Những "con chồn" Mỹ trên bầu trời Liên Xô
Hoạt động gián điệp của không quân Mỹ tại vùng không phận biên giới với Liên Xô bắt đầu từ mùa xuân năm 1949, ngay sau khi người Mỹ xây dựng một kế hoạch chiến tranh với Liên Xô với tên gọi “Dropshot”.
Theo kế hoạch này, Mỹ dự định ném 300 quả bom nguyên tử và 200.000 quả bom thông thường xuống Liên Xô trong 30 ngày đầu tiên.
Buổi sáng yên ả ngày 1/7/1960 có vẻ như không có gì khác đối với phi hành đoàn trên chiếc máy bay do thám Mỹ RB-47H của Đại úy Willard Palm. Viên phi công thứ hai Freeman Olmstead vẫn tới lấy bản báo cáo của bộ phận kỹ thuật về khả năng sẵn sàng cất cánh của máy bay.
Còn hoa tiêu John McKone thì soát lại những bản đồ bay và kiểm tra khả năng làm việc của bộ phận dẫn đường. Đây là chuyến bay do thám thứ 7 của đội bay này tới các mục tiêu trên đất Liên Xô từ căn cứ không quân Brize-Norton của Anh trên khu vực Barents, nơi đóng quân của Đơn vị số 55 của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ.
“Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Lần này, những “con chồn” (thành viên trong đội bay trên các máy bay gián điệp của Mỹ được gọi như vậy) có nhiệm vụ bay cùng một nhóm những “con quạ” mới (tên gọi của những thao tác viên thiết bị trinh sát bằng vô tuyến định vị trên máy bay) gồm Đại úy Eugene Posa và các trung úy Dean Phillips và Oscar Goforth. Trên khoang của chiếc RB-47 đã được lắp sẵn một thiết bị điện tử hiện đại nhất có tác dụng thu các sóng vô tuyến và định vị vô tuyến.
Cần nói thêm là loại máy bay tầm xa chiến lược RB-47 thực ra là biến thể chuyên dùng cho việc do thám của loại máy bay ném bom B-47 được trang bị cho không quân Mỹ từ đầu những năm 50 thế kỷ trước. Trên máy bay có lắp 6 động cơ tuabin phản lực. RB-47 có tốc độ tối đa lên tới 950km/giờ, độ cao hoạt động tối đa hơn 12 km và tầm hoạt động hơn 6.400 km.
Trước khi cất cánh, phi hành đoàn đã nhận được chỉ thị nghiêm cấm mở bất cứ thiết bị thông tin nào liên lạc với căn cứ để đảm bảo bí mật. Hành trình của chuyến bay này (đã được lập kế hoạch từ trước theo yêu cầu của các phía như không quân, CIA, NASA và một số cơ quan khác của Mỹ) là dọc theo bờ biển phía bắc của Na Uy tới bán đảo Kolski của Liên Xô và quay trở lại trong khoảng thời gian khoảng 12 giờ.
Lúc 10 giờ sáng, chiếc RB-47 cất cánh và sau khoảng 5 giờ bay đã vào không phận của Liên Xô. Bất ngờ, phi công thứ hai Freeman Olmstead báo cáo phát hiện từ đằng sau khoảng 3-5 km dấu vết khói xả của một chiếc MiG. Nhưng William Palm vẫn bình thản tiếp tục lao sâu vào vùng lãnh thổ của Liên Xô.
Thời gian đầu, người Mỹ thường không phải quá lo lắng khi xâm nhập không phận Liên Xô. Nhờ có ưu thế về độ cao và tốc độ, những chiếc máy bay do thám của họ dường như có vẻ thoải mái "tung hoành" trên không phận đối phương. Mục tiêu chính của chiếc RB-47 là những dàn rađa của Liên Xô. Trong khi bay, nó sẽ tìm cách thu nhận các tín hiệu từ các trạm định vị vô tuyến Xôviết.
Nhưng thật không may cho những “con chồn” Mỹ, chiếc RB-47 của họ đã bị chiếc MiG-19 của phi công Vasili Poliakov phát hiện. Anh đã cho máy bay áp sát bên phải và phát tín hiệu theo quy định quốc tế: “Chú ý! Hãy bay theo tôi”.
Nhưng chiếc RB-47 thay cho việc thực thi mệnh lệnh trên đã tìm cách lẩn trốn. Sau khi xin chỉ thị, Poliakov đã cho bắn liền hai loạt đạn khiến chiếc RB-47 bắt đầu bốc cháy. Palm, Olmstead và McKone ngay lập tức bấm nút nhảy dù khỏi máy bay. Olmstead và McKone đã may mắn sống sót khi rơi xuống nước. Còn Palm do bị quấn vào đám dây dù nên đã chết đuối ngay sau đó. Ba “con quạ” đi theo bị rơi xuống đáy biển Barents cùng với những mảnh vỡ của máy bay.
Khoảng 6 giờ sau, Olmstead và McKone cùng với thi thể của Palm đã được một chiếc tàu đánh cá Xôviết vớt lên. Cả hai sau đó được áp giải về Moskva, tới trụ sở của KGB để thẩm vấn. Còn xác của viên chỉ huy chiếc máy bay được trao lại cho các quan chức đại diện Mỹ. Ngày 12/7, Xôviết tối cao Liên Xô đã ký lệnh tặng thưởng phi công Poliakov Huân chương Cờ đỏ vì đã lập công xuất sắc bắn rơi một chiếc máy bay gián điệp của Mỹ trên không phận Liên Xô. Poliakov còn vinh dự được nhận huân chương cao quý này từ chính tay của Chủ tịch Leonid Breznev.
Sau vụ chiếc RB-47 bị bắn rơi, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật đã yêu cầu người Mỹ phải xóa bỏ những căn cứ bí mật dành cho loại máy bay gián điệp U-2 trên lãnh thổ của mình. Nhiều phi công người Anh, từ trước vẫn thường xuyên tiến hành các chuyến bay do thám Liên Xô, phải bí mật rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Bảy tháng sau, McKone và Olmstead được trao trả cho phía Mỹ. Tuy nhiên, những chuyến bay do thám của không quân Mỹ trên không phận Liên Xô vẫn được tiếp tục. Âm mưu này vẫn còn chứa rất nhiều điều bí mật chưa được làm sáng tỏ.
Những chiến dịch do thám rầm rộ
Hoạt động gián điệp của không quân Mỹ tại vùng không phận biên giới với Liên Xô được bắt đầu từ mùa xuân năm 1949. Nó được triển khai ngay sau khi người Mỹ xây dựng một kế hoạch chiến tranh với Liên Xô với tên gọi “Dropshot”.
Theo kế hoạch này, người Mỹ dự định ném 300 quả bom nguyên tử và 200.000 quả bom thông thường xuống Liên Xô trong 30 ngày đầu tiên. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, một chương trình do thám từ trên không rất quy mô đã được triển khai theo chỉ thị của Ủy ban Tham mưu phối hợp quân đội Mỹ.
Theo Thái Quân
An ninh thế giới/Bình luận quân sự độc lập