1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Niềm hy vọng mới của Ấn Độ

(Dân trí) - Thắng lợi của ông Narendra Modi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã thể hiện ước vọng của người dân Ấn Độ về một nhà lãnh đạo năng động và quyết đoán, góp phần phục hồi kinh tế và an ninh đất nước.

Niềm hy vọng mới của Ấn Độ

Ông Modi xuất thân từ tầng lớp thấp trong xã hội, nhưng lại lên lãnh đạo một trong những nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Ông Modi là ứng cử viên của đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng đối lập chính ở Ấn Độ. Ông đã giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất thế giới với 800 triệu người tham gia.

Ông nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ sau 13 năm làm Thủ hiến bang Gujarat, nơi ông đã thể hiện được sự năng động và quyết đoán của mình trong việc vực dậy kinh tế bang.

Trên thực tế, ông Modi giành được thắng lợi vì đa số người dân Ấn Độ, đặc biệt là những người sống ở các thành phố phía Bắc và tầng lớp trung lưu đã chán với sự nắm quyền của đảng Quốc Đại. Lạm phát cao diễn ra dai dẳng, nạn thất nghiệp kéo dài triền miên, tham nhũng trên diện rộng và tăng trưởng dưới 5% khiến triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm. Trong bối cảnh đó, người dân Ấn Độ đã trao gửi niềm tin cho ông Modi vì tin rằng ông có thể đưa nền kinh tế đi lên như đã từng làm rất thành công ở Gujarat.

Là người theo đuổi chính sách kinh tế thị trường và được giới doanh nghiệp trong và ngoài nước mến mộ, ông Modi được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường chính trị hoàn toàn mới nhằm thực hiện hai nhiệm vụ then chốt trong vực dậy kinh tế đất nước. Thứ nhất là phát triển công nghiệp lớn mạnh dựa trên phát huy nguồn lực lao động dồi dào trong nước và thứ hai là tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông từng tuyên bố “không có giới hạn đỏ, mà chỉ có thảm đỏ” cho các nhà đầu tư. Ông cũng cam kết sẽ sửa đổi các quy định bất cập trong Luật lao động và chính sách sử dụng đất đai để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho hàng triệu lao động không có tay nghề hoặc chỉ có tay nghề thấp vốn xưa nay luôn bị gạt ra ngoài rìa thị trường việc làm trong nước.

Không chỉ là nhà kinh tế thức thời, ông Modi còn là người theo chủ nghĩa dân tộc mềm mỏng và chủ nghĩa châu Á mới. Ông chủ trương tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi với các chính phủ trong khu vực để tạo nên chuỗi đối tác chiến lược liên kết chặt chẽ với nhau. Chủ trương này không chỉ giúp Ấn Độ lấy lại ảnh hưởng sau nhiều năm bị "lép vế" ở châu Á, mà còn ngăn chặn xu hướng “nhất cực” đang hình thành với sự nổi lên đáng lo ngại của Trung Quốc. Nhiều người Ấn Độ muốn ông Modi đưa ra khuynh hướng mới trong quan hệ đối ngoại - điều mà chính phủ cũ không thể thực hiện được - để thu hẹp khoảng cách ngày càng nới rộng về tầm vóc quốc tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc.  

Trong quan hệ với Mỹ, ông Modi cũng có thể góp phần đưa quan hệ hai nước trở lại đúng hướng sau nhiều năm giảm sút trước đây. Mặc dù ông Modi từng bị chính phủ Mỹ từ chối cấp visa suốt từ năm 2005 cho tới trước cuộc tổng tuyển cử lần này (do những cáo buộc cho rằng ông Modi liên quan tới làn sóng bạo loạn giữa người Hồi giáo và người Hindu ở bang Gujarat năm 2002), song với những kế hoạch phát triển kinh tế mạnh mẽ và chính sách hiện đại hóa quốc phòng, ông Modi hoàn toàn có thể tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp hai nước thông qua các hợp đồng kinh tế và buôn bán vũ khí. Lợi ích chiến lược của cả Washington và New Delhi sẽ được thúc đẩy, tạo ra những lộ trình cho hợp tác kinh tế và quân sự giữa hai bên.

Hiện tại, Mỹ đang tiến hành tập trận quân sự với Ấn Độ nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác. Đây là tín hiệu cho thấy Washington rất muốn tăng cường hợp tác quân sự với New Delhi, quốc gia mà Mỹ cho rằng có thể sẽ trở thành thế lực thứ ba giúp đối trọng với Trung Quốc và có thể cả Nga trong tương lai.

Tất nhiên trong một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa và đa giai cấp như ở Ấn Độ, việc tìm được một tiếng nói đồng thuận chung trong nhiều vấn đề không hề đơn giản. Tuy nhiên, là một người xuất thân bần hàn và đã kinh qua nhiều biến cố trong sự nghiệp chính trị cũng như trong hoạt động tôn giáo và kinh tế, ông Modi đã thể hiện rõ bản lĩnh vững vàng của một nhà lãnh đạo mang tầm vóc lớn. Không phải ngẫu nhiên mà một người xuất thân thấp kém như ông Modi (cha ông kiếm sống nhờ quán trà nhỏ ở nhà ga phía Bắc Gujarat) lại có thể từng bước khẳng định vị thế và sự thăng tiến của mình trên mỗi bước đường lựa chọn.

Ngoài ra, ông Modi còn có một tố chất hiếm có ở những người làm lãnh đạo. Đó là sự kiên định theo đuổi mục tiêu. Trong chiến dịch tổng tuyển cử năm 2009, ông là nhà vận động tích cực trên khắp cả nước nhưng khi đó ông vẫn chưa được vận may mỉm cười. Không lùi bước, ông đã cần mẫn xây dựng hồ sơ của mình trên các phương tiện truyền thông và cả trên mạng xã hội. Hiện ông có gần 3 triệu người theo dõi trên Twitter, nhiều hơn bất kỳ chính trị gia nào của Ấn Độ.

Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, ông Modi đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu vốn ủng hộ mạnh mẽ cải cách kinh tế và đang không ngừng lớn mạnh. Đây là "bệ phóng" rất tốt giúp cho ông từng bước hiện thực hóa những hoài bão của mình trên cương vị mới. Nhưng việc ông có thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào lực lượng này, mà còn dựa trên những toan tính chinh trị khôn ngoan trong quan hệ đối ngoại để từng bước vượt qua những trở ngại chính trị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng kỳ vọng của người dân.

Vũ Anh