1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗ lực gắn kết vận động viên Hàn - Triều dưới lá cờ thống nhất

(Dân trí) - Huấn luyện viên đội tuyển khúc côn cầu liên Triều đã dành những lời khen ngợi cho thái độ làm việc và tinh thần sẵn sàng học hỏi của các vận động viên Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông năm nay.

Đội cổ vũ Triều Tiên “hâm nóng” nhà thi đấu Hàn Quốc

Các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc ôm nhau ăn mừng trong trận đấu với đội tuyển khúc côn cầu Thụy Điển tại Gangneung trong khuôn khổ Thế vận hội mùa Đông. (Ảnh: Yonhap)
Các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc ôm nhau ăn mừng trong trận đấu với đội tuyển khúc côn cầu Thụy Điển tại Gangneung trong khuôn khổ Thế vận hội mùa Đông. (Ảnh: Yonhap)

Trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên Hàn Quốc ngày 23/2, Sarah Murray, huấn luyện viên đội tuyển khúc côn cầu liên Triều tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, đã chia sẻ về những khó khăn cũng như thành quả sau quá trình tập luyện và thi đấu của các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, vận động viên hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên cùng lập đội thi đấu chung trong bộ môn khúc côn cầu trên băng.

23 học trò của huấn luyện viên Murray bắt đầu lập đội cùng 12 vận động viên Triều Tiên từ ngày 25/1 tại Hàn Quốc, trước khi lễ khai mạc Thế vận hội diễn ra. Murray nói rằng thông qua việc tập luyện và thi đấu chung, các vận động viên Triều Tiên đã có cơ hội tiếp cận với những thông tin về bộ môn khúc côn cầu mà họ chưa từng biết trước đây. Mặc dù đội khúc côn cầu liên Triều thất bại trong cả 5 trận họ thi đấu, song những kinh nghiệm mà họ có được mang ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc thắng hay thua.

“Đối với các vận động viên Triều Tiên, Thế vận hội cho họ thấy những cơ hội mới và những hệ thống mới. Họ muốn biết những thông tin mới vì họ không có nhiều điều kiện tiếp xúc các thông tin bên ngoài. Họ tiếp thu tất cả mọi thứ”, Sarah Murray nói.

Huấn luyện viên Sarah Murray lau nước mắt sau khi trận đấu giữa đội khúc côn cầu liên Triều và Thụy Điển kết thúc ngày 20/2 (Ảnh: Hani)
Huấn luyện viên Sarah Murray lau nước mắt sau khi trận đấu giữa đội khúc côn cầu liên Triều và Thụy Điển kết thúc ngày 20/2 (Ảnh: Hani)

Huấn luyện viên đội tuyển Hàn Quốc cũng nhiều lần dành những lời khen ngợi cho thái độ làm việc và tinh thần sẵn sàng học hỏi của các vận động viên Triều Tiên, và chính điều này đã tiếp thêm động lực cho ban huấn luyện để tiếp tục đào tạo họ.

Là huấn luyện viên của đội tuyển Hàn Quốc từ năm 2014, Sarah Murray nói rằng bản thân cô cũng học được rất nhiều điều từ việc huấn luyện cho đội thi đấu chung của Triều Tiên và Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa Đông năm nay.

“Đối với tôi, đó thực sự là một trải nghiệm học hỏi rất tốt về việc làm thế nào để đưa hai nước xích lại gần nhau thông qua thể thao. Tôi thậm chí còn không thể tưởng tượng được rằng mọi việc diễn ra suôn sẻ như vậy”, Murray chia sẻ.

Sarah Murray biết thông tin về việc kết hợp hai đoàn vận động viên Hàn - Triều để thi đấu dưới lá cờ chung tại Thế vận hội chỉ hai ngày sau khi cô đưa ra quyết định cắt giảm số lượng vận động viên của đội Hàn Quốc và chỉ giữ lại 23 người tốt nhất. Yêu cầu đặt ra cho nữ huấn luyện viên này là sắp xếp thêm ít nhất 3 vận động viên Triều Tiên vào mỗi trận thi đấu của đội khúc côn cầu chung tại Thế vận hội.

“Khi được giao phụ trách một đội thi đấu chung, vốn được thành lập dựa trên quyết định chính trị ngay trước thềm Thế vận hội, tôi không biết mình sẽ phải kết nối cả đội như thế nào. Nhưng tôi đã đối xử với các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên công bằng như nhau, và các vận động viên cũng hoàn toàn tuân thủ. Họ thực sự là những người hùng”, Murray nói.

Thách thức và thành quả

Sarah Murray đã bật khóc khi tiễn các vận động viên khúc côn cầu Triều Tiên về nước ngày 26/2 (Ảnh: Yonhap)
Sarah Murray đã bật khóc khi tiễn các vận động viên khúc côn cầu Triều Tiên về nước ngày 26/2 (Ảnh: Yonhap)

Thử thách lớn nhất đặt ra cho huấn luyện viên Murray khi hướng dẫn một đội thi đấu chung là phải thuyết phục 3 vận động viên Hàn Quốc rằng, họ sẽ không được thi đấu tại Thế vận hội để nhường chỗ cho các vận động viên Triều Tiên. Một vấn đề nữa khiến nữ huấn luyện viên lo ngại là tinh thần đồng đội, tuy nhiên chỉ sau hai ngày các vận động viên của hai nước đã hòa hợp như thể họ từng là một đội từ trước đến nay.

“Tôi nghĩ khi các vận động viên Hàn Quốc bắt đầu quen các vận động viên Triều Tiên, họ đã thay đổi suy nghĩ của chính họ. Họ thực sự thoải mái khi tập luyện với vận động viên Triều Tiên. Tôi biết ban đầu một số vận động viên thực sự phản đối việc này, song sau đó tôi thấy họ ngồi cạnh nhau trên cùng một bàn, cười đùa và ôm các vận động viên Triều Tiên”, Murray kể lại.

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra rằng đội của chúng tôi có thể kết nối tốt như vậy. Sau buổi tập luyện, họ đã ôm nhau và chụp ảnh cùng nhau… Thể thao đã phá vỡ mọi rào cản”, nữ huấn luyện viên nói thêm.

Khi được hỏi về tương lai của đội khúc côn cầu liên Triều, huấn luyện viên Murray cho biết cô cần ít nhất 4 năm huấn luyện để có thể phát triển một đội thi đấu hiệu quả. Murray cũng không chắc chắn về việc liệu có thể tiếp tục được huấn luyện đội khúc côn cầu liên Triều trong những dịp tương tự Thế vận hội hay không.

Các vận động viên Triều Tiên (áo đỏ) và các vận động viên Hàn Quốc ôm nhau tại Làng Olympic Gangneung trước khi đoàn Triều Tiên lên đường về nước (Ảnh: Yonhap)
Các vận động viên Triều Tiên (áo đỏ) và các vận động viên Hàn Quốc ôm nhau tại Làng Olympic Gangneung trước khi đoàn Triều Tiên lên đường về nước (Ảnh: Yonhap)

“Nếu chúng tôi có thêm thời gian, chúng tôi lẽ ra có thể đạt được điều gì đó thực sự đặc biệt… Những trải nghiệm mà tôi đã có với các vận động viên Triều Tiên và những gì chúng tôi đã làm rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy vinh hạnh khi được đóng góp một phần trong đó”, Murray nói.

Chủ tịch Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc tế Rene Fasel cho biết ông sẽ cân nhắc và thảo luận về việc tiếp tục thành lập đội thi đấu chung của Triều Tiên và Hàn Quốc tại Thế vận hội 2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc bởi theo ông, đó là thông điệp của hòa bình. Angela Ruggiero, một quan chức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thậm chí đề xuất đội khúc côn cầu liên Triều làm ứng viên cho giải Nobel Hòa bình năm nay.

Sáng 26/2, huấn luyện viên Murray và các vận động viên đội khúc côn cầu Hàn Quốc đã tới tiễn và nói lời tạm biệt với các vận động viên Triều Tiên trước khi họ về nước. Murray cho biết cô rất buồn khi phải chia tay các cô gái Triều Tiên. Các vận động viên hai nước đã ôm nhau khóc, trong khi huấn luyện của họ cũng gạt nước mắt.

“Điều đó cho thấy những gì chúng tôi đã làm thực sự đặc biệt. Chúng tôi có thể cảm nhận điều này về các vận động viên mặc dù chúng tôi chỉ có 3 tuần để bên nhau”, huấn luyện viên Murray chia sẻ.

Thành Đạt

Theo Yonhap, DW