1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhiều tiếng nói phê phán bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Không chỉ các chuyên gia quốc tế coi tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông là “điều hư cấu”, “truyện cổ tích”... mà ngay cả các nhà khoa học, chuyên gia của Trung Quốc cũng lên tiếng phê phán bản đồ phi lý này.

Theo trang tin Philstar.com (Philippines), cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines, Rafael Alunan nói: “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là sai lầm và vô căn cứ. Luật pháp và lịch sử cho thấy Trung Quốc thì chẳng có gì ngoại trừ điều hư cấu cho rằng họ sở hữu Biển Đông và không ai tin họ”.

Ông Alunan còn khuyến khích người Philippines dùng mạng xã hội như Facebook là một công cụ để trao đổi thông tin, tuyên truyền những thông tin đúng và chính xác về Biển Đông để phản ứng lại những thông tin sai sự thật mà Trung Quốc đưa lên mạng.

* Nhà nghiên cứu người Pháp, tướng Daniel Schaeffer, phân tích về đường lưỡi bò 10 đoạn mới đây của Trung Quốc là bức màn hoang đường che giấu sự thật bên trong.

Theo tướng Daniel Schaeffer, các cuộc gặp gỡ trao đổi với các nhà nghiên cứu và chính khách Trung Quốc cho thấy, trước năm 2009 chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ đề cập một cách chính thức đến đường lưỡi bò như một ranh giới bất khả xâm phạm tới chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Họ luôn duy trì biểu tượng của đường này từ 11 đoạn tới 9 đoạn và 10 đoạn gây ra tình trạng mập mờ về thực chất yêu sách của Trung Quốc, khiến cho các quốc gia trong vùng rất khó đối phó.

Ngay năm 2009, trong công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ, Trung Quốc đính kèm bản đồ có đường lưỡi bò 9 đoạn, nhưng cũng không hề có gì cụ thể hơn, nghĩa là vẫn rất mơ hồ, mập mờ.

Tướng Daniel Schaeffer chỉ ra ý đồ của Trung Quốc: "Trong điều kiện như vậy, có thể hiểu rằng, đó là đường xác định phạm vi lãnh hải mà toàn bộ phía trong là của Trung Quốc".

Sâu xa hơn, vị tướng người Pháp có thời gian dài ở Trung Quốc và gặp gỡ nhiều giới trên đất nước này, phát hiện ra rằng, không phải Trung Quốc thực sự tin rằng đường lưỡi bò là của họ.

Ông viết trên tạp chí Diplomat (Nhật Bản): "Tôi đã nghe nhiều phát biểu rất lạ rằng, đường lưỡi bò không phải do thể chế nhà nước CHND Trung Hoa tạo ra, mà là sự kế thừa của thể chế dân tộc chủ nghĩa trước đây. Nên dù muốn hay không cũng không thể buông ra. Bởi không một thể chế nào muốn mang tiếng là "không yêu nước" nếu không đoạt được trên 2 triệu km2 đường lưỡi bò trên Biển Đông".

Tướng Daniel Schaeffer cho biết, có thể tạm chia thành 2 "trường phái" về đường lưỡi bò ở Trung Quốc. Trường phái thứ nhất là "tôn trọng pháp lý" mà đại diện là giáo sư Lihai, người được bổ nhiệm làm Thẩm phán tòa án quốc tế về luật biển tháng 8/1996. Trường phái thứ hai được gọi là "truyền thống" được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ.

Trường phái "tôn trọng pháp lý" là khuynh hướng tiến bộ ở Trung Quốc đã nhận được những sự ủng hộ từ giới nghiên cứu và giới trí thức trẻ nước này. Điều này thể hiện rõ nhất trên các diễn đàn xã hội như Sina.com và các blog khá phổ biến khác.

Theo chuyên gia Daniel Schaeffer, giáo sư Lihai sau khi trở thành Thẩm phán tòa án quốc tế về Luật Biển đã đóng góp rất lớn cho khuynh hướng phủ định chủ quyền của Trung Quốc về đường lưỡi bò.

Năm 2000, ông đã đột tử khi chưa kết thúc nhiệm kỳ. Song không vì thế mà khuynh hướng "tôn trọng pháp lý" bị giảm đi. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tỏ thái độ không bằng lòng và gây khó khăn như đóng cửa nhiều blog nhưng vẫn không dập tắt được "những tiếng nói của lý trí".

* Giáo sư Tiến Lực, Phó Chủ nhiệm phòng chiến lược quốc tế thuộc Sở Kinh tế chính trị thế giới của Viện khoa học xã hội Trung Quốc cũng có quan điểm khác xa với quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về Biển Đông. Ông đã gửi tài liệu nghiên cứu đăng trên tờ Đại Công báo ở Hồng Kông.

Trong bài viết trên, giáo sư Tiến Lực cho rằng, tranh chấp trên Biển Đông đã phát triển lên tới mức độ làm tổn hại đến lợi ích các bên, nên rất cần sự tham gia và nỗ lực của các bên để thay đổi xu thế này. Quan điểm của ông chính là quan điểm của các nước ASEAN liên quan đến Biển Đông và được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới.

* Trên báo South China Morning ngày 26/6/2014, Giáo sư Lý Vĩnh Long, Trường Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) lại mạnh mẽ và thẳng thắn hơn: "Việc từ bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, làm cho các cuộc đàm phán khách quan và tin cậy hơn và xây dựng lại hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy hơn với láng giềng và quốc tế".

Ông tiên đoán rằng, dù Chính phủ Trung Quốc cứ mải lao theo đường lưỡi bò, nhưng cuối cùng thì cái hoang đường không thể tồn tại lâu hơn để bắt đất nước Trung Quốc làm tù binh cho các hoang đường huyễn hoặc ấy mãi!

* Ngày 27/6, học giả Lưu Tiểu Tinh cho đăng trên trang cá nhân của ông bài viết mang tên “Trò trẻ con: Đường 9 đoạn đột nhiên biến thành đường 10 đoạn”, phê phán việc Nhà xuất bản Địa đồ tỉnh Hồ Nam cho xuất bản 2 tấm bản đồ hành chính và địa hình Trung Quốc khổ dọc, lần đầu tiên thể hiện các đảo ở Biển Đông cùng tỷ lệ thay vì một bản phóng to ở góc dưới như các bản đồ khổ ngang trước đây.

Lưu Tiểu Tinh viết: “Trong bản đồ Trung Quốc khổ dọc mới xuất bản, “Đường 9 đoạn” truyền thống ở Nam Hải (Biển Đông) bỗng biến thành “Đường 10 đoạn”. Đó là trò gì vậy? Hiện nay đường 9 đoạn còn đang bị cộng đồng quốc tế tranh cãi, bác bỏ, còn chưa đứng vững được, nay lại vẽ thêm chi tiết thành cái “đường 10 đoạn” chả ra ngô, chả ra khoai, như thế chỉ tổ cho “đường 9 đoạn” càng bị quốc tế dè bỉu thêm!”.

Học giả Lưu Tiểu Tinh viết: “Tôi không biết những người làm cái bản đồ có đường 10 đoạn ấy nghĩ gì? Hay não họ toàn nước chắc? “Đường 9 đoạn” để tranh giành quyền lợi biển ở Nam Hải, thì phải nói rõ cho cả thế giới biết nó rốt cuộc là thứ gì? Căn cứ pháp luật ở đâu? Thế giới yêu cầu, đòi hỏi thế nào cũng không chịu nói, chỉ biết vẽ vời này nọ trên bản đồ thì có tác dụng gì? Thật là một trò cười cho quốc tế!”.

Ngày 30/6, Lưu Tiểu Tinh viết bài “Tuổi thọ của “Đường 9 đoạn” liệu còn được mấy ngày” phê phán thái độ lẩn tránh sự thật và ngoan cố của chính phủ Trung Quốc.

Ông viết: Ngày 5/6/2014, Tòa trọng tài quốc tế La Hay ra thông báo yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải “kháng biện” đơn kiện của Philippines về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa hai nước. Nếu Trung Quốc không trả lời trước ngày 5/12, Tòa sẽ xét xử cho dù Trung Quốc vắng mặt.

Một số chuyên gia và báo chí trong nước tỏ ra coi thường việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế. Những người này cho rằng cho dù Tòa phán quyết Philippines thắng kiện chăng nữa thì cũng chả có hiệu lực pháp luật đối với Trung Quốc. Trung Quốc cứ việc làm theo ý mình, còn người Philippines phải gánh chịu án phí cao ngất, thật là gánh nước bằng sọt, phí công vô ích.

Nhưng, chớ có coi thường vụ này. Hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines dày tới gần 4.000 trang, kết luận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô hiệu lực.

Người Philippines biết rõ dùng quân sự với Trung Quốc không ăn thua, nên họ đã không tiếc tiền mời bằng được luật sư giỏi của Mỹ giúp vụ kiện này.

Đó là Luật sư Paul Rachel, một luật sư luật quốc tế thành tích lẫy lừng, người chuyên giúp các nước nhỏ kiện nước lớn, như giúp Nicaragua kiện Mỹ, giúp Gruzia kiện Nga, Maurice kiện Anh, Bangladesh kiện Ấn Độ. Nổi nhất là vụ ông giúp Nicaragua thắng kiện Mỹ giúp phiến quân Contra chống lại Chính phủ cánh tả Sandinist.

Trong 3 vấn đề mà vị cố vấn này giúp Philippines kiện Trung Quốc, trọng tâm là tính hợp pháp của cái gọi là đường 9 đoạn.

Học giả Lưu Tiểu Tinh cho rằng, một khi Tòa ra phán quyết Đường 9 đoạn vô hiệu lực, Trung Quốc không chấp nhận, nhưng cộng đồng quốc tế thừa nhận, các nước láng giềng ven Biển Đông thừa nhận.

Khi đó Trung Quốc thật khó xử, sao có thể đưa một thứ bị cả thế giới cho là vô hiệu ra (Đường 9 đoạn) để tranh giành quyền lợi với nước khác? Rõ ràng, hiệu lực pháp luật của Đường 9 đoạn đã bị vô hiệu bởi phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế La Hay.

Lưu Tiểu Tinh cho rằng, để khỏi lâm vào tình cảnh khốn đốn, việc Trung Quốc cần làm ngay là nói rõ hàm nghĩa pháp luật của Đường 9 đoạn, nói rõ cho cả thế giới biết nó có quyền lợi lịch sử gì và quyền lợi của Trung Quốc với vùng biển này là gì. Đợi đến khi Tòa đã phán quyết thì muốn làm gì cũng đã muộn.

Bài viết của Lưu Tiểu Tinh đã được giới luật sư Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhiều người đã đăng lại trên các trang blog cá nhân.

Lưu Tiểu Tinh là một học giả có nhiều bài viết có quan điểm ngược chiều với chính quyền về vấn đề biển. Các bài viết của ông đăng trên trang mạng http://kejilfkejilf.blog.163.com/ thường được nhiều trang mạng khác đăng lại.

* Uất Chí Vinh, nguyên Tổng đội phó Hải giám Đông Hải, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc. Là người có quan điểm khá tương đồng với chính quyền, nhưng ông cũng phải thừa nhận một thực tế là chủ trương của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là “đường 9 đoạn” không có cơ sở chắc chắn, không được giới học thuật đồng tình, ủng hộ và là nguyên nhân gây nên tranh chấp trên biển với các nước láng giềng.

Trong bài viết đăng trên tạp chí quốc tế Glocal Reporter ngày 1/7/2014 và được đăng tải khá rộng rãi trên các trang mạng Trung Quốc, Uất Chí Vinh viết: “Ngay giới học thuật Trung Quốc cũng tranh cãi liên miên, không nhất trí được với nhau về cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng vẽ đường 9 đoạn đến tận ngõ nhà người ta, không phù hợp tình hình thực tế, cần vứt bỏ đòi hỏi này. Loại thứ hai cho rằng, nếu chủ trương phân giới theo Đường 9 đoạn thì Trung Quốc cần rút khỏi Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Loại ý kiến thứ ba, cho rằng Đường 9 đoạn chỉ là thể hiện vấn đề quy thuộc các đảo, còn vùng biển thì phải phân định theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm