1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những tâm sự thật lòng của Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức

Trước lễ kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng CHLB Đức Schroeder đã có một cuộc trả lời phỏng vấn chung cho tờ báo Đức, bộc bạch những quan điểm của mình về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Kính thưa ngài Tổng thống LB Nga! Kính thưa ngài Thủ tướng CLLB Đức! 60 năm trước đã kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phụ thân của các ngài đều đã tham chiến, người trong đội quân Đức phát xít, người trong quân đội của Stalin. Phụ thân của ngài Thủ tướng đã ngã xuống trên chiến trường, còn phụ thân của ngài Tổng thống đã bị thương nặng. Với tư cách là các đại diện của hai quốc gia từng chống lại nhau, hai ngài có cảm giác như thế nào?

 

Tổng thống V. Putin: Trước  hết, tôi không thể đồng tình với việc so sánh Yosif Stalin với Hitler... Stalin không bao giờ là một nhân vật Quốc xã. Hơn nữa, ngày 22/6/1941, không phải Hồng quân xâm phạm lãnh thổ nước Đức mà là ngược lại. Điều này chúng ta không bao giờ được quên lãng. Cá nhân tôi không bao giờ coi người dân Đức là những kẻ thù của mình. Nói chung tôi cho là, những người Nga thuộc thế hệ của tôi, thế hệ không trực tiếp phải trải qua thảm kịch chiến tranh, có cách nhìn nhận nước Đức khác so với cha và ông mình.

 

Tất nhiên, thế hệ của tôi cũng là một phần của quá khứ. Tôi chẳng hạn, đã cảm thấy rất rõ điều này khi lần đầu tiên hay tin rằng cha của ngài Thủ tướng đây đã ngã xuống trên mặt trận phía Đông. Điều này về mặt tình cảm khiến tôi xúc động.

 

Chính khi ấy tôi mới hiểu ra rằng những sự kiện bi thảm như thế vẫn còn chưa xa lắm đâu. Vì thế, tất cả chúng ta cần làm mọi việc phụ thuộc vào mình để điều như thế không bao giờ lặp lại trong lịch sử hai dân tộc chúng ta, trong lịch sử châu Âu và lịch sử của cả thế giới.

 

Thủ tướng G. Schroeder: Tôi vẫn như trước đây luôn cho rằng, thật kỳ diệu là những cựu thù không đội trời chung hôm nay lại sống bên nhau hoà thuận như những người bạn và những đối tác. Thế hệ cha và ông tôi chắc gì có thể mường tượng ra được điều này.

 

Khi chiến tranh kết thúc, tôi còn chưa tròn một tuổi. Vì thế tôi không có những ký ức hay cảm giác cá nhân về thời chiến tranh. Chỉ sau này ở trường phổ thông, thông qua sách vở và các câu chuyện người ta kể lại, tôi mới hay biết về tấn thảm kịch thế chiến thứ hai, về những tàn bạo dã man của các trại tập trung và về những tội ác của bọn Quốc xã. Một trong những cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người lại do nước Đức chủ động gây nên.

 

Dẫu rằng thế hệ như tôi không có lỗi trực tiếp về việc này, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi giai đoạn trong lịch sử nước Đức. Chúng tôi nhận thức được rằng, nhiệm vụ chung của chúng ta là bảo đảm một tương lai hòa bình, một châu Âu liên hiệp. Tôi coi đấy vừa như thách thức vừa như trách nhiệm của chúng ta.

 

Ký ức về chiến tranh và chủ nghĩa Quốc xã đã trở thành một bộ phận của nhận thức dân tộc của chúng ta. Và nó trở thành  một trách nhiệm đạo đức bất di bất dịch của chúng ta. Vì thế, chúng ta, những đại diện của một nước Đức dân chủ, không thể để cho sự bất công và bạo lực, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và căm thù nhân loại có được một cơ hội hồi sinh nào.

 

Thưa ngài Tổng thống, em trai ngài đã chết khi Leningrad bị phong tỏa. Ngài có căm thù người Đức vì chuyện này không?

 

Tổng thống V. Putin: Tôi biết cha mẹ tôi đã rất đau khổ và không bao giờ quên được chuyện này. Tuy nhiên, trong gia đình chúng tôi, dù điều này có thể như thật lạ lùng nhưng không phải vì thế mà lại căm thù người dân Đức.

 

Cha mẹ tôi luôn nói rằng, người ta cũng chỉ là dân thường, phải đi lính vì chế độ bắt buộc nên suy cho cùng cũng chẳng có tội lỗi gì ghê gớm lắm. Mẹ tôi có lần kể cho tôi nghe một câu chuyện về  ông ngoại tôi, một người lính trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

 

Khi đó, quân đội hai bên đối địch chỉ ở cách nhau trong tầm nhìn thấy nhau. Tại nơi mà ông ngoại tôi đóng quân có những đơn vị lính Áo. Ông ngoại tôi bắn bị thương nặng một người lính Áo. Anh ta nằm lăn ra trong chiến hào, không có ai tới giúp cả. Thấy vậy, ông ngoại tôi động lòng nên đã bò sang, băng bó cho anh ta xong và trước khi trở về, còn hôn anh ta một cái tạm biệt.

 

Thưa ngài Thủ tướng, chiến tranh đã cướp mất của ngài người cha, ngài còn chưa một lần được thấy ông cụ cả. Điều đó có in hằn dấu ấn gì trên phương diện chính trị đối với ngài không?

 

Thủ tướng G. Schroeder: Không. Về số phận của cha mình thì tôi cũng mới được hay biết cách đây không lâu và cũng chỉ tình cờ thôi.  Nhưng tôi xin nói là, khi tôi đứng trước mộ của cha tôi ở Rumani, thì đấy đã là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của đời tôi.

 

Nói thực, dấu ấn in hằn lên tâm trí tôi về chính trị lại là cảnh nghèo khổ mà tôi đã phải lớn lên trong đó. Mẹ tôi đã phải nuôi nấng tôi, em trai và em gái tôi trong hoàn cảnh đầy khốn khó sau chiến tranh. Chính giai đoạn đó đã in hằn dấu ấn lên tâm trí tôi và tạo nên ảnh hưởng trực tiếp tới quan niệm chính trị của tôi.

 

Từ đó, những khái niệm như cơ hội bình đẳng, lẽ công bằng, cảm thông và đoàn kết đã trở nên có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với tôi. Thí dụ, tôi luôn cho rằng, bất cứ một thanh niên nào cũng cần có cơ hội tiếp nhận một học vấn phổ thông và nghề nghiệp tương xứng với tài năng và năng lực của mình.

 

Trong chuyện này, không thể có ý nghĩa chuyện anh ta xuất thân từ thành phần giai cấp nào, cha mẹ anh ta kiếm được bao nhiêu tiền, mà chỉ quan trọng là năng lực và tài năng của anh ta thôi..

 

Theo Ngân Sơn

An ninh thế giới