Nhật Hoàng lần đầu thăm lại chiến trường cũ ở nước ngoài
Hôm nay, Nhật hoàng Akihito tới đảo Saipan thăm một đài tưởng niệm những người Nhật chết trong chiến tranh. Đây là lần đầu tiên một hoàng đế nước này tới thăm chiến trường thời Thế chiến II ở ngoài Nhật Bản.
Tổng cộng có khoảng 43.000 binh sĩ Nhật Bản, 12.000 thường dân và 3.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong gần một tháng giao tranh trên đảo Saipan từ 15/6 đến 9/7/1944. Hòn đảo này do Nhật Bản chiếm đóng từ sau Chiến tranh thế giới I (1914-1918).
Chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito tới Saipan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hàn Quốc đang căng thẳng với Nhật Bản xung quanh các vấn đề thời chiến tranh.
Trận chiến tại Saipan thường được mô tả như sự kiện D-Day của Thái Bình Dương và là một chiến thắng quan trọng của quân Mỹ tại chiến trường này trong Chiến tranh thế giới II. (D-Day chỉ ngày đổ bộ của quân Đồng minh Anh-Mỹ lên miền bắc nước Pháp ngày 6/6/1944, một bước ngoặt của cuộc đại chiến).
Việc chiếm được Saipan cho phép các tướng Mỹ đặt căn cứ máy bay ném bom B-29 trên đảo để đi không kích các thành phố lớn của Nhật Bản. Nhưng những chiếc máy bay ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 lại xuất phát từ đảo Tinian, nằm cạnh Saipan.
Trong chuyến thăm tới Saipan, nay thuộc chủ quyền của Mỹ, Nhật hoàng Akihito sẽ viếng một đài tưởng niệm binh sĩ Nhật Bản. Ông bắt đầu chuyến đi đặc biệt này bằng cách tới thăm hai vách đá khét tiếng thời chiến tranh, đó là vách Banzai và vách Tự sát. Đây là những nơi hàng trăm người Nhật Bản nhảy xuống tự vẫn khi thất bại của quân đội Nhật đã trở nên chắc chắn.
Nhật hoàng phát biểu trước khi rời Tokyo cùng Hoàng hậu Michiko: "Thời khắc này cách đây 61 năm, một trận chiến ác liệt đang diễn ra trên hòn đảo. Trái tim chúng ta đau đớn khi nghĩ về những người đã chiến đấu tại nơi mà không có cả lương thực, nước uống và điều trị y tế cho những người bị thương".
Trước đây, Nhật hoàng Akihito từng đến thăm Hàn Quốc và Trung Quốc và ông bày tỏ sự hối tiếc về những hành động của quân đội Nhật trong chiến tranh. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn tránh một lời xin lỗi rõ ràng. Đầu tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi cũng tới viếng đài tưởng niệm chiến tranh tại Iwo Jima, một chiến trường lớn khác trong Thế chiến II.
Theo Đình Chính
Vnexpress/BBC, Reuters