1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những điểm tương đồng giữa Snowden và Vương Lập Quân

(Dân trí) - Cựu nhân viên CIA Edward Snowden có thể có số phận tương tự như cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người từng tiết lộ vụ bê bối dẫn tới sự thất sủng của cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Edward Snowden (trái) và Vương Lập Quân.

Edward Snowden (trái) và Vương Lập Quân.

Chính quyền Hồng Kông có thể xử lý vụ việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden giống như cách chính phủ Mỹ xử vụ cựu giám đốc công an Vương Lập Quân, theo các học giả uy tín tại Hồng Kông.

Snowden, 29 tuổi, một cựu nhà thầu cho Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), đã chạy trốn tới Hồng Kông hôm 20/5 sau khi tiết lộ chương trình theo dõi điện thoại và internet của chính phủ Mỹ.

"Tôi không ở đây để trốn tránh luật pháp, tôi ở đây để tiết lộ hành động phạm tội", Snowden nói với tờ Thời báo Hoa Nam buổi sáng hồi tuần trước. Snowden nói thêm rằng anh định để các tòa án và người dân Hồng Kông định đoạt số phận của mình.

"Tôi không có lý do gì để nghi ngờ về hệ thống của các bạn", Snowden nói.

Simon Shen, phó giáo sư tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, tin rằng Snowden có thể hi vọng tìm kiếm sự bảo vệ của chính phủ Trung Quốc bằng cách tiết lộ tất cả những gì anh biết về chương trình PRISM của chính phủ Mỹ, vốn được cho là có thể can thiệp vào thông tin người dùng cá nhân của các "ông lớn" internet như Facebook, Google và Apple.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Yazhou Zhoukan bằng tiếng Trung, ông Shen đã so sánh vụ việc của Snowden với vụ Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh từng chạy tới lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hồi tháng 2 năm ngoái nhằm tiết lộ bê bối của cấp trên, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Trong 30 giờ trú ẩn tại lãnh sự quán, ông Vương đã trao bằng chứng về hành động tham nhũng của ông Bạc và bà vợ Cốc Khai Khai, người bị kết án tử hình nhưng cho hưởng án treo hồi tháng 8 năm ngoái vì tội sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood.

Tuy nhiên, ông Vương không thể xin tị nạn chính trị từ Washington - vốn không muốn làm tổn hại mối quan hệ đã rất mong manh với Bắc Kinh - và cuối cùng đã tự giao nộp mình cho chính phủ Trung Quốc. Cuối cùng, ông Vương đã lĩnh án 15 năm tù vì tội cố gắng đào tẩu và các tội danh khác, mặc dù hình phạt có thể nặng hơn nhiều nếu tòa án không xem xét sự hợp tác và trợ giúp của ông này trong việc phanh phui ông Bạc và bà Cốc.

Phó giáo sư Shen cho hay, giống như Vương Lập Quân, Snowden có thể lựa chọn cung cấp tất cả các thông tin về chương trình theo dõi của Mỹ cho Bắc Kinh thông qua văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông, điều có thể giúp anh này giành sự ủng hộ của toàn thế giới trên danh nghĩa là người bảo vệ quyền riêng tư. Snowden sau đó có thể tình nguyện trở về Mỹ và tự giao nộp mình, và hi vọng rằng áp lực của công chúng có thể khiến anh này nhận một hình phạt khoan dung hơn. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có nhận thấy thông tin của Snowden đủ giá trị để bảo vệ anh này hay không.

Theo nhà báo Xu Zhen của tạp chí Yazhou Zhoukan kiêm giám đốc Viện Zhi Ming Hồng Kông, trường hợp của Snowden hơi khác vì Hồng Kông không phải là một thành phố bình thường, mà là một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Do mối quan hệ phức tạp giữa Bắc Kinh và Washington, giải pháp thông minh nhất cho chính quyền Hồng Kông là không quá dính dáng vào vụ việc. Theo ông Xu, Hồng Kông không cần thiết phải truy lùng Snowden hay hợp tác tích cực với chính phủ Mỹ. Hồng Kông chỉ cần giám sát xem liệu Snowden có quyền pháp để tiếp tục ở lại đặc khu này hay không.

Nếu Snowden quyết định ở lại Hồng Kông và một thỏa thuận sẽ đạt được nhằm dẫn độ Snowden về Mỹ, điều đó sẽ giúp giảm bớt các rắc rối chính trị và giúp Bắc Kinh giành được thiện cảm từ Washington. Nhưng cùng lúc đó, việc dẫn độ chắc chắn sẽ bị phản ứng mạnh từ những người theo chủ nghĩa tự do, vốn xem việc này là hành động bất công và lạm dụng nhân quyền, ông Shen nói.

Mặt khác, nếu quyết định bảo vệ Snowden vì các lý do chính trị, Hồng Kông sẽ vấp phải sự tức giận của Mỹ và Bắc Kinh có thể bị xem là ông chủ "bù nhìn" phía sau hậu trường.

Vì vậy, theo ông Shen, giải pháp tốt nhất cho chính quyền Hồng Kông là không làm gì và nói gì cả về Snowden vào lúc này, vì với hộ chiếu Mỹ anh ta có thể ở lại đặc khu hành chính này với thời gian tối đa 90 ngày. Snowden sẽ không thể trốn ở Hồng Kông mãi và tốt nhất là nên tránh vướng vào một mớ bòng bong mà không cần sự can thiệp của Hồng Kông.

An Bình