Những nhà khoa học "sở hữu" giải Nobel 2005
1. Giải Nobel vật lý 2005: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã công bố quyết định trao Giải Nobel Vật lý 2005 cho 3 nhà khoa học, trong đó có 1 nhà khoa học người Đức và 2 nhà khoa học người Mỹ.
1/4 Giải thuộc về John L Hall, Đại học Colorado (Mỹ) và 1/4 Giải thuộc về Theodor Hansch, Viện Max Planck (Đức). Một nửa giải còn lại thuộc về Roy J. Glauber (80 tuổi) thuộc Đại học Harvard, với những đóng góp cho thuyết lượng tử gắn kết quang học, mô tả tính chất của các hạt ánh sáng về mặt lý thuyết.
Hall và Hansch đã được trao giải vì “Những đóng góp của họ cho sự phát triển của kỹ thuật quang phổ học laze, bao gồm kỹ thuật lược tần số quang” . Đóng góp của Hall và Hansch đã cho phép các nhà khoa học có thể đo được các tần số với độ chính xác cực cao.
Roy Glauber đã nhận được giải thưởng vì “Sự đóng góp của ông cho thuyết lượng tử gắn kết quang học.” Nghiên cứu của Roy Glauber liên quan đến quang lượng tử, để giải thích sự khác biệt căn bản giữa những nguồn sáng nóng (chẳng hạn như bóng đèn dây tóc nóng sáng) và laser.
- Nhà soạn kịch người Anh đoạt giải Nobel văn học 2005
| |
Ông Printer |
Ông Pinter, tác giả của hơn 30 vở kịch, cũng sáng tác văn xuôi. Ông cũng nổi tiếng với những chiến dịch đấu tranh đòi nhân quyền. Ông cũng là một người chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
- Giải Nobel về Y học 2005
| |
Ông Marshall. |
Robin Warren (sinh năm 1937), là một nhà nghiên cứu y học ở Perth (Ôxtrâylia), đã phát hiện vi khuẩn trên ở những chỗ viêm nhiễm trong dạ dày. Barry Marshall (sinh 1951), một nghiên cứu sinh trẻ tại Trung tâm y học QEII (trường Đại học Tây Australia, Nedlands), quan tâm tới phát hiện của Warren nên họ cùng nhau làm việc trên 100 mẫu sinh thiết của bệnh nhân viêm loét dạ dày. Sau nhiều nỗ lực, họ phát hiện ra vi khuẩn Helicobacter pylori.
Barry Marshall va Robin Warren đã phá bỏ quan niệm từ hàng chục năm nay cho rằng loét dạ dày là do stress gây ra, và cần được điều trị bởi các loại thuốc đắt tiền. Nhưng họ chứng minh được rằng chỉ cần sử dụng các thuốc kháng sinh đơn giản để giải quyết căn bệnh này.
Ông Barry Marshall nổi tiếng vì đã quyết định nuốt một chất hỗn hợp các dung dịch dạ dày để chứng minh rằng ông có thể bị loét dạ dày như mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Ông cho rằng, một loại vi khuẩn, có tên là Helicobacter Pylorii, là thủ phạm gây ra loét dạ dày, hay còn gọi là viêm nhiễm niêm mạc dạ dày. Các vi khuẩn đã lây truyền sang ông, và các thuốc kháng sinh đã giải quyết các truyền nhiễm này.
- Giải Nobel Hoá học 2005 được trao cho 2 người Mỹ và 1 người Pháp
| |
Ông Schrock |
Quá trình tổng hợp chất hữu cơ khiến các liên kết đôi bị phá vỡ giữa các nguyên tử carbon theo những cách làm cho các nhóm nguyên tử đổi chỗ. Quá trình này đã được so sánh như khi các cặp khiêu vũ đổi bạn nhảy cho nhau. Nó xảy ra nhờ sự giúp đỡ của các chất xúc tác đặc biệt. Phản ứng này được phát hiện từ thập niên 1950, nhưng không ai biết hay giải thích được cơ chế hoạt động của nó.
Vào năm 1970, ông Yves Chauvin, người Pháp, đã đề xuất rằng chất xúc tác là một hợp chất kim loại. Ông cũng nhắc đến một cơ chế mới để hợp chất này hoạt động trong các phản ứng hoán vị. 20 năm sau, Richard Schrock, thuộc MIT, đã tạo nên một chất xúc tác cho quá trình hoán vị. Đến năm 1992, Robert Grubbs, lại tạo nên một chất xúc tác khác tốt hơn, ổn định trong không khí. Nhiều ứng dụng trong khoa học và công nghiệp đã có được nhờ phát hiện này như: thuốc diệt cỏ, chất phụ gia cho polymer, chất đốt. Và nghiên cứu về các bệnh như ung thư, viêm khớp, chứng đau nửa đầu và HIV. Công trình của ba người cũng là một bước tiến bộ đối với “ngành hoá chất xanh”, giảm chất thải độc hại thông qua việc sản xuất thông minh hơn.
- Các nhà “lý thuyết - trò chơi” đoạt Giải Nobel Kinh tế
| |
Ông Aumann |
Họ sẽ chia nhau giải thưởng trị giá 1,3 triệu USD. Công trình nghiên cứu của Giáo sư Schelling tập trung vào việc giải thích các chiến lược của xung đột quốc tế, ví dụ như chiến tranh hạt nhân. Giáo sư Aumann đã phát triển nền tảng lý thuyết của sự thương lượng, hợp tác và xung đột.
Giáo sư Thomas Schelling nói với các phóng viên rằng “Họ (Hội đồng xét duyệt giải Nobel) đã trao giải Nobel cho chúng tôi vì Aumann là một nhà sản xuất lý thuyết trò chơi còn tôi là một người sử dụng lý thuyết trò chơi.” Ông cho biết công trình của ông tập trung vào “sử dụng lý thuyết trò chơi để giúp chính bản thân tôi hiểu được các tình huống xung đột và các cơ hội”.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói rằng hai người đoạt giải Nobel kinh tế lần này đã nâng cao được sự hiểu biết về hợp tác và xung đột thông qua phân tích lý thuyết trò chơi mà họ áp dụng vào các vấn đề của thế giới hiện thực. Giáo sư Schelling nằm trong số những người đầu tiên áp dụng sự hiểu biết sâu sắc của lý thuyết trò chơi vào quan hệ quốc tế, xem xét cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong cuốn sách kinh điển của ông: “Chiến lược Xung đột”.
Giáo sư Schelling đã sử dụng lý thuyết trò chơi để giải thích chiến tranh hạt nhân. Ông cho rằng khả năng trả thù là hữu ích hơn khả năng chống lại một cuộc tấn công, và rằng sự trả thù không chắc chắn là đáng tin cậy hơn sự trả thù chắc chắn. Những hiểu biết sâu sắc này đã hình thành nền tảng lý thuyết cho chiến lược răn đe hạt nhân. Giáo sư Schelling cũng sử dụng lý thuyết trò chơi để lý giải tại sao tình trạng chia tách lại xảy ra. Gần đây, công trình nghiên cứu của ông tập trung vào việc xây dựng các liên kết đối với sự thay đổi khí hậu.
- Giải Nobel hoà bình 2005 thuộc về Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổng Giám đốc Mohamed El Baradei.
Phần thưởng cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổng Giám đốc Mohamed El Baradei là 1,29 triệu USD.
IAEA là tổ chức phối hợp quốc tế về hạt nhân. Khi được thành lập năm 1957, tổ chức mang tên: "Nguyên tử vì Hoà bình". Trong suốt 48 năm hoạt động, IAEA đã làm việc với các nước thành viên LHQ và nhiều đối tác trên toàn thế giới để phát triển công nghệ hạt nhân vì hoà bình và an ninh.
Về Tổng Giám đốc, Tiến sĩ Elbaradei, khi trở thành người đứng đầu của tổ chức IAEA vào năm 1997, ông đã sử dụng tài ngoại giao của mình để giải quyết những tranh cãi về hạt nhân của Iraq, CHDCND Triều Tiên và Iran, đồng thời khẳng định rằng cho dù là tình huống khó khăn nhất vẫn gặt hái được những tiến triển tích cực.
Lan Hương
Theo tài liệu nước ngoài