1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những chuyện thời trai trẻ của Bill Clinton

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hé lộ nhiều chi tiết thú vị về người cha đẻ ông chưa từng gặp mặt, thuở ấu thơ, và cuộc hẹn đầu tiên với Hillary trong cuốn hồi ký "My life" của mình.

Tên khai sinh của Bill Clinton là William Jefferson Blythe III, đặt theo tên cha là William Jefferson Blythe Jr. Cha của Bill là một người đàn ông đẹp trai, vui tính, gặp mẹ cậu – Virginia Cassidy - tại một bệnh viện ở Shreveport, Lousiana, năm 1943, khi ông đưa bạn gái vào điều trị cấp cứu, còn bà thì đang thực tập làm y tá tại đây.

 

Trong khi bạn gái ông đang được chữa trị, thì Blythe nhân cơ hội trò chuyện và tán tỉnh cô y tá trẻ xinh đẹp. Ngày hôm sau, ông gửi cho người bạn gái của mình những đoá hoa, làm Cassidy tan nát cõi lòng. Nhưng Blythe lại gọi điện và mời Cassidy đi chơi, và giải thích rằng ông luôn gửi tặng hoa, khi kết thúc một mối tình. Hai người kết hôn 2 tháng sau đó.

 

Người chồng phải đi chiến trận và hơn 2 năm sau mới trở về. Tưởng hạnh phúc đã an bài. Nào ngờ ông gặp nạn và qua đời trong một lần lái xe đi đón người vợ đang mang bầu. 3 tháng sau, cậu bé Bill ra đời, ngày 19/8/1946. Về sau, Bill đổi họ sang Clinton, theo tên của người cha dượng Roger Clinton.

 

Mãi tới năm 1993, khi Bill Clinton đã trở thành tổng thống, tờ Washington Post có một bài phóng sự điều tra về người cha mà ông chưa từng gặp mặt. Nhờ đó, mà Clinton và mẹ ông mới biết được cha ông có lẽ đã kết hôn 3 lần trước khi gặp bà và ông còn có ít nhất 2 người con khác.

 

Thời thơ ấu

 

 

Những chuyện thời trai trẻ của Bill Clinton  - 1
 

Bill Clinton, mẹ và

em trai. (Slate.com)

Thời thơ ấu của cậu bé Bill Clinton trải qua ở bang Arkansas. Cậu bé luôn đạt điểm A trong các môn, nhưng riêng môn Công dân thì chỉ có điểm C. Môn này nhằm đánh giá hành vi học sinh trong lớp, như việc giữ trật tự.

 

Nhược điểm của Clinton là nói quá nhiều, chính ông cũng thừa nhận “Đó là một rắc rối thường xuyên của tôi ở trường phổ thông, và cũng là chứng bệnh mà như nhiều bạn bè và những người chỉ trích tôi sau này nhìn nhận tôi chưa từng bao giờ khỏi”.

 

Năm lớp 6, trước ngày bế giảng, cô giáo của Bill giữ cậu ở lại sau giờ học. Ông kể về việc này trong hồi ký của mình: “Cô nói rằng lẽ ra tôi được hạng nhất, nhưng vì điểm môn Công dân của tôi quá thấp, tôi bị đánh tụt xuống hạng ba. Cô nói: Billy à, khi em lớn lên, em sẽ hoặc trở thành thống đốc bang hoặc em sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc em biết khi nào nên nói và khi nào thì im lặng. Thì ra cô đã dự đoán đúng về tôi trên cả hai phương diện”.   

 

Ở trường trung học, Bill phải viết một bài tự sự. Cậu không ngần ngại bộc bạch những băn khoăn, nghi hoặc về bản thân. Bài văn được cô giáo cho điểm tối đa là 100.

 

Đây là một trích đoạn “Tôi là một người chịu tác động của những sức mạnh khác nhau đến mức đôi khi tôi nghi hoặc về lẽ tồn tại của bản thân. Tôi là một sự mâu thuẫn sống – sùng đạo nhưng lại không hoàn toàn tin chắc vào những giáo lý, muốn trách nhiệm nhưng lại né tránh nó, yêu sự thật nhưng đôi khi lại đầu hàng trước sự dối trá. Tôi căm ghét sự ích kỷ, nhưng lại nhìn thấy nó trong gương hằng ngày…

 

"Tôi quan sát những người chưa từng biết sống cho đúng nghĩa, một số là những người thân yêu đối với tôi. Tôi khát khao và nỗ lực để khác họ, nhưng thường tôi trở thành gần như giống hệt họ… Một cái từ nhỏ bé chán ngắt biết bao – “Tôi”! Những thứ duy nhất làm cho việc sử dụng từ này trở nên có giá trị là những phẩm chất mà không mấy khi chúng ta thấy ở bên mình – lòng tin, tình yêu, trách nhiệm, sự hối hận, vốn hiểu biết.

 

"Nhưng trong thực tế, chúng ta không tránh khỏi vấp phải những thứ trái ngược với những biểu tượng làm cho cuộc sống trở nên đáng giá kia. Tôi, nỗ lực trở thành một người trung thực, sẽ không trở thành một kẻ đạo đức giả mà tôi căm ghét. Tôi thừa nhận sự hiện hữu đáng sợ của những tính cách xấu xa trong cậu nhóc này, đang nỗ lực để trở thành một người đàn ông”.

 

Thời sinh viên gian khó

 

 

Những chuyện thời trai trẻ của Bill Clinton  - 2
 

Là một người đa tài (Bill chơi kèn saxophone rất giỏi) và có nhiều đam mê nhưng tình yêu thực sự của cậu lại giành cho chính trị, chàng trai từng được bầu vào nhiều vị trí lãnh đạo khi còn ngồi ghế phổ thông. Bill quyết định vào học tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington. Việc này không dễ dàng gì đối với cả Bill và gia đình cậu ở Arkansas, vì gánh nặng tài chính khá lớn. Nhưng người mẹ thuyết phục con theo đuổi ước mơ của mình.

 

Mỗi tuần, Bill có 25 đôla để chi tiêu. 5 đôla chỉ để tiền là áo sơmi, vì trường Georgetown khi đó bắt sinh viên phải mặc sơmi thắt cravat và áo vét. Bill quyết ăn uống tằn tiện với mức 6 đôla cho cả tuần, còn 14 đôla… dành cho việc hò hẹn tối thứ bảy. Vào năm 1964, số tiền này đủ để đi ăn nhà hàng và xem phim. Thường khi đưa bạn gái đi ăn tối, anh chàng để nàng gọi món trước rồi mới dám chọn để không bị vượt quá ngân sách.

 

Những người thày đáng nhớ

 

Bill được học với nhiều vị giáo sư tài năng và thú vị. Robert Irving, dạy môn tiếng Anh, chuyên gây “choáng” cho các sinh viên năm nhất bằng những lời nhận xét chua chát bên lề các bài tiểu luận. Ví dụ, ông gọi một sinh viên là “cái bơm” và khi một học trò của mình bày tỏ nỗi chán chường trong bài viết, ông phán: “Cậu biến thành cái bắp cải rồi hả?”. Các bài luận của vị tổng thống tương lai cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Ở trang trước, Irving mới khen Bill là “thông minh, chịu khó suy nghĩ” thì trang sau đã châm chọc cậu là “lần sau nhớ kiếm tờ giấy nào tốt hơn để viết văn”.  

 

Luis Aguilar, một người gốc Cuba dạy môn lịch sử châu Âu, thì từng hỏi Bill cậu dự tính gì cho tương lai. Chàng trai tâm sự rằng cậu muốn trở về quê và hoạt động chính trị, nhưng đồng thời cũng say mê những thứ khác. Vị giáo sư nhận xét: “Chọn nghề cũng giống như chọn một cô vợ từ 10 cô bạn gái. Ngay cả khi cậu đã chọn được cô đẹp nhất, thông minh nhất, nết na nhất, thì cậu vẫn cảm thấy đau lòng khi mất 9 cô còn lại”.

 

Đến năm thứ ba, Bill được nhận vào làm phụ việc cho Thượng nghị sĩ Bill Fulbright (người lập ra chương trình học bổng Fulbright của Mỹ) tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện. Nhờ vậy, cậu được đọc rất nhiều hồ sơ, tiếp xúc với các nghị sĩ và nắm vững như lòng bàn tay những vấn đề gây chia rẽ xã hội và chính trị Mỹ lúc bấy giờ, như xung đột chủng tộc và nhất là chiến tranh Việt Nam. Cũng nhờ vốn hiểu biết của mình, cậu trúng học bổng Rhodes để học tại trường Oxford tại Anh sau khi tốt nghiệp.

 

Làm quen với Hillary

 

Do nhiều lý do và hoàn cảnh cá nhân, Bill quyết định không hoàn tất nốt khoá học tại Oxford, dù chỉ còn một năm, mà trở về Mỹ theo ngành luật tại trường Yale. Hãy nghe Bill kể về quãng đời này của mình:

 

“Khi đó, tôi vừa chia tay với một cô gái, và cô ấy trở về nhà để kết hôn với người bạn trai trước của mình. Rồi tôi có một cuộc chia lìa đau khổ với một sinh viên luật mà tôi rất thích nhưng lại không dám gắn bó lâu dài. Rồi một ngày kia, trong giờ Quyền Chính trị và Công dân, tôi phát hiện một cô gái mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đây. Hình như cô dự các buổi học còn ít hơn cả tôi. Cô ấy có mái tóc dày màu vàng đậm, đeo kính và không trang điểm, nhưng toát ra sự điềm tĩnh và mạnh mẽ mà hiếm khi tôi thấy ở bất kỳ ai, cho dù là nam hay nữ. Sau giờ học, tôi đi theo cô, định tự giới thiệu về mình. Khi chỉ cách cô ấy có 2 bước chân, tôi những muốn với tay để chạm vào vai cô, rồi đột nhiên rụt tay lại…

 

Tôi còn thấy người con gái ấy thêm vài lần ở trường trong mấy ngày sau, nhưng không đến gần cô. Một tối, khi đang nói chuyện với một sinh viên khác, tôi thấy cô đang đứng ở đầu kia của phòng thư viện luật trường Yale. Lần này, cô ấy chợt nhìn lại tôi. Một lát sau, cô khép quyển sách lại, bước hết dọc thư viện, nhìn thẳng vào tôi và nói: Nếu anh cứ nhìn chằm chằm vào tôi, và tôi cứ chằm chằm nhìn lại, ít ra chúng ta cũng nên biết tên nhau chứ. Tên tôi là Hillary Rodham. Thế còn anh? Tôi sửng sốt đến mức không nói được gì trong mấy giây. Cuối cùng tôi cũng thốt ra được cái tên của mình. Chúng tôi trao đổi mấy câu, rồi cô ấy bước đi”.

 

Cuộc hẹn hò

 

 

Những chuyện thời trai trẻ của Bill Clinton  - 3
 

Bill Clinton và Hilary

thời trẻ. (American Library).

“Hai ngày sau, tôi lại nhìn thấy Hillary. Cô ấy mặc chiếc váy hoa da cam gần chạm đến đất. Lần này tôi quyết tâm ở bên cô ấy. Hillary nói rằng muốn ghi tên vào lớp học cho kỳ sau, vì thế tôi nói mình cũng sẽ đăng ký. Chúng tôi đứng vào hàng và trò chuyện. Khi đến lượt, người ghi tên nhìn tôi và nói Bill, cậu làm gì ở đây vậy? Cậu đăng ký hồi sáng rồi mà. Tôi đỏ bừng mặt, còn Hillary cười điệu cười giòn vang không lẫn đi đâu được. Tôi đã bị lộ tẩy, vì thế tôi bạo gan mời cô ấy đến Phòng Triển lãm Yale để xem buổi trưng bày các tác phẩm của Mark Rothko. Vì háo hức và hồi hộp, tôi quên khuấy mất trường đang có đình công và bảo tàng đóng cửa. May thay, có một người gác đang đứng trực. Tôi nài nỉ và hứa sẽ dọn đống cành cây và rác trong vườn bảo tàng nếu ông ấy để chúng tôi vào.

 

Người gác nhìn chúng tôi và cũng hiểu ra mọi chuyện. Vậy là chỉ có riêng hai đứa tôi thưởng ngoạn toàn bộ phòng triển lãm. Thật tuyệt vời, tôi đã mê Rothko kể từ khi đó. Xem xong các tác phẩm, chúng tôi ra vườn và tôi thu dọn các cành cây. Sau khi tôi làm xong phần việc dọn dẹp của mình, Hillary và tôi ngồi lại trong vườn khoảng một giờ đồng hồ. Ở đó có bức tượng lớn một người phụ nữ đang ngồi của Henry Moore. Hillary ngồi vào lòng tượng, còn tôi ở bên cạnh cô ấy và trò chuyện. Lát sau, tôi tựa đầu lên vai cô ấy. Đó là cuộc hẹn đầu tiên của chúng tôi.

 

…Hillary nổi trội ở trường luật, một nơi nhỏ nhưng tập trung những nhân vật đầy tài năng. Tôi thì chỉ là một kẻ trôi dạt. Nhiều bạn học của cả hai chúng tôi có phần e sợ cô ấy. Nhưng tôi thì không. Tôi chỉ muốn được ở bên Hillary”.  

 

Theo Minh Châu

Vnexpress