1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những câu hỏi quanh chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào

(Dân trí) - Chuyến công du có ý nghĩa như thế nào, tại sao Bill Gates lại là người đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc gặp mặt khi ông đặt chân tới Mỹ, nhà lãnh đạo Trung Quốc là người như thế nào... là những câu hỏi đặt ra trong chuyến công du Mỹ lần này của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Ngày 18/4 này (giờ Mỹ), nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào sẽ bắt đầu chuyến công du Mỹ đầu tiên của mình trên cương vị là Chủ tịch Trung Quốc. Đây được coi là chuyến thăm “đáp lại” chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bush tới Bắc Kinh tháng 11 năm ngoái. Theo dự tính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Bush sẽ gặp nhau vào ngày thứ năm 20/4 tại Washington DC.

 

Chuyến công du có tầm quan trọng như thế nào?

 

Mối quan hệ giữa một nước siêu cường, Mỹ, và một nước có tiềm năng là một siêu cường trong tương lai, Trung Quốc, được đánh giá là rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

 

Trong quá khứ, Tổng thống Bush từng gọi Trung Quốc là “một đối thủ chiến lược”, và mức độ hợp tác cũng như cạnh tranh của họ vẫn chưa được định đoạt. Chính vì vậy từng động thái của hai nước đều được thế giới, cũng như khu vực dõi theo sát sao.

 

Có hàng tá vấn đề có nguy cơ đe doạ đến mối quan hệ của hai nước, trong đó có vấn đề thâm hụt ngân sách thương mại của Mỹ so với Trung Quốc, cuộc chạy đua năng lượng, và tương lai của Đài Loan.

 

Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề nhạy cảm khác, như nhân quyền, kiểm duyệt internet của Trung Quốc - được người Mỹ đánh giá như một nhân tố chính thúc đẩy cải cách. Những mối quan hệ đó hiện nay yên ả, nhưng cũng khá gai góc.

 

Tại sao Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lại gặp Bill Gates, chủ tịch Microseft, đầu tiên?

 

Bill Gates sẽ tổ chức một bữa tiệc tối linh đình để đón chào Chủ tịch Hồ tại nhà của mình ở thành phố Seattle, phía tây Washington, nơi Chủ tịch Hồ bắt đầu đặt chân xuống Mỹ.

 

Sự kiện được tổ chức với mục đích chào mừng cố gắng mà Trung Quốc đạt được trong vấn đề bảo vệ nạn ăn cắp bản quyền phần mềm, và có thể cũng là một biểu tượng cho thấy thương mại đóng một vai trò vô cùng quan trọng giữa hai nước.

 

Gần đây, Trung Quốc tuyên bố rằng một trong những nhà sản xuất máy tính lớn của họ sẽ mua hệ thống điều hành Microsoft Windows trị giá 250 triệu USD. Tuy rằng nó chưa thể giải quyết nạn ăn cắp bản quyền, nhưng được xem như là một cử chỉ thiện chí hướng tới giải quyết một trong vấn đề bức xúc của thương mại hai nước.

 

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người như thế nào?

 

Chủ tịch Hồ là người đi theo đường lối của Đảng Cộng Sản. Và ông không bao giờ tỏ ra nghi ngờ trước con đường mà Trung Quốc đã lựa chọn.

 

Ông là một nhà ngoại giao lớn (trong chuyến công du Mỹ lần này ông còn dự định tới Canada và Mỹ) và muốn quảng bá hình ảnh Trung Quốc là một đất nước năng động trên trường thế giới, nhưng cũng sẵn sàng bảo về lợi ích của mình.

 

Tại sao thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại lớn như vậy?

 

Có hai lý do. Thứ nhất, Trung Quốc không những là một nhà sản xuất công nghệ lớn mà còn một nhà tiêu dùng lớn, không mấy kén chọn. Trung Quốc sản xuất mọi thứ từ phần cứng đến các sản phẩm đồ chơi phần mềm. Các nhà bán lẻ Mỹ thì ào ạt đổ vào để sản xuất sản phẩm của mình tại Trung Quốc do giá thành ở đây rất rẻ.

 

Lý do thứ hai là đồng Nhân dân Tệ của Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ cho rằng nó đã bị đánh giá thấp khoảng 40% so giá trị thực. Điều này khiến cho hàng hoá xuất khẩu ở Trung Quốc cũng rất rẻ. Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Mỹ lớn hơn nhập khẩu khoảng 200 tỷ USD.

 

Mỹ muốn Trung Quốc làm gì để giảm thâm hụt ngân sách?

 

Mỹ muốn Trung Quốc mua hàng hoá của Mỹ nhiều hơn nữa. Và để làm “dịu” lòng Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ mua của Mỹ 80 chiếc Boeing. Nhưng quan trọng hơn, là Mỹ muốn Trung Quốc đánh giá lại đồng Nhân Dân Tệ.

 

Trung Quốc đã có một vài động thái thay đổi, nhưng đối với Mỹ, vẫn chưa đủ. Một quan chức Mỹ gần đây cho rằng Trung Quốc cần phải trở thành một “cổ đông có trách nhiệm” hơn trong hệ thống thương mại thế giới.

 

Hai nước đang chạy đua năng lượng dầu lửa?

 

Ngày nay tất cả các nước trên thế giới đều phải hướng về tương lai để đảm bảo nguồn năng lượng của mình. Mỹ, Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Chưa kể, hai nước là những nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới. Vì vậy, cạnh tranh đôi khi không thể tránh khỏi.

 

Cụ thể gần đây, Mỹ đã ngăn cản một công ty của Trung Quốc tiếp quản công ty dầu lửa Unocal của Mỹ. Một số chuyên gia dầu lửa cho rằng Trung Quốc hiện đang cố gắng tập trung vào những khu vực Mỹ có ít ảnh hưởng, như Iran hay Venezuela. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến xung đột.

 

Về ngoại giao, Trung Quốc và Mỹ sẽ hoà hợp?

 

Hiện tại, mối quan hệ giữa hai nước khá ổn định. Trung Quốc hiếm khi gây khó khăn lớn cho Mỹ ở Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn Trung Quốc giúp họ nhiều hơn nữa trong vấn đề về CHDCND Triều Tiên, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, Iran và Sudan.

 

Vấn đề Iran đặc biệt nhạy cảm. Trung Quốc và Nga là hai nước phản đối lệnh cấm vận đối với Iran mà Mỹ đề xuất. Bởi Trung Quốc đã ký một thoả thuận lâu dài mua dầu lửa và khí gas với Iran. Và họ không muốn làm người Iran phải thất vọng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hưởng lợi từ dầu lửa của Sudan. Dưới sức ép của Mỹ về vấn đề Darfur, Sudan cũng đang là mục tiêu có khả năng bị cấm vận.

 

Cuối cùng, Mỹ sẽ ngày càng “để ý” đến Trung Quốc, do sự ảnh hưởng của nước này đối với thế giới ngày một tăng.

 

Trang Thu

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm