1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật tạm triệu đại sứ tại Nga về nước

(Dân trí) - Nhật hôm nay cho biết sẽ tạm thời triệu hồi đại sứ của mình ở Mátxcơva về nước để nghe giải thích đối với tranh cãi xung quanh đảo tranh chấp đang làm ảnh hưởng mối quan hệ với Nga.

 
Nhật tạm triệu đại sứ tại Nga về nước - 1

Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara cho biết ông muốn biết thông tin từ đại sứ tại Mátxcơva, sau chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới một trong các đảo thuộc quần đảo Kuril vào hôm thứ hai vừa qua. Tokyo đã lên án chuyến thăm này là “vô cùng đáng tiếc”.

 

“Tôi đã quyết định tạm triệu hồi đại sứ tại Nga Kono về nước”, ông Maehara nói với các phóng viên.

 

Quần đảo Kuril, nằm ở phía bắc đảo Hokkaido, Nhật Bản, do Mátxcơva kiểm soát kể từ khi quân đội Liên Xô cai quản quần đảo vào cuối Thế chiến II. Tuy nhiên, Tokyo tuyên bố chủ quyền đối với 4 hòn đảo ở cực nam. Đây cũng là trở ngại chính đối với mối quan hệ giữa Nga – Nhật, khiến hai nước không ký được hiệp ước hòa bình khi Thế chiến II kết thúc.

 

Hôm nay, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ở ngoài cuộc tranh cãi của họ với Nhật và khẳng định đây chỉ là vấn đề song phương.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã phải đối đầu với vấn đề nhức nhối mới khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua tới thăm một trong 4 hòn đảo cả Nga và Nhật đều tuyên bố chủ quyền. Vụ việc khiến áp lực đối với ông Naoto Kan tăng thêm, do ông đã phải đối mặt với một quốc hội đang chia rẽ, nền kinh tế yếu ớt ở trong nước và đặc biệt là vụ tranh cãi đảo tương tự với Bắc Kinh.

  

Tuy nhiên lãnh đạo Nga – Nhật sẽ vẫn có cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 13-14 tới, người phát ngôn cấp cao của Nhật sáng nay cho hay. Bên cạnh đó, người phát ngôn cũng cho biết Tokyo đang xem xét các biện pháp đưa ra tiếp theo, sau khi đã ra phản đối đối với chuyến thăm đảo tranh chấp của Tổng thống Nga vào hôm thứ hai vừa qua.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho rằng phản ứng của Nhật là “không thể chấp nhận được”. Song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley lại đứng về phía Nhật.

 

“Chúng tôi chắc chắn ủng hộ Nhật về Lãnh thổ miền bắc. Đây là lý do vì sao suốt nhiều năm qua Mỹ khuyến khích Nhật, Nga đàm phán một hiệp ước hòa bình thực sự liên quan đến những vấn đề này cùng các vấn đề khác”, người phát ngôn cho hay.

 

 

Phan Anh
Theo Reuters, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm