1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật tăng chi tiêu quân sự “đối phó” với Trung Quốc

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong hơn một thập niên, Nhật sẽ tăng chi tiêu quân sự cho năm 2013, trong bối cảnh căng thẳng trên Hoa Đông giữa nước này với Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 
Nhật tăng chi tiêu quân sự “đối phó” với Trung Quốc

 

Theo một quan chức đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP), lực lượng phòng vệ Nhật đã quyết định tăng yêu cầu cho ngân sách trong năm nay lên hơn 100 tỷ Yên (1,15 tỷ USD) để đối phó với một Bắc Kinh ngày càng cứng rắn.

 

Mặc dù con số khá nhỏ này chỉ mang tính tượng trưng, nhưng nó phản ánh lo lắng của người Nhật ở khu vực đang ngày càng trở nên căng thẳng, thù địch này, nơi Trung Quốc được xem là đang ngày càng một phô trương thanh thế.

 

“Chúng tôi đã quyết định, khoản ngân sách thêm sẽ được dùng để nghiên cứu một hệ thống radar mới cũng như cho các chi phí nhiên liệu và các chi phí bảo dưỡng khác cho máy bay cảnh báo sớm”, quan chức trên cho hay.

 

Tin tức trên được phát đi trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Nhật triệu đại sứ Trung Quốc lên để phản đối việc Trung Quốc cho triển khai 4 tàu vào khu vực quanh quần đảo Senkaku do Nhật quản lý song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

 

Đây là lần triệu đại sứ đầu tiên dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe và phản ánh đường lối cứng rắn mà ông đã thúc đẩy đối với Trung Quốc trong khi vận động tranh cử vào tháng 12 vừa qua. Nó cũng diễn ra vào thời điểm khu vực chưa bình lặng trở lại sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa  ngang qua các quần đảo miền nam Nhật vào tháng trước và đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo.

 

Binh sỹ Nhật bị “trói buộc” bởi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình áp dụng sau Thế chiến II, kìm hãm khả năng dùng quyền lực hay phát động một cuộc chiến của Nhật.

 

Tuy nhiên giới bình luận cho rằng lực lượng phòng vệ Nhật là lực lượng hiện đại, được trang bị tối tân và được hỗ trợ tốt về tài chính.

 

Trong cuộc chạy đua hồi tháng trước, LDP đã cam kết tăng thêm số quân nhân trong Lực lượng tự vệ cũng như cải thiện thêm thiết bị và ngân sách.

 

Mức tăng dự kiến được đưa ra sau khi Nhật 10 năm liền cắt giảm chi tiêu để đối phó với khoản nợ công khổng lồ.

 

Ngân sách quốc phòng ban đầu cho năm tài khóa 2012, kết thúc vào tháng 3, rơi vào 4,65 nghìn tỷ Yên, tương tự như con số kỷ lục năm 2002, 4,94 nghìn tỷ Yên.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera cho hay chính phủ của ông Abe sẽ xem xét lại chương trình phòng thủ cơ bản dài hạn của Nhật. Dự án đã được phê chuẩn năm 2012, dưới thời của Đảng dân chủ Nhật Bản (DPJ).

 

Mặt khác, ông Abe cũng cam kết thúc đẩy quan hệ với đồng minh lớn Mỹ và các nền dân chủ khác trong khu vực gồm Australia, Ấn Độ nhằm cân bằng trước sức mạnh tăng lên của cường quốc kinh tế và quân sự Trung Quốc.

 

Mỹ đồn trú khoảng 47.000 lính Mỹ ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Thế chiến II, sau khi Nhật bị tước bỏ quyền duy trì một đội quân đúng nghĩa. Liên minh này thường nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới lãnh đạo Nhật, nhưng thường xuyên rơi vào căng thẳng với người dân ở các khu vực Mỹ đóng quân, đặc biệt là ở chuỗi đảo Okinawa.

 

Động thái tăng chi tiêu quân sự này chắc chắn nhận được sự ủng hộ ở Washington, vốn đã kêu gọi Tokyo gánh vác thêm trọng trách an ninh khu vực.

 

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực củng cố quân sự nào của Nhật cũng thường bị các nước là nạn nhân của phát xít Nhật trước kia, như Trung Quốc, hai miền Triều Tiên, nghi ngại. Trong nước, chính sách theo chủ nghĩa hòa bình được ủng hộ rộng rãi và các cử tri thường nghi ngờ động thái trên có thể được hiểu là tái trang bị vũ khí.

 

Vũ Quý

Theo AFP