Nhìn lại hai tháng Mỹ không kích IS
Sau hai tháng, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu vẫn hầu như không thể thu hẹp diện tích các vùng lãnh thổ mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng tại Iraq cũng như không thể ngăn các tay súng cực đoan thực hiện các cuộc tấn công đánh chiếm một thành phố chiến lược ở vùng biên giới tại Syria.
Trong khi đó, các tay súng cực đoan đã tìm cách trà trộn vào khu vực thành thị nhằm tránh sự truy đuổi, và thậm chí còn tận dụng thời cơ giành quyền kiểm soát các vùng đất mới từ tay lực lượng quân đội Iraq, vốn đang phải vật lộn với các cuộc tấn công từ phiến quân.
Những kết quả khá hạn chế này đã phô bày điểm yếu cơ bản của chiến dịch không kích mà Mỹ phát động. Trên thực tế, các cuộc tấn công từ trên không có rất nhiều hạn chế. Các tay súng IS có khả năng lẩn trốn và hoạt động rất linh hoạt, chúng có thể chia nhỏ đội hình, và tìm cách hạn chế hiệu quả thương vong. Quan trọng hơn, không lực lượng bộ binh liên minh nào đủ khả năng tận dụng các lợi thế từ chiến dịch không kích và có thể triển khai các cuộc tấn công giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay phiến quân.
Ngoại lệ duy nhất trong cuộc chiến chống lại IS là các tay súng người Kurd, lực lượng được cho là đang hoạt động hiệu quả nhất tại Iraq. Việc quân Peshmerga (lực lượng vũ trang người Kurd) giành được một số thành tựu cơ bản hồi tuần trước thậm chí chỉ nhấn mạnh thêm vào sự yếu kém và thiếu hiệu quả của các lực lượng khác trong chiến dịch chống khủng bố mà Mỹ kêu gọi.
Quân đội Iraq đang mục ruỗng vì nạn tham nhũng và nhiều mâu thuẫn trong nội bộ giới chỉ huy. Trong khi đó, chính phủ mới tại Iraq vẫn đang phải ra sức tìm cách kêu gọi sự ủng hộ nhiều hơn của các bộ tộc người Sunni - được coi là rào cản lớn nhất đối với những phần tử Sunni cực đoan, song cho tới nay, nhiều bộ tộc vẫn tỏ ra khá dè dặt.
Tại Syria, quân nổi dậy được Washington hậu thuẫn không đủ khả năng chống lại các phần tử cực đoan, trong khi lực lượng người Kurd tại đây cũng không được vũ trang tốt như lực lượng người Kurd tại Iraq.
Hầu hết các thành công từ chiến dịch không kích đều nằm ở vùng ngoại ô hoặc các khu vực không có người ở tại phía Bắc Iraq. Tuần trước, chiến dịch không kích đã mở đường cho lực lượng Peshmerga tấn công hàng loạt thị trấn đang nằm trong tay phiến quân gần biên giới chung với Syria như Mahmoudiyah, Rabia và Zumar. Cuộc phản công của các lực lượng người Kurd là nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn Sinjar, và nếu thành công, người Kurd sẽ đảm bảo an toàn cho tuyến đường tiếp tế trọng yếu nối liền với Syria.
Những cuộc không kích đầu tiên đã ngăn lực lượng cực đoan tiến về thủ phủ Irbil của khu tự trị người Kurd, đồng thời giúp quân đội Iraq và lực lượng Peshmerga giành lại quyền kiểm soát đập Mosul chiến lược. Các cuộc tấn công này cũng đã giúp phá vỡ vòng vây do phiến quân lập nên tại thị trấn phía Bắc Amirli.
Tuy nhiên, các máy bay đều tránh ném bom Mosul - thành phố lớn thứ hai tại Iraq và là nơi được coi là một trong những thành trì vững chắc nhất của quân nổi dậy - cũng như thị trấn Tal Afar lân cận, do lo ngại có thể gây thương vong cho dân thường và khiến cộng đồng người Sunni tức giận và quay sang ủng hộ IS.
Thực tế là điều này đã giúp các phần tử cực đoan rảnh tay hoạt động. Giới quan sát cho rằng điều này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong dài hạn. Tuần trước, Tướng John Allen - Đại diện Mỹ trong liên minh chống IS - nói rằng các chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát Mosul sẽ được triển khai "trong một năm tới".
Nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến quân đội Iraq này tan rã và thất thủ trước cuộc tấn công tại Mosul của phiến quân là do năng lực yếu kém của các binh sỹ cùng cuộc khủng hoảng đội ngũ chỉ huy. Thêm vào đó, cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki, người vừa kết thúc nhiệm kỳ một cách miễn cưỡng, lại kích động căng thẳng phe phái trong nội bộ quân đội Iraq khi sa thải nhiều quan chức cấp cao người Sunni có năng lực và thay thế bằng các nhân vật người Shi'ite yếu kém nhưng trung thành với ông ta.
Sau khi Mosul thất thủ, cựu Thủ tướng al-Maliki đã kêu gọi tình nguyện viên củng cố lại lực lượng quân đội. Nhiều tay súng người Shi'ite đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ và gia nhập quân ngũ. Tuy nhiên, với một giới lãnh đạo nhiều mâu thuẫn và một lực lượng binh sỹ có sự trung thành khác nhau, quân đội Iraq vẫn không thể hoạt động hiệu quả và giành ưu thế trước phiến quân IS.
Trong khi đó, lực lượng Peshmerga lại được triển khai hiệu quả hơn nhiều. Họ đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng đất ở phía bắc khu tự trị người Kurd mà IS chiếm giữ từ lâu, đồng thời tuyên bố đang bảo vệ các khu vực này khỏi bị phiến quân tái chiếm. Tuy không được đào tạo bài bản và chỉ sở hữu những vũ khí thô sơ song Peshmerga đã chiến đấu rất kiên cường và tích cực. Giới phân tích cho rằng điều này xuất phát từ sự thống nhất và mục tiêu chung mà họ đang theo đuổi là thành lập một nhà nước Kurd độc lập.
Trong khi đó, tại Syria, các máy bay của lực lượng liên minh lại không thể đảo ngược tình thế tại thành phố Kobane của Syria, nơi phiến quân đã bao vây trong suốt nhiều tuần qua và vẫn đang giao tranh với các lực lượng phòng vệ người Kurd. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 7/10 cảnh báo rằng Kobane đang đứng trước nguy cơ thất thủ.
Các cuộc không kích xung quanh thành phố này có nhiều hạn chế hơn một số chiến dịch từng được tiến hành trước đó, ví dụ như chiến dịch ném bom Amirli tại Iraq hồi tháng 8. Khi đó, quân đội Iraq và các dân quân người Shi'ite đã nhanh chóng đột kích thành phố này ngay sau khi chiến dịch không kích chấm dứt.
Trong khi đó, lực lượng phòng vệ người Kurd tại Kobane lại chỉ được vũ trang khá nghèo nàn và hiện vẫn bị phân tán bởi các mâu thuẫn kéo dài với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia luôn không hài lòng với mối quan hệ giữa lực lượng này với các phần tử ly khai người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chiến dịch không kích tại Syria phần lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng của IS tại các vùng đất phía bắc và phía đông rộng lớn mà lực lượng cực đoan kiểm soát. Máy bay đã nhắm trúng nhiều căn cứ, phá hủy nhiều xe tăng, trại huấn luyện và thậm chí là một trong những trụ sở chính của tổ chức này tại Raqqa.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội cho biết các tay súng IS đã rời bỏ nhiều căn cứ trước khi chiến dịch không kích được tiến hành, và trên thực tế Mỹ cùng đối tác đã ném bom vào các căn cứ trống không. Nhiều vũ khí hạng nặng cũng đã được phiến quân vận chuyển tới các khu vực an toàn từ trước đó.
Các cuộc không kích của quân đội liên minh cũng đã nhằm vào nhiều cơ sở khai thác dầu mỏ nhằm cắt đứt đường dây buôn lậu của lực lượng cực đoan. Tướng Richard Zahner, đã nghỉ hưu, từng là một quan chức tình báo cấp cao trong quân đội, đảm trách hoạt động thu thập thông tin tình báo trong chiến tranh Iraq - cho rằng điều này đã ảnh hưởng tới nguồn thu nhập của phiến quân mặc dù con số thiệt hại có thể là không đáng kể.
Theo ông, IS "đang hoạt động bài bản theo đúng kế hoạch chúng đã đề ra và sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược" nhằm củng cố các thành tựu đã đạt được tại các vùng đất trung tâm của người Sunni.
Giới phân tích cho rằng bất kỳ giải pháp lâu dài nào trong cuộc chiến chống khủng bố cũng cần phải được bắt nguồn từ nỗ lực to lớn nhằm đạt được sự ủng hộ của người dân Syria và Iraq, đặc biệt là cộng đồng người Sunni.
Tân chính phủ Iraq, với sự dẫn dắt của Thủ tướng Haider al-Abadi, ngay sau khi nhậm chức đã kêu gọi quân đội chấm dứt nã pháo vào các khu vực đông dân cư để tránh gây thương vong cho người dân. Chính phủ cũng tìm cách thành lập lực lượng vệ binh quốc gia, với giới lãnh đạo địa phương và thành phần binh sỹ có đông người Sunni hơn.
Giành được sự ủng hộ của các bộ tộc Sunni là một phần quan trọng nhằm đạt hiệu quả trong cuộc chiến chống lại IS. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ tộc Sunni chưa tỏ rõ lập trường. Họ vẫn chờ các dấu hiệu cho thấy Thủ tướng al-Abadi tỏ ra coi trọng quyền công dân của người Sunni hơn và kế hoạch bổ nhiệm nhiều người Sunni vào các vị trí quan trọng trong chính quyền.