềm chế được đà tấn tới của phe đối lập.
Cuộc bầu cử này sẽ là canh bạc lớn đối với đảng của ông.
Kinh tế cũng là thách thức nữa. Tốc độ tăng trưởng đã chững lại và lạm phát tăng cao, những tác động tiêu cực của kinh tế Mỹ... sẽ khiến nội các mới đau đầu. Các nhà kinh tế cho rằng ưu tiên của ông Aso về cắt giảm chi phí và thuế có thể tạo ra một động lực ngắn hạn cho nền kinh tế đang bị trì trệ, nhưng việc đề ra các kế hoạch dài hạn còn quan trọng hơn. Nó giúp cho Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn, cải tổ được hệ thống phúc lợi xã hội yếu kém và tăng thuế tiêu dùng để bù đắp chi phí ngày càng gia tăng cho dân số ngày càng bị lão hóa.
Trà Giang
Theo AP, Reuters