1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhìn lại 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Putin

(Dân trí) – Trở lại điện Kremli trong bối cảnh không còn “xuôi chèo, mát mái” như hai nhiệm kỳ trước, song với những gì diễn ra trong 100 ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn thể hiện được bản lĩnh của một “người đàn ông thép”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ngày 14/8/2012 vừa đúng tròn 100 ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại chiếc ghế quyền lực cao nhất của xứ sở Bạch dương.

Trong bối cảnh không còn "xuôi chèo mát mái" như 2 nhiệm kỳ trước (2000-2008), nhiệm kỳ thứ 3 này của Tổng thống Putin phải đối mặt với không ít khó khăn và thử thách để có thể vừa củng cố nội lực, vừa gia tăng vị thế cho nước Nga.

Nhưng những gì mà Tổng thống Putin thể hiện trong 3 tháng qua đã khiến nhiều nhà phân tích có chung một quan điểm: Khó có yếu tố nào có thể khiến nước Nga đi chệch hướng.

Về chính sách đối nội

Tổng thống Putin đã lập ra một Nội các rộng rãi gồm Phủ Tổng thống và toàn bộ chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev nhằm cân bằng ảnh hưởng giữa các nhóm quyền lực trong nước.

Trong cơ cấu mới đó, Tổng thống Putin đóng vai trò của một trọng tài tối cao và đích thân thông qua mọi quyết định chủ chốt. Vai trò này cho phép nguyên thủ quốc gia Nga vừa kiểm soát chặt chẽ quyền lực, vừa ngăn chặn kịp thời và hiệu quả mọi biện pháp hay đường lối chính trị quá cứng nhắc.

Mô hình này đang phát huy hiệu quả, vì nó giúp ông Putin bảo vệ được vị thế của một người cầm quyền nhưng đảm bảo ông không có những quyết định độc đoán và sai lầm.

Trở lại cầm quyền giữa lúc tiếng nói đối lập ở Nga đang tăng lên mạnh mẽ và trở thành thách thức không nhỏ đối với Tổng thống, vì thế ông Putin đã chủ trương tăng cường kiểm soát chặt chẽ về chính sách đối nội để ổn định xã hội. Điều này được thấy rõ qua các đạo luật mới về biểu tình, về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài và về tội vu khống.

“Chính quyền của Tổng thống Putin đã thành công trong việc duy trì tình hình ổn định trong nước, tiếp tục đường lối tự do hóa, đồng thời ngăn chặn các biện pháp cực đoan”, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị, ông Aleksey Mukhin, nói.

Ông Mukhin cho rằng, ngay sau khi trở lại điện Kremli, Tổng thống Putin đã thực hiện rất kiên quyết và nhất quán các cam kết tranh cử của mình nhằm khôi phục sự ủng hộ mà đa số cử tri Nga đã dành cho ông.

Kết quả bầu cử Đuma Quốc gia Nga khóa mới cũng như kết quả các cuộc bầu cử địa phương và trưng cầu ý kiến gần đây nhất cho thấy ông Putin vẫn được hơn 50% người dân Nga tín nhiệm và ủng hộ.

Bên cạnh đó, sự đồng thuận của Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev sau khi tiến hành cuộc hoán đổi vị trí một cách ngoạn mục cũng là một yếu tố khiến người ta tin tưởng vào tương lai ổn định của nước Nga dưới sự lãnh đạo của "bộ đôi hoàn hảo".

Một hướng ưu tiên khác trong hoạt động của chính quyền được ông Putin thực hiện là củng cố và hiện đại hoá quân đội nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và sự ổn định chiến lược trên thế giới.

Ông Putin cho biết trong thập kỷ tới, chính phủ Nga sẽ chi 772 tỷ USD để chế tạo 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, 2.300 xe tăng thế hệ mới nhất, 600 máy bay chiến đấu hiện đại, ít nhất 100 vệ tinh phục vụ mục đích quân sự; 8 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, 50 tàu chiến, pháo, hệ thống phòng không và khoảng 17.000 xe thiết giáp mới chở quân.

Ông cũng nêu ra những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2015, chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được đổi mới mạnh mẽ theo hướng sử dụng các chuyên gia giỏi và có sự tham gia của đại diện các lực lượng chính trị khác nhau.

Về chính sách đối ngoại

Trong 100 ngày đầu trở lại điện Kremli, đảm nhiệm cương vị Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3, nhà lãnh đạo Nga Putin cũng đặc biệt quan tâm đến chính sách đối ngoại với các chuyến thăm tới 11 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Trung Quốc, Anh, Mexico, Israel…

Những chuyến đi này đã phác thảo rõ các ưu tiên của Tổng thống Putin trong chính sách đối ngoại là củng cố vị thế nước Nga trên thế giới.

Có thể nói, thái độ cứng rắn với phương Tây của Tổng thống Putin đã giúp nước Nga giữ được vị thế của một cường quốc có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế.

Ngay sau khi vừa nhậm chức, ông Putin đã tuyên bố Nga sẽ kiên trì theo đuổi lập trường cứng rắn của mình đối với kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Mỹ và châu Âu. Đây là một trong những vấn đề căng thẳng giữa Nga và Mỹ trong nhiều năm qua.

Mới đây nhất, Tổng thống Putin cũng thể hiện thái độ kiên quyết trong vấn đề Syria thông qua việc 3 lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria, bảo vệ thành công đồng mình chiến lược cuối cùng tại Trung Đông trước ý đô can thiệp quân sự của phương Tây.

Một điểm mấu chốt khác trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Putin là phát triển hợp tác đa phương trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), thúc đẩy quá trình liên kết mới trong không gian Âu - Á thông qua nòng cốt chính là Liên minh thuế quan với Belarus và Cazakhstann.

Còn với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Nga vẫn duy trì chính sách đối ngoại độc lập và thực tế.

Về chính sách kinh tế - xã hội

Thông qua hàng loạt văn bản, chỉ thị, ban hành ngay sau ngày nhậm chức, không khó để xác định đường hướng ưu tiên trong chính sách kinh tế-xã hội của Tổng thống Putin.

Cụ thể, nước Nga sẽ tiếp tục tăng dân số, tạo ra 25 triệu việc làm chất lượng cao, phát triển một nền kinh tế có sức cạnh tranh và có chất lượng cao trong sân chơi chung là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nơi mà Nga sẽ trở thành thành viên vào ngày 20/8 tới.

Tất cả những mục tiêu này đều nhằm củng cố toàn diện nội lực của Nga trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến quốc phòng và an sinh xã hội.

Theo thông báo của Ủy ban thống kê quốc gia Nga, kinh tế của nước này trong quý II-2012 tăng trưởng 4,0%.  Năm 2011, GDP của Nga tăng 4,3%, trong khi tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức 6,1%.

Cũng theo Ủy ban trên, sở dĩ nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu năng lượng này đạt được nhịp độ tăng như vậy trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng bấp bênh là nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và khu vực tài chính tương đối lành mạnh, nhờ đó hạn chế hiệu quả các khoản vay từ các ngân hàng châu Âu hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Nga có thể đạt 4% năm 2012, một con số ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh kinh tế Pháp có nguy cơ suy thoái, còn kinh tế Đức- cường quốc số một của châu Âu - cũng có thể chững lại.

Nga cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tiền lương trung bình sẽ tăng 60-70%, đạt 25.600 rúp/tháng (khoảng 850 USD). Tuổi thọ trung bình của người Nga sẽ được tăng lên mức 75 sau khi đã đạt mức 70 tuổi vào cuối năm 2011 (tăng 2,4 năm so với năm 2008).

Tuy nhiên theo các chuyên gia Nga, bên cạnh những thuận lợi thì Tổng thống Putin cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, mà cụ thể nhất là việc từng bước từ bỏ mô hình kinh tế quá dựa vào xuất khẩu nguyên - nhiên liệu.

Có thể nói, dù để lại không ít dấu ấn trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, nhưng đây mới chỉ là một quãng đường rất ngắn trong 6 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo được mến mộ nhất nước Nga.

Để đạt được mục đích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 6-7%/năm và đưa Nga vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Putin còn rất nhiều việc phải làm. Thế nhưng, ông không chỉ có một mình, mà còn có cả sự ủng hộ của đại đa số dân chúng Nga, những người đã tin tưởng ông suốt hơn một thập kỷ qua và nay vẫn gửi gắm niềm tin vào nhà lãnh đạo của họ với hy vọng tương lai của nước Nga sẽ tốt đẹp hơn.

Đức Vũ