1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật muốn Mỹ đảm bảo về hỗ trợ giữ đảo

(Dân trí) - Chính phủ Nhật muốn tìm kiếm những đảm bảo cụ thể về sự trợ giúp của Mỹ đối với việc bảo vệ các đảo xa, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang tranh chấp với Trung Quốc.

Một máy bay không người lái của không quân Mỹ. (Ảnh minh họa)
Một máy bay không người lái của không quân Mỹ. (Ảnh minh họa)
 
Cùng với việc Nhật quyết định tăng cường vai trò của quân đội, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe giờ đây muốn yêu cầu các đảm bảo cụ thể hơn về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong việc bảo vệ các đảo hẻo lánh, giữa lúc hai nước xem xét lại hiệp ước quốc phòng song phương.

Mỹ và Nhật đã khởi động tiến trình xem xét lại các đường lối cho hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Thỏa thuận được sửa đổi dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm nay.

Đối với Tokyo, đây là giai đoạn kế tiếp trong một quá trình nhằm xem xét lại một cách triệt để vai trò của quân đội. Động thái diễn ra sau khi chính quyền Abe nhất trí về quyền phòng vệ tập thể.

Các thay đổi trên cũng diễn ra cùng thời điểm với việc chính phủ Nhật nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ quân sự tiên tiến.

Washington đã hoanh nghênh quyết định của Tokyo nhằm mở rộng vai trò của các lực lượng vũ trang. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gần đây đã nói với người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera rằng Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ quyết định lịch sử” của ông Abe.

Chính quyền Abe muốn biến những lời nói trên thành sự ủng hộ đáng tin cậy của Mỹ đối với quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tokyo. Và mặc dù “các đảo hẻo lánh” không được nhắc tên cụ thể, nhưng không mấy nghi ngờ khi nói rằng Tokyo đang tìm kiếm thêm sự hỗ trợ của Mỹ cho các tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.

“Mỹ đã cung cấp các thông tin tương đối chi tiết về các hoạt động mà thỏa thuận an ninh song phương sẽ được áp dụng, nhưng tôi đoán rằng ông Abe sẽ tìm kiếm sự trợ giúp cụ thể đối với các hoạt động ở “vùng xám” (vùng tranh chấp chủ quyền)", ông Jun Okumura, từ Học viện Meiji về các vấn đề toàn cầu, nhận định.

“Khi chúng ta nhìn vào cách Trung Quốc cư xử đối với Việt Nam - làm mọi điều trong khả năng có thể để biến các hành động hàng hải thành một chiến dịch dân sự, các bạn có thể hiểu tại sao Tokyo lại lo ngại về các vùng xám này”, ông Okumura nói thêm.

Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật được nhất trí lần đầu tiên vào năm 1978 và được sửa đổi vào 1997 để xem xét mối đe dọa từ Triều Tiên.

Ông Okumura tin rằng việc sử đổi hiệp ước sẽ có lợi cho cả Tokyo và Washington, do Nhật đang cố gắng bình thường hóa quân đội sau 70 năm kể từ khi kết thúc Thế chiến II và Mỹ tiếp tục chiến lược “tái cân bằng” lực lượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Mỹ dường như nhìn thấy các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh nước này và rất muốn các đồng minh đóng vai trò lớn hơn trong khu vực”, ông Okumura nói.

An Bình
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm