1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những người chung sống với rồng ăn thịt ở Indonesia

(Dân trí) - Công viên quốc gia Komodo ở Indonesia thu hút những du khách khá đặc biệt, những người nóng lòng muốn chiêm ngưỡng loài ăn thịt khổng lồ trùng tên với rồng, chạy nhanh hơn cả người và quật ngã những con trâu to khỏe.

 

Những người chung sống với rồng ăn thịt ở Indonesia - 1
Một con rồng trưởng thành ở Komodo.

 

Công viên nằm ở vùng hẻo lánh, nóng và khô cằn, là thánh địa của hàng trăm con thằn lằn ăn thịt khổng lồ, loài không tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Loài thằn lằn lớn nhất thế giới này có thể dài tới 3m và nặng hơn 100kg, có khả năng ăn được một khối lượng bằng nửa trọng lượng của chúng mỗi bữa. Nhờ gió hỗ trợ, chúng có khả năng ngửi được mùi máu tươi cách xa tới 8km.

 

Và đúng như những gì chúng ta có thể dự đoán, hòn đảo nơi có Công viên quốc gia Komodo này hầu như không có người ở. Nhưng chỉ là hầu như. Ở làng ven biển Kampung Komodo, nhiều ngư dân thuộc dân tộc Bugis đã tìm cách cùng chung sống với 1.200 con rồng ngự trị hòn đảo này.

 

Những con rồng này quả có tấn công người. Hồi tháng 6/2007, một cậu bé 9 tuổi đã bị tấn công khi đang “giải quyết nỗi buồn” ở trong bụi rậm tại rìa làng. Con rồng đã bị đuổi đi, nhưng do mất máu nhanh, cậu bé đã tử vong. Và đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thiệt mạng vì rồng trong suốt năm đó.

 

Sự tồn tại của 50 loài vi khuẩn độc trong nước bọt của loài thằn lằn này khiến người bị cắn có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Người dân làng đã phải xây nhà sàn, giữ đàn dê trên những tấm ván được bắc cao để đề phòng rồng. Vào buổi tối, khi rồng hoạt động tích cực nhất, họ hiếm khi ra khỏi hiên nhà. Và như một quy định, họ không bao giờ mặc quần áo đỏ, vì rồng có thể nhầm tưởng đó là máu.

 

Mặc dù vậy, vẫn có khi những con thằn lằn này xuống núi để “dạo chơi”. Người dân làng phản ứng lại bằng gậy gộc, gạch đá. Những chiếc gậy ba xiên có thể thấy ở khắp nơi. Nhưng nếu chúng ở xa tầm với, thậm chí trẻ em cũng biết cách cầm đá ném đuổi chúng đi. Nếu không có hai thứ vũ khí này, người dân địa phương cho biết, có thể “ra oai” bằng cách kêu lên, đập tay, giậm chân. Thái độ “hiếu chiến” có thể đuổi được các con rồng đi, bởi chúng thích tấn công lén từ bóng tối hơn là đối đầu trực tiếp.

 

Một số người cho biết loài bò sát này xuống núi thường xuyên hơn để kiếm mồi, nhưng người Bugis lại khẳng định rồng làm được nhiều điều tốt hơn là hại, bởi chúng hấp dẫn người từ bên ngoài và túi tiền của họ đến với hòn đảo xa xôi Komodo. Người Bugis đã tận dụng cơ hội để kiếm sống, như bán đồ khắc gỗ hình rồng, được gọi là Oras, cho khách đến xem rồng. Những con thằn lằn “sống ở đây và chúng tôi có gia đình của chúng tôi. Chúng tôi phải chung sống. Rồng là bạn của chúng tôi”, một người bản địa cho hay.

 

Đây là mối quan hệ cộng sinh. Người Bugis, hầu hết theo đạo Hồi, ở Komodo không ăn thịt lợn – món lại là “khoái khẩu” của rồng. Ngoài ra, người Bugis nhìn chung không săn bắt hươu nai và trâu, để lại kho thức ăn phong phú cho loài rồng. Và điều này khiến cho số lượng rồng ngày một sinh sôi nảy nở.

 

“Họ thực sự là những người tốt nhất sống ở đây bởi họ hiểu tầm quan trọng của rồng đối với cuộc sống của họ”, Yusuf Sahabun, một người chăm nom công viên cho hay. Mặc dù có xảy ra săn trộm, nhưng ông nhấn mạnh những kẻ vi phạm ngày nay thường là những người đến từ bên ngoài.

 

Các biện pháp nghiêm ngặt, thậm chí một số người cho là hà khắc, do chính phủ Indonesia đưa ra, đã làm giảm bớt những vấn đề trên trong những năm gần đây, biến hòn đảo trở thành địa điểm du lịch hoang sơ.
 
Một số quy  định cũng khiến người dân làng, như Abdul, 28 tuổi, gặp khó khăn. Anh chắc chắn rằng cuộc sống trên đảo đã “rất, rất khó khăn”. Lượng khách du lịch giảm do suy thoái kinh tế càng làm cho thu nhập của anh, với tư cách là người khắc gỗ, giảm sút.

 

Những người bảo vệ môi trường ở tổ chức Bảo tồn tự nhiên, một tổ chức môi trường ở Mỹ được chính phủ Indonesia giao trọng trách bảo vệ công viên, lại có quan điểm ngược lại. Họ cho rằng mặc dù số lượng rồng không bị giảm tới mức nghiêm trọng, nhưng hoạt động không kiểm soát được của con người có thể khiến loài này tuyệt chủng.

 

Song hiện giờ, những con rồng nơi đây có khoảng trời riêng của chúng. Trong công viên, hươu, nai, lợn rong chơi khắp nơi, “sẵn sàng” cho các cuộc phục kích bất ngờ. Chính vì vậy, không cần phải liều lĩnh đi đâu xa du khách cũng có thể chứng kiến tận mắt cảnh tượng săn mồi ngoạn mục này.

 

Phan Anh

Theo Time