Những thương vụ thâu tóm đình đám nhất thế giới năm 2022
(Dân trí) - Năm 2022 chứng kiến hàng loạt sóng gió trong ngành tài chính với nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nổi tiếng, như việc tỷ phú Mỹ Elon Musk mua lại mạng xã hội Twitter.
Trong vài năm qua, sự biến động trong ngành tài chính không ngừng diễn ra từ các công ty nhỏ đến cả các tập đoàn hàng tỷ USD. Năm 2022 chứng kiến hàng loạt vụ sáp nhập và mua lại rất lớn. Hầu hết các vụ sáp nhập và mua lại đều nhằm gia tăng lợi nhuận và mở rộng thị phần, thậm chí lấn sang các lĩnh vực mới.
Elon Musk mua lại Twitter (44 tỷ USD)
Đầu năm 2022, Elon Musk - CEO của Tesla bắt đầu mua cổ phần của nền tảng mạng xã hội Twitter sau những lời chỉ trích gay gắt của ông về chính sách "tự do ngôn luận" nền tảng này. Đến tháng 4, Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter khi nắm giữ 9,1% cổ phần. Cùng thời điểm này cả Twitter và Elon Musk thông báo họ đã được thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD để tỷ phú này mua và sở hữu Twitter ở chế độ riêng tư.
Tuy nhiên, phải đến tận cuối tháng 10, Elon Musk mới tiếp quản Twitter sau cuộc chiến pháp lý kéo dài sáu tháng, đồng thời dẫn đến việc sa thải một nửa nhân viên của Twitter, trong đó có rất nhiều nhân sự cấp cao của Twitter cũng như các thay đổi lớn đối với nền tảng này bao gồm một số chính sách và hệ thống xác minh.
Sau thương vụ mua bán & sáp nhập đầy kịch tính này, các nhà quan sát trong ngành hiện vẫn đang "bối rối" về chiến lược cũng như kỳ vọng của Elon Musk đối với Twitter cũng như thương vụ này.
Microsoft mua lại Activision Blizzard (68,7 tỷ USD)
Ngày 18/1, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft công bố việc chi ra 68,7 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard - công ty đứng sau nhiều trò chơi (game) nổi tiếng như Call of Duty, Diablo, Candy Crush. Động thái này của Microsoft được cho là sẽ giúp tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới có thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh metaverse.
Activision Blizzard sẽ là một trong những vụ sáp nhập lớn nhất mà Microsoft từng thực hiện, vượt xa mức 26 tỷ USD mà họ đã chi để mua mạng xã hội LinkedIn vào năm 2016; đồng thời cũng là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, vượt qua sự kiện Dell mua lại EMC với giá 67 tỷ USD cách đây 5 năm.
Sau khi hoàn tất sở hữu Activision, Microsoft sẽ trở thành công ty game lớn thứ ba thế giới về doanh thu, sau Tencent và Sony. Tuy nhiên, thương vụ này còn đang gặp khá nhiều trắc trở, nhất là khi ngày 19/12 vừa qua, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn lên tòa án đề nghị chặn thương vụ mua lại Activision Blizzard của Microsoft do lo ngại ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong ngành cũng như tương lai của thương hiệu game Call of Duty.
Broadcom mua lại VMWare (61 tỷ USD)
Ngày 26/5, gã khổng lồ chip Broadcom của Mỹ thông báo sẽ mua lại công ty điện toán đám mây VMware Inc trong thương vụ trị giá 61 tỷ USD nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng phần mềm ứng dụng doanh nghiệp.
Broadcom cũng tuyên bố cổ đông của Vmware sẽ nhận được 142,5 USD/cổ phiếu từ vụ thương vụ này, cao hơn 49% so với mức giá cổ phiếu chốt phiên ngày 22/5 của Vmware Inc. Thương vụ này đồng nghĩa với việc Broadcom sẽ chịu trách nhiệm cho khoản nợ 8 tỷ USD của VMware.
Hiện Broadcom đang tìm cách thuyết phục cơ quan chống độc quyền Liên minh châu Âu chấp thuận nhằm đẩy nhanh thương vụ thâu tóm này. Thời gian gần đây, những giao dịch trong ngành công nghệ đang chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ của cơ quan quản lý toàn cầu, do lo ngại quyền lực tập trung vào các gã khổng lồ và khả năng họ thâu tóm chỉ để đóng cửa các công ty khởi nghiệp.
AMD mua lại Xilinx (49,8 tỷ USD)
Hồi tháng 2, AMD - nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp đa quốc gia đã hoàn tất thương vụ mua lại công ty bán dẫn Xilinx của Mỹ trị giá 49 tỷ USD, đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành bán dẫn. Kế hoạch mua lại Xilinx được ADM công bố trong một giao dịch mua bán toàn bộ cổ phiếu vào ngày 27/10/2020.
Với việc hoàn tất mua lại Xilinx, AMD chính thức trở thành gã khổng lồ trong ngành chip; đồng thời tạo điều kiện để cung cấp công nghệ, danh mục sản phẩm toàn diện về các nền tảng máy tính thích ứng, cung cấp năng lượng cho một loạt các ứng dụng thông minh, đồng thời thúc đẩy năng lực của công ty trong kỷ nguyên máy tính mới.
HDFC LTD sáp nhập với HDFC BANK (40 tỷ USD)
Hồi tháng 4, công ty cho vay thế chấp lớn nhất Ấn Độ - Housing Development Finance Corporation (HDFC) thông báo sẽ sáp nhập với Ngân hàng khu vực tư nhân lớn nhất nước này HDFC Bank.
Thương vụ sáp nhập trị giá 40 tỷ USD sẽ tạo ra một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Ấn Độ, có khả năng bán chéo sản phẩm tới hơn 68 triệu khách hàng.
Oracle hoàn tất việc mua lại Cerner (28,3 tỷ USD)
Cuối năm 2021, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia Oracle thông báo chi 28,3 tỷ USD tiền mặt để mua lại tập đoàn Center - nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin y tế, dịch vụ, thiết bị và phần cứng của Mỹ. Ngày 7/6, thương vụ này đã hoàn tất.
Larry Ellison - Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của Oracle cho biết, Oracle sẽ sử dụng dữ liệu từ Cerner để cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế dựa trên điện toán đám mây và công nghệ AI.
Prologis sáp nhập với Duke Realty (26 tỷ USD)
Thương vụ sáp nhập giữa Prologis và Duke Realty vào tháng 6 quy tụ hai công ty bất động sản hậu cần lớn trên thế giới. Giao dịch được định giá 26 tỷ USD bao gồm cả nợ và được thanh toán bằng cách sử dụng vốn chủ sở hữu của Prologis.
Thương vụ sáp nhập này giúp Prologis trở thành nhà điều hành bất động sản hậu cần lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tên của công ty mới vẫn chưa được quyết định.
Kroger mua lại Albertsons (24,6 tỷ USD)
Ngày 14/10, gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Kroger thông báo kế hoạch mua lại chuỗi siêu thị Albertsons trong một thỏa thuận trị giá gần 24,6 tỷ USD. Đây sẽ là một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử bán lẻ Mỹ, vượt qua thương vụ mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD của Amazon vào năm 2017.
Thương vụ này cũng được coi là màn "song kiếm hợp bích" của Kroger và Albertsons nhằm chống lại Amazon, Walmart và có thể thay đổi ngành bán lẻ ở Mỹ cũng như tác động đến hàng triệu khách hàng. Dự kiến thương vụ sẽ được hoàn tất vào năm 2024 và công ty mới sẽ trở thành chuỗi bán lẻ lớn thứ ba ở Mỹ tính theo doanh số.
Adobe mua lại Figma (20 tỷ USD)
Cuối tháng 9, Tập đoàn phần mềm máy tính Adobe của Mỹ thông báo mua lại Figma - ứng dụng thiết kế trên nền tảng website với giá trị khoảng 20 tỷ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu. Dự kiến thương vụ sẽ được hoàn thành vào năm 2023 và sau khi Figma sáp nhập vào Adobe, Dylan Field - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Figma sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo nhóm Figma.
Adobe hy vọng thỏa thuận sẽ giúp tăng doanh thu của Tập đoàn sau 3 năm kể từ khi hoàn thành thương vụ. Tổng giá trị có thể ước tính của toàn bộ các dịch vụ có tích hợp Figma sẽ đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, thương vụ này làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về mức giá quá cao và thiếu tính thuyết phục, dẫn đến giá trị thị trường của Adobe giảm hơn 30 tỷ USD.
Mặc dù vậy, Adobe hy vọng rằng doanh thu của tập đoàn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai khi nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng phát triển.
Microsoft mua lại Nuance (19,7 tỷ USD)
Hồi tháng 3, sau khi giải quyết tất cả các rào cản pháp lý cần thiết, Microsoft đã hoàn tất việc mua lại Nuance Communications với giá 19,7 tỷ USD. Thương vụ này được công bố lần đầu tiên vào tháng 4/2021 đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ của Microsoft vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Việc Microsoft được chấp thuận cho phép mua lại Nuance Communications được xem là thành công lớn của công ty, nhất là trong bối cảnh các chính phủ đang giám sát một cách chặt chẽ các thương vụ mua bán và sáp nhập của các công ty công nghệ lớn thuộc nhóm Big Tech nhằm tránh tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh.