Nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak
(Dân trí) - Ngày 7/7, Tổng thống Hàn Quốc đã cách chức ba bộ trưởng gồm Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giáo dục nhằm tìm cách chấm dứt các cuộc biểu tình lớn chống lại việc nhập khẩu thịt bò Mỹ, đã làm chao đảo chính phủ của ông.
Cố vấn tổng thống về kế hoạch nhà nước Ahn Byong-Man được đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ thay ông Kim Doh-Yeon. Nguyên Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Jang Tae-Pyoung được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Thực phẩm, Nông, Lâm, Ngư nghiệp thay ông Chung Woon-chan. Nữ nghị sĩ của Đảng Đại Dân tộc cầm quyền Jeon Jae-Hee đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và các vấn đề gia đình thay Kim Suong Yee.
Tổng thống thống Lee Myung-Bak cũng bổ nhiệm Chánh án Tòa án tối cao Kim Hwang-sik làm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra. Theo kế hoạch, các quyết định bổ nhiệm này còn cần được Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, hiện Quốc hội Hàn Quốc vẫn đang tê liệt do bị phe đối lập tẩy chay kể từ khi chính phủ ký thỏa thuận nối lại việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ.
Người phát ngôn tổng thống Lee Dong-Kwan cho biết đợt cải tổ này là nhằm tạo ra một sự khởi đầu mới giúp Chính phủ Hàn Quốc vượt qua những khó khăn trong và ngoài nước. Thủ tướng Han Seung-Soo vẫn được lưu nhiệm nhằm duy trì sự ổn định và tạo cho ông một cơ hội khác.
Quyết định của chính phủ vào tháng 4 vừa qua về việc nối lại nhập khẩu thịt bò của Mỹ, bị gián đoạn từ 2003 do những lo ngại về bệnh bò điên, đã châm ngòi cho một loạt cuộc biểu tình phản đối trên đường phố. Và tháng trước, toàn bộ nội các và những cố vấn cao cấp của Chính phủ Lee Myung-Bak đã nộp đơn từ chức để nhận trách nhiệm đã không lường trước được phản ứng giận dữ của dân chúng trong trường hợp này.
Người Hàn Quốc tham gia một cuộc biểu tình thắp nến trong đêm ở trung tâm thủ đô Seoul vào ngày 5/7 vừa qua.
Tháng trước, Tổng thống Lee cũng đã phải thay thế toàn bộ cố vấn cấp cao của mình. Sau đó, các nhà thương thuyết Seoul đã phải trở lại Washington để tìm kiếm những bảo đảm y tế mới, trước khi chính thức nối lại hoạt động nhập khẩu thịt bò vào ngày 26/6.
Theo số liệu của cơ quan an ninh Hàn Quốc, khoảng 50 nghìn người đã tập trung tại Seoul ngày 5/7 để đòi ngừng nhập khẩu thịt bò và Tổng thống phải từ chức. Tuy nhiên, các nhóm Thiên chúa giáo và Phật giáo từng tham gia các cuộc biểu tình trước đây đã tuyên bố chấm dứt hành động tương tự của mình.
Khi trả lời một cuộc phỏng vấn mới đây của Đài BBC, Tổng thống Lee Myung-Bak tuyên bố rằng những cuộc biểu tình đang làm tổn thương nền kinh tế và hình ảnh của đất nước. Ông thừa nhận những thiếu sót của chính phủ trong việc xử lý vấn đề này nhưng cho rằng một số người phản đối có động cơ chính trị. Ông Lee Myung-Bak kêu gọi chấm dứt tuần hành và tập trung khôi phục kinh tế, trong bối cảnh giá dầu thô đang đẩy lạm phát gia tăng. Hàn Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn thứ năm thế giới.
Giáo sư khoa học chính trị Park Myong-Ho, của Đại học Dongguk tại Seoul nhận xét vẫn chưa ai biết rằng việc cải tổ nội các có hiệu quả hay không. Ông nói: "Cải tổ nội các là con bài lớn cuối cùng của tổng thống để chấm dứt các cuộc biểu tình. Thời điểm này có ý nghĩa quan trọng dù đã bị muộn phần nào".
N. S
Theo AFP