Những thứ Trung Quốc đánh đổi để giữ thành trì "Không Covid"
(Dân trí) - Gần hai năm kể từ khi đóng cửa biên giới để dập dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược "Không Covid" đối phó không khoan nhượng để hạn chế tối ca nhiễm bất chấp phải đánh đổi không ít.
Trung Quốc đã khống chế đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cuối năm 2019 bằng việc phong tỏa thành phố hơn 10 triệu dân, yêu cầu người dân ở nhà, ngừng các hoạt động giao thông công cộng suốt nhiều tuần.
Kể từ đó, Trung Quốc kiên trì theo đuổi chiến lược "Không Covid" (Zero Covid) để ngăn dịch tái bùng phát bằng cách thực thi lệnh phong tỏa, truy vết, cách ly hàng nghìn người, xét nghiệm hàng triệu dân mỗi khi phát hiện các ổ dịch mới.
Bất chấp ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch, Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới phục hồi, cuộc sống gần như trở lại bình thường. Bắc Kinh coi đó là bằng chứng cho thấy hiệu quả và thành công của chiến lược "Không Covid".
Tuy vậy, các ổ dịch vẫn tiếp tục xuất hiện và khi hầu hết thế giới đã mở cửa để tìm cách chung sống an toàn với đại dịch, Trung Quốc vẫn "cửa đóng, then cài", kiên trì với chiến lược đó.
Cái giá đánh đổi
Gần hai năm qua, hầu hết người dân Trung Quốc không thể ra nước ngoài do các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt: các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, các quy định cách ly khi trở lại đất nước cũng rất khắt khe. Giới chức Trung Quốc đã ngừng việc cấp mới và gia hạn hộ chiếu với tất cả các trường hợp đi lại không nhằm mục đích thiết yếu.
Người nước ngoài, từ du khách đến sinh viên phần lớn bị tạm cấm nhập cảnh Trung Quốc. Chỉ công dân Trung Quốc về nước hoặc một số ít người nước ngoài được phép nhập cảnh, nhưng phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày đến 28 ngày tùy địa phương.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền các địa phương xây dựng các trung tâm cách ly tập trung dành cho người từ nước ngoài đến, ví dụ trung tâm cách ly 5.000 phòng ở Quảng Đông có diện tích tương đương diện tích của 46 sân bóng.
Đóng cửa biên giới đồng nghĩa với việc thậm chí giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng phải tạm gác các chuyến công du. Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là vào tháng 1/2020. Đó là chuyến thăm hai ngày đến Myanmar nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai, Con đường - một chương trình tham vọng của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua thúc đẩy hạ tầng và thương mại khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.
Suốt một thời gian dài, nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ tham gia các hội nghị thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến, trong đó có hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra mới đây tại Anh. Một số nhà quan sát cho rằng, những sự thiếu vắng này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Về khía cạnh kinh tế, các chuyên gia cảnh báo, chiến lược "Không Covid" sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại. Một khảo sát mới đây của CNBC cho biết, 10 ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Trung Quốc. Theo khảo sát của Reuters, GDP quý III của Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 4,9%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7,9% ở quý II.
Hao Zhou, chuyên gia phân tích thị trường mới nổi của ngân hàng Đức Commerzbank, nhận định chiến lược Không Covid sẽ khiến nhu cầu trong nước của Trung Quốc bị hạn chế. Theo ông, chiến lược này đòi hỏi phải nhanh chóng phong tỏa, xét nghiệm diện rộng, mà những biện pháp đó cuối cùng đều ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu của nền kinh tế. Do vậy, khi chấp nhận theo đuổi "Không Covid", Trung Quốc sẽ phải tính đến các biện pháp giảm thiểu tác động đến nền kinh tế bằng những biện pháp như điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Khi nào Trung Quốc có thể mở cửa?
Hiện tại, chiến lược "Không Covid" của Bắc Kinh vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, Trung Quốc thậm chí không có ý định mở cửa trong tương lai gần.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc còn có thể đóng cửa với thế giới bao lâu nữa.
Ở Trung Quốc, tâm lý lo sợ Covid-19 vẫn còn rất phổ biến, một phần bởi những gì họ đã chứng kiến ở Vũ Hán và những gì đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi giới chức nước này kéo dài thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vì lo ngại virus xâm nhập qua biên giới.
Li, một công dân Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại California, cho biết anh đã có những trải nghiệm không bao giờ quên về những chuyến đi "bão táp" trong hai năm qua. Sau khi về nước đón Tết Nguyên Đán năm 2020, anh mắc kẹt 8 tháng ở Trung Quốc trước khi có thể quay lại Mỹ làm việc. Đến tháng 5 năm nay, vì lý do gia đình, anh lại phải về nước gấp và phải chấp nhận mua vé máy bay một chiều với giá 4.800 USD, gấp 7 lần giá thông thường và phải cách ly ở khách sạn 2 tuần.
Li cho biết, mặc dù anh không ủng hộ "Không Covid", nhưng anh hiểu và cảm thông với việc chính phủ Trung Quốc buộc phải theo đuổi chiến lược này.
Nhiều chuyên gia của Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ chiến lược "Không Covid". Ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn chính sách của chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh việc nới lỏng quá sớm các hạn chế sẽ đe dọa những thành quả mà Trung Quốc có được trong cuộc chiến đối phó đại dịch.
"Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, nới lỏng quá sớm các biện pháp kiểm soát dịch sẽ khiến số ca nhiễm, số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 gia tăng", ông Liang nói. Theo ông, các biện pháp dập dịch quyết liệt có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng có lợi trong dài hạn.
Một số chuyên gia đã vạch ra những kịch bản mà Trung Quốc có thể mở cửa để sống chung với Covid-19.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Trung Nam Sơn cho rằng, Trung Quốc cần kiểm soát tỷ lệ tử vong ở mức 0,1% và hệ số lây nhiễm trong cộng đồng (R) phải giữ ở mức từ 1 đến 1,5 và phải có miễn dịch cộng đồng cũng như thuốc điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, những mục tiêu này không thể dễ dàng có được trong một sớm, một chiều.