1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những câu hỏi pháp lý quanh vụ kiện Trung Quốc - P2

Như đã được đề cập, bên không xuất hiện vẫn là một bên của vụ kiện và vẫn bị ràng buộc bởi quyết định của tòa dù cho có đồng ý hay không.

Những hệ quả từ việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện?

Xét về mặt pháp lý, sự tồn tại của điều 9 phụ lục VII và Nguyên tắc 25 của Những Nguyên tắc Thủ tục nhằm ngăn ngừa việc một bên không tham gia vụ kiện bị áp đặt những kết quả không có lợi. Như đã được đề cập, bên không xuất hiện vẫn là một bên của vụ kiện và vẫn bị ràng buộc bởi quyết định của tòa dù cho có đồng ý hay không.

Những câu hỏi pháp lý quanh vụ kiện Trung Quốc - P2 - 1

Phiên tòa tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng 7. (Ảnh: Rappler)

Tuy nhiên, hệ thống luật pháp trước các tòa quốc tế đã chỉ ra rằng bên không tham dự phải chấp nhận rằng không thể trông đợi Tòa Trọng tài hoàn toàn lĩnh hội được quan điểm của bên này như trong trường hợp bên này thực sự tham gia vụ kiện. Và điều này vẫn đúng ngay cả khi bên không tham gia có đưa ra những quan điểm của mình thông qua các kênh khác.

Trong vụ việc Nicaragua kiện Mỹ, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) đã nói rằng tòa “không thể tự dựa vào những thẩm tra của mình để bù đắp cho sự vắng mặt của một trong các bên” và rằng “sự vắng mặt, trong một vụ kiện… có liên quan đến một lượng lớn những câu hỏi về các tình tiết, lẽ dĩ nhiên phải hạn chế khả năng tiếp cận các tình tiết của tòa”.

Mặc dù đây là yếu tố có thể xem là có lợi cho Philippines, nhưng như đã nói, việc thiếu sự hợp tác của Trung Quốc có thể dẫn đến việc thiếu chứng cứ thích hợp cho Tòa Trọng tài trong việc đưa ra một quyết định, nếu có.

Trong vụ kiện Arctic Sunrise do Hà Lan khởi xướng chống lại Nga, theo quan điểm của các nhà bình luận, những biện pháp tạm thời tòa ITLOS đưa ra có thể sẽ không nghiêng về hướng có lợi (hay gần như đồng nhất) với yêu cầu của Hà Lan nhiều đến vậy nếu Nga chọn cách tham gia vụ kiện và đứng ra tự bảo vệ mình. Có thể nói rằng, trong vụ kiện Arctic Sunrise, phán quyết đi ngược lại lợi ích của nước Nga được xem là “án phạt” vì Nga đã vắng mặt.

Trong những phát biểu riêng rẽ, Thẩm phán Wolfrum và Kelly đã kịch liệt chỉ trích bên vắng mặt trong vụ kiện. Hai vị thẩm phán chỉ ra rằng, tòa quốc tế hay tòa trọng tài trong trường hợp một bên vắng mặt “phải dựa vào những chi tiết và tranh luận pháp lý được một bên đệ trình mà không được nghe ý kiến của bên còn lại. Những cứ liệu trong công luận không thể giúp cân bằng điều này một cách đầy đủ”.

Một trong những cách hiểu phát biểu trên (không đi ngược lại những yêu cầu của Điều 9) là rằng, trong một vụ kiện, các thẩm phán có khả năng đồng cảm hơn với quan điểm của bên tham dự, đơn giản là vì không có quan điểm nào khác từ bên còn lại để bác bỏ những quan điểm được đưa ra trước tòa.

Tại đây, có thể đặt tiếp ra câu hỏi: Liệu Tòa Trọng tài trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc có hành xử theo cùng cách thức của tòa ITLOS hay không? Cần lưu ý rằng, Tòa Trọng tài trong vụ kiện tranh chấp Biển Đông có sự hiện diện của 3 thẩm phán ITLOS từ vụ kiện Arctic Sunrise trước đó.

Và thú vị hơn nữa, cũng đồng thời là trạng sư chính từng tham dự một trong những ví dụ điển hình nhất của một vụ kiện trong đó có một bên không tham gia vụ kiện: vụ Nicaragua kiện Mỹ. Những tình tiết này càng làm cho việc dự liệu về kết quả của vụ kiện càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Cơ chế giám sát nào có giá trị?

Như đã đề cập, quyết định không tham dự Tòa Trọng tài của Trung Quốc không phủ nhận vai trò là một bên của nước này với vụ kiện tranh chấp ở Biển Đông. Điều này có ý nghĩa quyết định của Tòa Trọng tài sẽ là quyết định cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc.

Những câu hỏi pháp lý quanh vụ kiện Trung Quốc - P2 - 2

Hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc trên đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: SIA)

Tuy nhiên, điều không may là, về mặt lý thuyết, hệ thống giải quyết tranh chấp UNCLOS không có cơ chế giám sát nào như hệ thống của ICJ với Hội đồng Bảo an. Điều này có nghĩa nếu Trung Quốc từ chối tuân theo quyết định được xem không có lợi cho lợi ích của nước này, có vẻ như sẽ không có bất kì lệnh cấm vận pháp lý nào chống lại nước này vì hành vi không chấp hành phán quyết của tòa.

Dẫu vậy, lịch sử đã ghi nhận các quốc gia từng quyết định không tham dự các vụ kiện sau khi tòa đưa ra phán quyết có nhiều cách hành xử khác nhau. Trong một số trường hợp, dù khẳng định phản đối quyết định của tòa, một số bên không tham dự cuối cùng vẫn có hành động tuân theo phán quyết cuối cùng.

Ví dụ, trong vụ kiện Arctic Sunrise, Nga đã tuyên bố sẽ không tuân theo các biện pháp tạm thời của ITLOS. Tuy nhiên, gần một năm sau khi các biện pháp này được đưa ra, Nga đã phóng thích các nhà hoạt động và con tàu, dẫu Moksva vẫn khăng khăng rằng động thái này của Nga chiếu theo một quyết định trong nước chứ không phải là việc thực thi phán quyết của tòa ITLOS.

Trong một số trường hợp khác lại có những quốc gia khác tỏ ra “cứng đầu cứng cổ” hơn. Như trong vụ kiện Nicaragua, Mỹ cương quyết chống lại phán quyết của ICJ và từ chối tham dự bất kì phiên đàm phán nào với Nicaragua về việc bồi thường thiệt hại.

Trước phản ứng như trên của Mỹ, Nicaragua đã nỗ lực buộc Mỹ thực thi phán quyết của tòa thông qua nhiều cơ chế bao gồm kêu gọi sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an, Đại Hội đồng và một lần nữa là tòa ICJ, với những mức độ thành công khác nhau.

Đến đây, một câu hỏi khác lại xuất hiện: Liệu điều này có đồng nghĩa với việc Tòa Trọng tài sẽ chỉ là phù phiếm? Bởi xét cho cùng, mục đích của việc theo đuổi một vụ kiện tốn kém và mất thời gian đến vậy là gì nếu phán quyết cuối cùng được định sẵn sẽ không được tuân thủ?

Nếu xem xét trên khía cạnh lợi ích, việc mang vụ kiện ra trước tòa là hữu ích với bên đơn. Việc chỉ tập trung vào câu hỏi đảm bảo việc tuân thủ phán quyết của tòa như thế nào sẽ vô tình làm bỏ qua một câu hỏi khác không kém phần quan trọng: Quyền lợi của bên đơn đến đâu và sẽ tiếp tục bị vi phạm đến mức độ nào nếu không có tiếng nói của công lý?

Trong vụ kiện này Philippines đã tuyên bố rằng, Philippines không xem vụ kiện là cái kết cho những tranh chấp ở Biển Đông, mà với Philippines, đây mới chỉ là sự bắt đầu. Điều này cho thấy rằng Philippines nhận thức đầy đủ mức độ “thành công” mà phán quyết của Tòa Trọng tài có thể mang lại. Thứ dường như Philippines đang theo đuổi là việc yêu cầu Trung Quốc xác định rõ những tuyên bố của nước này và đảm bảo những tuyên bố đó tuân theo luật quốc tế.

Đây chỉ là bước đầu tiên trong nỗ lực gỡ rối những tranh chấp ở Biển Đông và cho phép các bên giải quyết tranh chấp trên nền tảng công bằng và bình đẳng hơn.

Lan Nguyễn hiện đang theo học Tiến sĩ tại Khoa Luật, Đại học Cambridge (Anh) sau khi hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ tại trường đại học này. Cô đồng thời còn là giảng viên và nghiên cứu viên về Luật Quốc tế tại Học viện Ngoại giao (Việt Nam).

Bên cạnh đó, trong việc đối mặt với một quốc gia láng giềng mạnh hơn trên tất cả mọi mặt, việc cậy đến một Tòa Trọng tài cũng là một cách để thu hút công luận vào những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như nhằm tạo ra áp lực quốc tế với Trung Quốc trong việc xem xét lại lập trường của nước này.

Nói một cách ngắn gọn, việc Trung Quốc không tham dự Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII trên thực tế không ngăn cản Tòa Trọng tài tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, quan điểm chính thức của nước này trong việc bác bỏ Tòa Trọng tài dường như khá khoa trương. Và những biện pháp khác được Trung Quốc sử dụng để cổ súy những tranh luận của mình trong vụ kiện về mặt hiệu ứng đã tạo ra tác dụng như thể nước này có hiện diện tại tòa.

Dù không bị cấm, nhưng bản thân những hành động như vậy của Trung Quốc cho thấy sự thiếu thiện chí trong nỗ lực giải quyết những tranh chấp phức tạp. Và không nghi ngờ gì, lập trường mâu thuẫn này của Trung Quốc cũng khiến cho hoạt động của Tòa Trọng tài vốn dĩ đã rối lại càng thêm tơ vò.

Anh Minh (Theo Lan Nguyen - The Diplomat)

Theo baotintuc.vn

Những câu hỏi pháp lý quanh vụ kiện Trung Quốc - P2 - 3