1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những hé lộ quan trọng qua chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản

(Dân trí) – Trong chuyến công du đầu tiên với địa điểm dừng chân ở Đông Nam Á, tân Thủ tướng Nhật Bản đã chính thức trình bày “chính sách châu Á” mới của mình, hé lộ nhiều định hướng chiến lược đối ngoại mới của nước này trong thời gian tới.

Những hé lộ quan trọng qua chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu cao vai trò và tầm quan trọng của ASEAN trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng 12/2012.


Tích cực can dự ở Đông Nam Á…

Theo đó, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông đã đề ra 5 nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm:

Thứ nhất là mở rộng và bảo vệ những giá trị chung của nhân loại như tự do, dân chủ và quyền cơ bản của con người;

Thứ hai, bảo vệ các vùng biển, các khu vực cần được mở cửa, bảo vệ sự tự do đi lại, kiểm soát bằng luật pháp và các quy tắc;

Thứ ba, cùng phát triển thịnh vượng thông qua thúc đẩy tăng cường đầu tư thương mại, trao đổi hàng hóa và nhân lực;

Thứ tư, bảo vệ và phát huy các truyền thống, văn hóa khác nhau của châu Á; và

Thứ năm, tích cực thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ.

Những tiết lộ trên được đưa ra khi ông Abe tới chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đưa ông lần lượt tới 3 nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh Nhật Bản đang muốn thúc đẩy mạnh chiến lược ngoại giao tích cực với ASEAN để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy theo chiều hướng lấn lướt các nước.

“Môi trường chiến lược châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi rất nhiều trong 6 năm qua. Việc tăng cường liên kết với Việt Nam mang ý nghĩa rất lớn cho hòa bình và ổn định của khu vực”. Thủ tướng Abe nhận định khi tới thăm Việt Nam, trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du.

Ông cũng kêu gọi hai bên liên kết đối phó với những thay đổi của môi trường quốc tế. Những thay đổi này - theo giới phân tích - chính là việc Trung Quốc đang không ngừng tăng cường các hoạt động gây hấn trên biển và gia tăng mạnh chi phí quốc phòng ở mức hai con số mỗi năm.

Vì vậy, tại hai chặng dừng chân tiếp theo ở Thái Lan và Indonesia, ngoài kêu gọi tăng cường hợp tác song phương, ông Abe cũng hối thúc các bên phối hợp trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông.

“Bắc Kinh cần hành xử có trách nhiệm”, ông Abe nói với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, người cũng cho rằng các vấn đề trên biển nên được giải quyết hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế chứ không phải bằng sức mạnh hay vũ lực.

Hiện tại, chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc kế hoạch cung cấp tàu tuần duyên cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines, một trong 4 quốc gia thành viên ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố có chủ quyền đối với bãi đá cạn mà hai bên lần lượt gọi là Scarborough và Hoàng Nham.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng xem xét sử dụng vốn viện trợ ODA giúp tăng cường năng lực bảo đảm an ninh trên biển cho các nước ASEAN. Mục tiêu mà Nhật Bản hướng tới là tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trong ASEAN thông qua nhiều hình thức, trong đó có diễn tập quân sự chung.

Ngoài tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với ASEA, việc thực hiện chiến lược ngoại giao hướng tới châu Á cũng gắn với chiến lược tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng Abe đã đề ra.

Theo mục tiêu đã định, ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015, một khu vực được xem là “trung tâm tăng trưởng” của châu Á trong thế kỷ 21. Do đó, từ tiền đề hợp tác và bảo đảm an ninh, nền kinh tế thứ ba thế giới và thứ hai châu Á sẽ tạo được cơ sở dễ dàng hơn cho việc tăng cường hợp tác với từng thành viên trong ASEAN cũng như cả hiệp hội với tư cách là cộng đồng chung.

… và làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh với Mỹ

Ngoài thắt chặt quan hệ với ASEAN, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản cũng nhằm thúc đẩy sâu hơn quan hệ hợp tác đồng minh Nhật - Mỹ ở châu Á trong bối cảnh chính quyền Washington cũng đang đẩy mạnh chiến lược xoay trục an ninh từ Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương.

Những hé lộ quan trọng qua chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản
Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật , một trong những “bệ đỡ” quan trọng giúp Mỹ triển khai thành công chiến lược xoay trục an ninh từ Tây sang Đông, đồng thời giúp Nhật ứng phó hiệu quả hơn với những hành động gây gấn của Trung Quốc.


“Trước một Trung Quốc đang đẩy mạnh trang bị các tàu ngầm và tên lửa đạn đạo, Nhật Bản sẽ không thể đối phó hiệu quả nếu không phối hợp với Mỹ. Đây chính là lý do khiến Thủ tướng Abe thực hiện chiến lược ngoại giao châu Á nhằm nêu cao tầm quan trọng trong hợp tác Nhật-Mỹ”, báo Nikkei của Nhật Bản bình luận.

Trung Quốc - nước tự nhận là “cường quốc biển” - đang đẩy mạnh các hoạt động xâm phạm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông bằng các tàu công vụ hoạt động liên tục. Không chỉ thế, nước này còn cho máy bay tiến vào khu vực không phận do Nhật Bản quản lý, buộc Tokyo phải nhiều lần phái chiến đấu cơ “xua đuổi” kèm theo cảnh báo sẵn sàng bắn cảnh báo nếu các máy bay Trung Quốc phớt lờ hiệu lệnh cảnh báo của phía Nhật.

Theo nhận định của giới phân tích, những vụ việc trên có thể sẽ còn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm nay, năm mà Cục Hải dương Trung Quốc đã tuyên bố “sẽ tiếp tục ngăn chặn hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền của các nước như Nhật Bản và Philippines”.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông Abe chọn Đông Nam Á để tới thăm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, sau khi vỡ kế hoạch thăm Mỹ do lịch trình bận rộn của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trước chuyến thăm này, ông Abe đã công khai khẳng định với giới báo chí rằng đây sẽ là “sự khởi đầu cho chiến lược ngoại giao mới”, một chiến lược sẽ đưa chính sách đối ngoại của Nhật Bản đi  theo hướng tăng cường hợp tác sâu rộng với các nước có cùng giá trị về chủ nghĩa dân chủ, nhân quyền, có tương quan lợi ích quốc gia nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực. Chiến lược ngoại giao này cũng được giới chức cấp cao khác của Nhật Bản thể hiện rất rõ trong các chuyến thăm tới Đông Nam Á trước đó.

Kể từ khi chính phủ mới ở Nhật Bản lên cầm quyền tháng 12/2012 đến nay, Thủ tướng Abe, Phó Thủ tướng Taro Aso và Ngoại trưởng Fumio Kishida đã tiến hành thăm tổng cộng 8 quốc gia, trong đó có tới 7 nước Đông Nam Á.

Linh Giang