1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật bắt đầu dùng cuốn sách lịch sử gây tranh cãi

Otawara sẽ là thành phố đầu tiên của Nhật đưa cuốn sách giáo khoa lịch sử từng gây ra các đợt biểu tình phản đối dữ dội tại Hàn Quốc và Trung Quốc vào sử dụng cho học sinh lớp 12.

Hội đồng giáo dục Otawara, thành phố nông nghiệp và công nghiệp cách Tokyo khoảng 150 km về phía bắc, hôm qua bỏ phiếu thông qua việc sử dụng cuốn sách lịch sử bị cho là tô hồng quá khứ thực dân của Nhật.

 

"Chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều quan điểm khác nhau về cuốn sách nhưng chúng tôi sử dụng nó vì quan điểm giáo dục", Ryu Onuma, chủ tịch hội đồng giáo dục Otawara cho hay.

 

"Chúng tôi hy vọng rằng các em được trang bị những kiến thức đúng đắn về truyền thống và lịch sử của đất nước mà chúng có thể tự hào và yêu mến nước Nhật", ông nói.

 

Bộ Giáo dục Nhật đồng ý sử dụng cuốn sách giáo khoa này hồi tháng 4. Đây là một trong 8 cuốn được dạy cho học sinh từ 13 đến 15 tuổi trong năm học tới.

 

Quyết định trên của Tokyo đã khiến Bắc Kinh và Seoul triệu đại sứ Nhật và gây ra những cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhiều văn phòng ngoại giao và nhà hàng Nhật đã bị phá.

 

Bắc Kinh cũng tuyên bố kịch liệt phản đối việc Tokyo chạy đua giành ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc.

 

Cuốn sách kể trên chỉ đề cập lướt qua những tội ác của quân đội Nhật ở châu Á trong nửa đầu của thế kỷ 20, không nhắc đến việc nhiều phụ nữ châu Á bị buộc làm nô lệ tình dục và cho rằng vụ thảm sát Nam Kinh là chuyện "tình cờ".

 

Trung Quốc nói rằng 300.000 người đã chết trong vụ thảm sát kể trên còn tài liệu của các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nhật cho rằng con số đó là 140.000.

 

Theo VnExpress/Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm