1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhiều nước ngưng dự án của Trung Quốc: Cân nhắc được - mất

Ngưng dự án bất động sản 1,5 tỷ USD, Sri Lanka vừa nối dài thêm danh sách các quốc gia ngưng dự án của Trung Quốc trong thời gian qua.

Liên tiếp ngưng dự án

Bất chấp có thể châm ngòi tranh cãi ngoại giao giữa hai nước, Chính phủ Sri Lanka đang xem xét xử phạt Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) vì các cáo buộc vi phạm luật pháp và gây tổn hại môi trường.

Dự án đang bị điều tra là dự án phát triển thành phố cảng Colombo với thiết kế có các trung tâm mua sắm, khu thể thao dưới nước, sân golf, khách sạn, căn hộ và bến du thuyền.
 
Sri Lanka quyết định ngưng dự án 1,5 tỉ đô của Trung Quốc

Sri Lanka quyết định ngưng dự án 1,5 tỉ đô của Trung Quốc

Bộ trưởng Xúc tiến Đầu tư Kabeer Hashim cho biết Ủy ban Đầu tư (BOI) hồi tháng 2 đã yêu cầu công ty Trung Quốc tạm ngưng dự án cho đến khi cuộc điều tra được hoàn tất. Ông Hashim khẳng định nếu công ty Trung Quốc không ngừng thi công ngay lập tức, chính quyền Sri Lanka sẽ có hành động pháp lý để buộc họ phải dừng tay.

Trong khi đó, một người thuộc CCCC tiết lộ: “Chính quyền đã thực hiện một số đề xuất trong quá trình xem xét lại nhưng đã không đề cập đến việc hủy dự án”.

Đây là một tin xấu đối với Trung Quốc bởi một số quốc gia khác cũng đã ra quyết định ngừng dự án của Trung Quốc.

Gần đây nhất, ngày 24/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố công trình xây dựng  đập thủy điện Stung Cheay Areng ở vùng tây nam nước này sẽ bị hoãn ít nhất đến năm 2018 vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường.

Trước đó, Trung Quốc đã ký thỏa thuận tài trợ cho Campuchia xây dựng một loạt đập thủy điện lớn, trong đó có dự án xây đập Hạ Sê San số 2 trị giá 800 triệu USD trên sông Sê San, một nhánh chính của sông Mekong.

Cũng trong tháng 2/2015, Bộ trưởng Năng lượng Philippines tuyên bố sẽ ngừng dự án Trung Quốc tham gia vận hành kinh doanh mạng lưới điện quốc gia của nước này do nguyên nhân an ninh quốc gia. Các kỹ sư Trung Quốc hiện đang làm việc tại mạng lưới điện quốc gia Philippines sẽ phải về nước. Hiện Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc vẫn sở hữu 40% cổ phần lưới điện quốc gia Philippines.

Tại Việt Nam, tháng 11 năm ngoái, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chính thức quyết định dừng triển khai xây dựng Dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế, do nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng tại mũi Cửa Khẻm, trên đỉnh đèo Hải Vân.

Cũng trong tháng 11/2014, Mexico đột ngột rút lại một thỏa thuận trị giá 4,3 tỷ USD mà nước này đã trao cho một liên doanh do Trung Quốc đứng đầu nhằm xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại quốc gia Nam Mỹ.

Mất nhiều hơn được?

Hiện tượng nhiều dự án Trung Quốc bị ngưng trong một thời gian ngắn chỉ là sự ngẫu nhiên, tuy nhiên, có lẽ các quốc gia đã cân nhắc kỹ giữa cái được và cái mất, lợi nhuận và rủi ro trước khi đưa ra quyết định.

Đơn cử, đối với dự án đập thuỷ điện Stung Cheay Areng của Campuchia, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các nhà môi trường. Họ cho rằng con đập này sẽ hủy hoại môi trường sống của nhiều loài sinh vật tại một trong những khu vực hoang dã lớn nhất Đông Nam Á, trong đó có loài cá sấu Siamese đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Trao đổi với Đất Việt về động thái này của Campuchia, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: "Tôi không nghĩ rằng chính phủ và người dân Campuchia sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn khi xây dựng 2 con đập Stung Cheay Areng và Sambor.

Mặc dù đất nước Chùa Tháp không có nhiều tài nguyên hóa thạch và ít có tiềm năng thủy điện ở chi lưu Mekong, nên 2 con đập này, với công suất lắp đặt dự kiến khoảng 3.780 MW, nếu được xây dựng sẽ có ý nghĩa quan trọng, bổ sung một phần nguồn năng lượng cho quốc gia này.

Nhưng theo các tài liệu nghiên cứu và đánh giá của Nhóm chuyên gia Mekong thuộc mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thì phần lớn lợi ích đó là phần tiền thu được của nhà đầu tư.

Campuchia không tự xây đập mà phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, theo thông tin là nhà đầu tư Trung Quốc. Campuchia sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi 1,6 triệu người sống phụ thuộc vào nghề khai thác cá tự nhiên sông Mekong bị mất sinh kế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường khác".

"Nếu Campuchia đắp 2 đập, thì sẽ khó phản đối việc Trung Quốc đã và đang xây 8 con đập lớn trên thượng nguồn, kéo theo việc Lào cũng sẽ đắp 10 con đập của họ và làm thay đổi tiêu cực toàn bộ dòng Mekong. Sự thay đổi này là vĩnh viễn và không thể khắc phục được.

“Hiệu ứngdomino”về suy thoái, rủi ro môi trường từ 12 con đập sẽ tác động lớn nhất ở Campuchia và Việt Nam là phần hạ lưu. Nông nghiệp, thủy sản và an ninh lương thực của Campuchia cũng như ĐBSCL sẽ suy giảm, chưa kể những “mất mát” khác về chính trị, ngoại giao trong khu vực và trên trường quốc tế mà Campuchia sẽ phải gánh chịu", ông Hiệp phân tích.

Hay với dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế của nhà đầu tư Trung Quốc tại mũi Cửa Khẻm, trên đỉnh đèo Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Chính quyền TP. Đà Nẵng, Quân khu 5 cũng như các tướng lĩnh và dư luận không đồng tình với dự án bởi khu vực đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ một được Chính phủ quy định nên nhất định không bố trí dự án có yếu tố nước ngoài do không đảm bảo an ninh quốc phòng.

Còn việc Philippines chấm dứt để Trung Quốc tham gia về mặt kỹ thuật vào dự án đường điện của nước này, nguyên nhân một phần bắt nguồn từ tranh chấp trên Biển Đông, như quan chức Philippines thừa nhận. Tuy nhiên, hơn hết, như Thượng nghị sĩ Miriam Defensor Santiago cảnh báo, một ngành công nghiệp quan trọng và chiến lược như ngành điện Philippines đã bị ảnh hưởng bởi “virus an ninh quốc gia” – ý nhắc tới 40% cổ phần của phía Trung Quốc.
 
Theo An Nhiên
Đất Việt