1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật thông qua dự luật cải cách bưu điện

Với tỷ lệ phiếu ủng hộ là 134/100, Thượng viện Nhật đã nhất trí với kế hoạch tư nhân hóa ngành bưu điện, được cho là cơ quan tài chính lớn nhất thế giới, của Thủ tướng Koizumi.

"Đây quả là một điều kỳ diệu trong thế giới chính trị", Koizumi vui mừng phát biểu. "Chúng ta phải nhanh chóng thúc đẩy cải cách".

Theo kế hoạch, bước đầu tiên trong tư nhân hóa hệ thống bưu điện có số vốn lên tới 3 nghìn tỷ đôla là việc xác lập một công ty mẹ, kiểm soát toàn bộ hệ thống bưu điện bao gồm các đơn vị tiết kiệm, bảo hiểm, dịch vụ bưu chính và đơn vị điều hành nhân sự. Đến năm 2007, từng phần của hệ thống này sẽ được bán đi.

Việc tư nhân hóa bưu điện đã là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm ở Nhật do nhiều trong số 24.700 chi nhánh của hệ thống này đặt tại vùng nông thôn hẻo lánh. Người dân nông thôn lo ngại rằng một khi bưu điện bị tư nhân hóa, họ sẽ mất đi các dịch vụ tiện ích trong khi người già đã quá quen với việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng của bưu điện. Tư nhân hóa cũng khiến 260.000 nhân viên trong ngành có nguy cơ mất việc. Tuy nhiên, Koizumi, nung nấu kế hoạch này từ năm 1979, cho rằng tư nhân hóa bưu điện sẽ thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa toàn bộ nền kinh tế Nhật.

Trước đó, nhiều thành viên trong nội bộ đảng của Koizumi đã phản đối kế hoạch, trọng tâm trong sách lược cải tổ kinh tế của thủ tướng. Sự việc khiến ông quyết định giải tán Hạ viện, kêu gọi bầu cử sớm, trong đó, ông giành thắng lợi lớn. Sau chiến thắng, Koizumi đã thay những nhân vật phản đối trong đảng bằng những người ủng hộ ông.

Dự luật tư nhân hóa bưu điện là trọng tâm trong kế hoạch cải cách kinh tế của Koizumi. Việc nó được thông qua khiến Koizumi hy vọng sẽ thực hiện cải tổ thêm nhiều ngành khác bao gồm hệ thống y tế vốn bị than phiền về những thủ tục rườm rà, quan liêu và ngày càng chịu áp lực lớn vì dân số già đi.

Theo Hải Ninh

Vnexpress/BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm