1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật lộ kế hoạch áp đảo Trung Quốc tại các đảo tranh chấp

(Dân trí) - Các nguồn tin quân sự và chính phủ Nhật mới đây đã hé lộ kế hoạch tăng cường mạnh mẽ lực lượng quân sự quanh các khu vực biển, đảo tranh chấp, để áp đảo hải quân Trung Quốc.

Mục tiêu của Tokyo trong chiến lược này đó là xoay chuyển cục diện của hải quân Trung Quốc, và khiến họ không bao giờ có thể làm chủ khu vực Tây Thái Bình Dương, các quan chức quân đội và chính phủ Nhật tiết lộ với báo giới Mỹ.

Lực lượng phòng vệ của Nhật tại các đảo trên biển Hoa Đông sẽ tăng lên gần 10.000 người trong 5 năm tới (Ảnh: AP)
Lực lượng phòng vệ của Nhật tại các đảo trên biển Hoa Đông sẽ tăng lên gần 10.000 người trong 5 năm tới (Ảnh: AP)

Thời gian qua, Mỹ đã hối thúc Nhật từ bỏ chính sách phòng vệ ra đời từ nhiều thập niên trước, vốn chỉ tập trung bảo vệ các đảo gần, để hoạch định sức mạnh quân sự ra châu Á. Washington muốn các đồng minh của mình tại châu Á, đặc biệt là Nhật, phải giúp kiềm chế sức mạnh quân sự ngày một lớn của Trung Quốc.

Đáp lại, Tokyo đang triển khai một loạt tên lửa chống hạm và phòng không dọc theo 200 hòn đảo trên biển Hoa Đông, kéo dài 1400km từ đại lục tới gần Đài Loan.

Nhiều cuộc phỏng vấn với các nhà hoạch định kế hoạch quân sự và lập pháp Nhật mới đây đã hé lộ mục tiêu lớn hơn của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có chiến lược giữ thế áp đảo trên biển và trên không quanh các đảo xa.

Mặc dù các hoạt động triển khai khí tài này không có gì bí mật, đây là lần đầu tiên các quan chức Tokyo khẳng định kế hoạch này nhằm kiềm chế Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra đây còn là một phần trong học thuyết của Nhật về “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực”, còn gọi là “A2/AD”, vốn cũng chính là biện pháp Trung Quốc đang sử dụng để đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi khu vực.

Các tàu Trung Quốc khi di chuyển từ các cảng ở phía đông nước này sẽ phải đi xuyên qua tầng lớp các tên lửa của Nhật trước khi ra được Tây Thái Bình Dương. Việc tiếp cận khu vực này có ý nghĩa sống còn với Bắc Kinh, do đây vừa là tuyến tiếp tế cho các vùng biển khác trên thế giới, đồng thời cũng là cung đường phải đi qua để hoạch định sức mạnh hải quân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu lớn trong phát triển một lực lượng hải quân “biển xanh” có thể bảo vệ các lợi ích toàn cầu ngày một tăng của đất nước. Chắc chắn rằng không ai có thể ngăn chiến hạm Trung Quốc đi lại theo luật pháp quốc tế, nhưng họ sẽ phải làm việc đó trong tầm ngắm của tên lửa Nhật, các quan chức giấu tên bình luận với Reuters.

Ranh giới ảnh hưởng

Giữa lúc Bắc Kinh không ngừng gia tăng kiểm soát tại Biển Đông, với nhiều căn cứ gần hoàn tất trên các đảo nhân tạo, chuỗi đảo kéo dài từ vùng biển Hoa Đông của Nhật về phía nam tới Philippines có thể trở thành biên giới phân chia phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc. Các nhà hoạch định quân sự gọi đây là “chuỗi đảo thứ nhất”.

“Trong vòng 5-6 năm tới, chuỗi đảo thứ nhất sẽ có vai trò quyết định trong cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ - Nhật”, cựu Bộ trưởng quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto bình luận. Ông Morimoto hiện là cố vấn cho Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani.

Một chiến hạm Mỹ cuối tháng 10 vừa qua đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông. Dù vậy Bắc Kinh có lẽ đã tạo ra “hiện trạng mới trên thực địa”, để giành quyền kiểm soát quân sự tại Biển Đông, một số chuyên gia và quan chức phân tích.

“Chúng ta có thể trì hoãn sự việc không thể tránh khỏi này, nhưng con tàu đã rời sân ga từ cách đây khá lâu”, một nguồn tin quân sự cấp cao của Mỹ tại châu Á bình luận.

“Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc đó là bá quyền tại Biển Đông, độc chiếm biển Hoa Đông”, Kevin Maher, cựu chánh văn phòng Nhật Bản, Bộ ngoại giao Mỹ nhận định. “Việc tìm cách khuyên giải người Trung Quốc chỉ càng khiến họ hành động hiếu chiến hơn”.

Toshi Yoshihara, giáo sư đại học chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng Tokyo có thể giữ vai trò quan trọng trong việc hạn chế không gian bành trướng của Trung Quốc thông qua biển Hoa Đông để ra Tây Thái Bình Dương. Nhật có thể giúp Mỹ tăng cường thực thi tự do hàng hải, cho họ có thêm thời gian phản ứng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.

“Chúng ta có thể nói rằng Nhật đang xoay chuyển cục diện đối với Trung Quốc”, Yoshihara nói.

Phó đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ xem động thái tăng cường lực lượng của Nhật tại biển Hoa Đông như một sự bổ sung cho chiến lược rộng hơn của Mỹ.

“Quá trình lập kế hoạch của Mỹ tại bất kỳ sân khấu nào đều tính tới năng lực và lực lượng của các đồng minh cũng như đối thủ tiềm tàng”, Aucoin phát biểu trên Reuters. “Mỹ lập kế hoạch với mục tiêu cuối cùng là duy trì hòa bình và ổn định không chỉ cho Nhật mà cho cả khu vực”.

Trong 5 năm tới, Nhật sẽ tăng quân số trên các đảo tại biển Hoa Đông thêm 20%, lên gần 10.000 quân. Lực lượng này, với trách nhiệm vận hành các hệ thống tên lửa và trạm radar, sẽ được hậu thuẫn bởi các đơn vị lính thủy đánh bộ từ đại lục, các tàu ngầm tàng hình, chiến đấu cơ F-35, tàu đổ bộ cùng các tàu sân bay. Hạm đội 7 của Mỹ, đóng tại Yokosuka cũng sẽ tham gia hỗ trợ.

Hải quân Nhật và Mỹ sẽ còn hợp tác chặt chẽ hơn sau khi đạo luật an ninh mới của Nhật hợp pháp hóa hoạt động phòng vệ tập thể. Điều đó có nghĩa là Nhật có thể trợ giúp các đồng minh khi họ bị tấn công.

Một thay đổi then chốt, theo ông Maher, đó là quân đội Nhật và Mỹ giờ có thể hoạch định và diễn tập chiến đấu cùng nhau, và tạo thành sức mạnh gấp bội.

Thanh Tùng

Tổng hợp