Nỗi buồn hậu chiến tranh của cựu binh Mỹ
(Dân trí) - Trong bài viết đăng trên tờ Guardian, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã trải lòng về những suy nghĩ đè nặng lên ông trong nhiều năm qua: không ai nói "cảm ơn" với các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam.
Các lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. (Ảnh: AP)
Alan Cutter là một Giám mục Tin lành. Ông đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam và phục vụ trong binh chủng Hải quân từ năm 1969 đến năm 1975. Ông cũng từng là giảng viên Trường dự bị thuộc Học viện Hải quân. Hiện Cutter là thành viên Hội đồng giám mục quốc tế các cựu chiến binh.
Ông Cutter đã tâm sự về khoảng thời gian sau khi trở về từ miền nam Việt Nam. “Khi đợt công tác của tôi kết thúc vào tháng 8/1972, tôi bay về nhà ở Maine, một bang phía đông bắc nước Mỹ. Mọi người trong gia đình vui mừng đón tôi nhưng không một ai nói “cảm ơn” hoặc “chào mừng về nhà”. Mà nếu họ có nói như thế, tôi có thể cũng không biết trả lời ra sao”.
“Có quá nhiều tiếng nổ, các cuộc tra tấn đối phương để lấy thông tin, những nỗi buồn dài đằng đẵng và sự khiếp sợ vô tận, quá nhiều máu chảy và những lần ôm xác đồng đội trên tay… Tất cả những điều đó đã cuốn sạch mọi thứ trong tôi đi rồi. Tôi cũng đã chia sẻ những bữa ăn mà chẳng phải thức ăn, đã ngủ ở nơi hoàn toàn xa lạ, đã nổi nóng với cấp trên cứng nhắc, đã cười vào mặt thần chết, thế mà lại chưa bao giờ có thời gian khóc cho những người đã chết”, ông tâm sự về quãng thời gian tham chiến ở Việt Nam.
Các cuộc chiến tranh gần đây rất khác, truyền thông đã phát triển hơn, hiệu quả hơn và nhanh một cách đáng sợ; vũ khí, xe cộ, và cả khẩu phần ăn nữa cũng khá hơn nhiều. Ngoài ra, sự hỗ trợ y tế và công nghệ mới đã cứu mạng nhiều người dù vẫn để lại cho các cá nhân và gia đình họ những vấn đề khủng khiếp, đồng thời các đợt công tác xa nhà kéo dài đã trở nên phổ biến.
Ông Cutter cho hay hiện nay, các chỉ huy quân đội đã công nhận rằng trầm cảm và ác mộng triền miên sản sinh ra nhiều vấn đề. Một ngày nào đó, họ sẽ hiểu thêm rằng thuốc men và những phiếu trắc nghiệm cho dù có hữu ích cũng không phải là giải pháp triệt để.
"Thay đổi từ cuộc sống tuy nhơ nhớp nhưng huy hoàng, đầy sắc thái của cuộc chiến tranh đến một cuộc sống buồn tẻ, u ám và hổ thẹn ở “nhà” là cả một sự khó khăn. Rất nhiều người không bao giờ làm được việc đó. Có thể nói tôi “may mắn” vì đã sống sót sau cuộc chiến, nhưng ở “nhà”, sự tồn tại của tôi đôi khi rất vô định", Cutter nói.
Cựu chiến binh Cutter đã chia sẻ những trăn trở về cuộc chiến tranh Việt Nam, vốn luôn đè nặng trong lòng mình.
“Bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến. Chúng tôi, những cựu chiến binh Việt Nam, chào nhau bằng một câu có hiểu biết dù hơi gượng gạo “chào mừng về nhà”. Mọi người nhận ra chúng tôi qua những chiếc mũ, áo phông và phù hiệu nhỏ. Một số cũng có nói “cảm ơn các bạn vì đã phụng sự”.
Một số người chưa từng phục vụ trong quân đội khi nhìn thấy đôi nạng của tôi thì thường hỏi về chúng; và tôi nói đấy là “quà” từ Việt Nam. Bình thường, họ sẽ đáp lại “Ôi, tôi xin lỗi vì đã gợi lại”. Thế thôi đã là rất tử tế rồi.
Tôi vẫn luôn đợi ai đó để nói với họ “tha thứ cho tôi nhé?” Câu hỏi này vừa công nhận tính phức tạp của cuộc chiến tranh Việt Nam, vừa khơi gợi một cuộc đối thoại mới. Tôi muốn nói với người đó thế này: “Bạn của tôi ơi, chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm. Tôi tự hào đã phụng sự tổ quốc mình... Nhưng tôi đã không chuẩn bị gì trước những ánh nhìn săm soi trong trại tị nạn hoặc những tiếng thét của người dân làng bị thương, đang tức giận. Hãy tha thứ cho chúng tôi...”, ông Cutter nhắc lại những ký ức luôn đè nặng lên ông trong 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
"Nếu có ai đó dừng lại, lắng nghe câu chuyện thì biết đâu có thể mang lại niềm an ủi cho tâm hồn đã bị thương tổn của những cựu chiến binh Việt Nam. Và như thế, con đường hàn gắn dù mong manh sẽ bắt đầu", ông Cutter nói.
Minh Châu
Theo Guardian