1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Niềm tự hào châu Âu” Angela Merkel

(Dân trí) - Nhật báo Le Monde của Pháp ngày 10/9 nhận định: hình ảnh của nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đã hoàn toàn khác với ấn tượng về người Đức có phần hơi ít rộng lượng và “cứng nhắc” trước đây.

“Niềm tự hào châu Âu” Angela Merkel - 1

Thủ tướng Angela Merkel chụp ảnh chung với một người tị nạn tại Trung tâm đón tiếp Spandau, phía tây Berlin

Dường như hình ảnh mới mềm mại hơn này xuất hiện khi Berlin phá vỡ một điều được coi như “húy kỵ” của châu Âu, để chấp nhận vô điều kiện mỗi ngày gần 10.000 người tị nạn. Mà lý do khiến các lãnh đạo chủ chốt của Berlin có động thái ứng xử “rộng rãi bất ngờ” với người tị nạn như vậy, theo đánh giá chung, phần lớn do tấm lòng rộng mở của rất nhiều người Đức.

Điều đó cũng được lý giải là do xu thế dân số của nước Đức già đi, kéo theo hệ lụy thiếu nhân công trong các lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, lý do căn bản có lẽ vì đa số người Đức cảm thấy chất lượng cuộc sống tại Đức là tốt, thậm chí là rất tốt (91% theo một thăm dò dư luận, với 76% hài lòng về cuộc sống của chính bản thân).

Bài báo trên Le Figaro ca ngợi Thủ tướng Đức Angela Merkel là niềm tự hào của châu Âu với dự đoán mở đầu: “… Angela Merkel đoạt giải Nobel hòa bình? Khả năng này không phải là không có lý” bởi nữ Thủ tướng Đức đã biết “kết hợp được đạo lý của trách nhiệm (trên cương vị lãnh đạo chính phủ) với đạo lý của đức tin nhằm bảo vệ các giá trị của Châu Âu. Bà đã đưa ra các quyết định thực tiễn rất thuyết phục… và có một chiến dịch truyền thông tuyệt vời”.

Cụ thể hơn, cũng theo Le Figaro, có 4 cơ sở để bà Angela Merkel làm nên niềm tự hào của châu Âu, bao gồm:

Một là hàng triệu người dân Đức và chính nữ Thủ tướng Merkel đã đồng cảm với người tị nạn.

Hai là chính phủ Merkel đã tìm cách giải quyết làn sóng tị nạn như một thực tế cụ thể, chứ không bị dính líu vào việc can thiệp vũ trang bên ngoài.

Ba là sự đóng góp đông đảo của người Đức cho phép phản công hiệu quả chống lại các phần tử cực đoan “phát xít mới”.

Bốn là sáng kiến riêng của nước Đức trước cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có, được Thủ tướng Merkel gắn liền với việc thay đổi chính sách đối với người tị nạn chung của Châu Âu. Đây là điều mấu chốt giúp Berlin một mặt nhận được sự ủng hộ của Paris, nhưng mặt khác lại bị một số nước Đông Âu phản đối.

Trên bình diện Châu Âu nói chung, giới quan sát cho rằng chính sách nhập cư mới của bà Merkel làm thay đổi thế cân bằng chính trị hiện nay của châu lục này. Điều đó khiến Thủ tướng Đức có thể mất đi sự ủng hộ của nhiều chính phủ bảo thủ Châu Âu, cho đến nay vốn là các đồng minh thân thiết của Đức.

Tuy nhiên, cũng chính điều này lại càng giúp nâng cao hơn nữa vị thế và thu hút ngày càng nhiều bình chọn "niềm tự hào của Châu Âu" hơn cho nữ thủ tướng sắc sảo mà cũng rất bình dị Angela Merkel,

Quý Cao

“Niềm tự hào châu Âu” Angela Merkel - 2