Nhật ký Mã Yến - Khát vọng sống của thân phận nhỏ bé
Cuốn sách không cốt truyện, không hấp dẫn, không có văn chương nhưng cả châu Âu đã xôn xao vì nó, âm vang ngược trở lại đất nước Trung Hoa mênh mông. Đó là "Nhật ký Mã Yến" - nhật ký của một học sinh tiểu học 13 tuổi.
Trong đất nước Trung Hoa mênh mông, vĩ đại có 1 tỉ 200 triệu dân, có nền văn minh sông Hoàng Hà - Dương Tử chói lòa, một quốc gia đã vào WTO, đã tự phóng tàu vũ trụ, sắp trở thành cường quốc kinh tế thế giới có một khu vực đất đai khô cằn, dân cư thưa thớt là khu tự trị Nội Mông. Trong Nội Mông có huyện Ninh Hạ cũng nghèo tương tự và trong Ninh Hạ có thôn Trương Gia Thụ nhỏ xíu của những người Hoa theo đạo Hồi. Mã Yến, 13 tuổi, sống với bố mẹ và em trai ở đó.
Cũng như cả thôn, nhà Mã Yến sống với thu nhập bình quân đầu người không đến 100 tệ/năm (khoảng 190.000 đồng Việt Nam) luôn có cảm giác đói và rét. Mã Yến có mơ ước giản dị là được nhìn thấy cha mẹ ở nhà vào mùa đông và khao khát cháy bỏng là được đi học.
Tất cả câu chuyện của Mã Yến chỉ xoay quanh chuyện thèm được đi học, muốn được no trong lúc học và mơ tuần sau, tháng sau, năm sau cha mẹ lại tiếp tế đủ đồ ăn và đóng đủ học phí để đi học.
Cô bé viết nhật ký để ghi lại những công việc hàng ngày của mình, những quan sát thầy cô bè bạn, nỗi đau đớn nhục nhã vì đói đến tái xanh cả người mà không vay bạn cùng lớp được một cái bánh bao, niềm nhớ nhung thương xót cha mẹ đến quặn cả ruột khi dưới cái rét 10 độ âm mà cha mẹ vẫn phải lặn lội ngoài hoang mạc để kiếm rau phát thái (facai) về bán cho người giàu ở thành phố ăn cho “cung hỷ phát tài”.
Nhưng bất chấp tất cả, Mã Yến vẫn đến trường. Đó mới chính là bài ca tuyệt vời về khát vọng làm người, về nghị lực sống của những con người nhỏ bé đang bị dí sát đất.
Một phóng viên nước ngoài đến Ninh Hạ tìm hiểu cuộc sống của người dân, cán bộ xã dẫn đi vòng quanh, xem qua loa và nói những lời hoa mỹ về mức sống khá giả tưởng tượng của nhân dân.
Bà mẹ mù chữ của Mã Yến không thể chịu đựng được nữa. Bà vùng lên, chạy về lấy cuốn nhật ký của cô bé ra dúi vào tay người phóng viên: “Sự thật không phải thế. Tôi không biết nó viết gì vì không đọc được nhưng trẻ con thì bao giờ cũng nói thật, hãy đọc rồi sẽ biết”.
Và thế là tất cả bắt đầu: Nhật ký Mã Yến được in và giới thiệu ở Pháp và châu Âu, được biết đến ở Bắc Kinh, trẻ em Pháp mở chiến dịch giúp đỡ Mã Yến, quyên tiền giúp Mã Yến đi học, Mã Yến được sang Pháp, được lên Bắc Kinh. Mã Yến lấy tiền nhuận bút lập quỹ giúp các bạn cùng cảnh. Cuộc đời Mã Yến sang trang. Mẹ Mã Yến đã được đi học để viết thư cho con gái: “Con gái yêu...”
Nhưng vẫn còn hàng chục Mã Yến trong thôn Trương Gia Thụ, hàng ngàn Mã Yến trong huyện Ninh Hạ, hàng triệu Mã Yến ở Trung Quốc và hàng chục triệu Mã Yến trên trái đất này. Bởi vậy mà Mã Yến đã mơ làm phóng viên để đi khắp nơi, phát hiện ra những Mã Yến khác, để giúp các cô bé ấy được tiếp tục sống và mơ ước học hành...
Trích đoạn Nhật ký Mã Yến Thứ ba, ngày 12 tháng 9 năm 2000 Chiều nay tôi và mấy người bạn đi mua quà. Các bạn đều có tiền, ăn hết thức ăn này đến thức ăn khác. Riêng tôi chẳng có cách gì để mua. Một cái bánh bọc đường cũng đến 10 hào: làm sao tôi có thể mua nổi đây? Đột nhiên, qua chuyện này tôi mới biết, mẹ đã bỏ cả việc chữa bệnh của mình để có tiền cho tôi ăn học. Chúng tôi tiêu một lúc hàng hơn chục đồng! Mỗi lần đi chợ mẹ còn cho tôi tiền. Tiền ở đâu ra? Nhất định là mồ hôi nước mắt, là sự cực khổ của mẹ... Thứ tư, ngày 13 tháng 9 năm 2000 Chiều nay tan học về nhà ăn cơm, tôi và em trai đi tìm mẹ. Lúc hai chị em đến nơi thì mẹ đang khám bệnh. Mẹ bảo khám bệnh xong mẹ sẽ mua chút gì đó cho hai đứa ăn. Cả ba chúng tôi ra ăn ở ngoài chợ. Mẹ không ăn, để hai chị em ăn. Tôi thấy rõ là mẹ vừa đói vừa khát. Tôi nghĩ, mẹ đã nhịn đói vì cái bụng và việc học hành của chúng tôi. Tôi phải gắng sức nhiều để học hành, thi vào đại học, tìm được việc làm, để mẹ được no bụng... Thứ năm, ngày 21 tháng 9 năm 2000 Chiều nay tan học, lớp trưởng gọi cả lũ đi ăn cơm ở nhà bếp. Chúng tôi nhận cơm về, nhưng tôi không có rau. Tôi định hỏi xin một ít rau của cô Mã Thế Bình, cô này liền trút cả phần khoai tây vào trong bát cơm của mình rồi trả lời không còn. Tôi bảo: “Hết thì thôi”. Tôi lại hỏi xin rau của bạn Mã Nguyệt Hoa. Bạn này cũng cằn nhằn mấy câu rồi mới cho một ít, nhưng vẫn còn tốt hơn Mã Thế Bình mang tiếng là người họ hàng. Qua đây mới biết, không thể nhờ cậy được người thân. Bởi vì nếu người dưng cho bạn mượn cái gì đó còn là còn muốn lưu lại một chút tình. Còn người thân thì sao? Mặc xác bạn buồn hay không buồn, không cho là không cho, dù thế nào cũng mặc. Tôi đã hiểu ra rằng quan hệ giữa người với người là cái gì, chỉ là thứ quan hệ có đi có lại! Thứ ba ngày 13 tháng 11 năm 2001 Trời quang. Tôi không biết tối qua mẹ tôi ngủ ở đâu, chẳng biết mẹ ngủ yên trên nền đất ẩm hay ở nơi phiến đá ven đường. Tôi chỉ chắc một điều là chắc chắn mẹ không được một đêm ngon giấc. Lúc này là mùa đông, khí trời giá buốt, nhất là lúc nửa đêm. Nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Thế mà mẹ lại còn bị đau dạ dày... Tôi không biết đi kiếm rau phát thái khó khăn đến chừng nào. Có lần tôi đã đi kiếm rau phát thái cùng với bố. Lúc đó là vào dịp hè, khoảng 1 giờ đêm, máy kéo hết sạch dầu. Chúng tôi xuống xe, chúng tôi đành chấp nhận ngủ lại trên một cánh đồng. (...) Tôi nhớ ra bài học từ hồi còn ở tiểu học: "Chú bé đếm sao". Ngày xưa có một chú bé, vào ban đêm, dựa vào người của bà để đếm những vì sao. Bà của chú nói rằng những ngôi sao đếm không hết được đâu. Nhưng chúng bé đáp lại rằng: "Một khi có lòng tin thì ta cũng sẽ đếm được hết". |
Theo Tuổi trẻ