1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Hoa Đông

Nhật Bản và Philippines tìm đối sách với Trung Quốc

Với những diễn biến trên thực tế cùng tuyên bố của giới chức và giới chuyên môn mấy ngày qua khiến dư luận cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “gây khó chịu” một cách có chọn lọc đối với Philippines, Nhật Bản và những quốc gia đang có tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Bởi Trung Quốc muốn “bẻ từng chiếc đũa” nhằm thực hiện âm mưu độc bá Biển Đông.

Vấn đề này được tờ Asia Times Online (10/6) chỉ rõ khi dẫn lời học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, tiến trình đàm phán COC vẫn dậm chân tại chỗ vì Bắc Kinh tìm cách hoãn binh và né tránh. Thực hư thế nào sẽ được làm rõ trong tháng 8 tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước ASEAN với Trung Quốc. Dư luận hy vọng: COC sẽ được ký tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc trong tháng 10, nhưng với những gì đang diễn ra khiến người ta hoài nghi về kết quả sẽ đạt được.

Philippines “quyết chiến” với Trung Quốc

Ngày 12/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố, Manila sẽ không lùi bước trước bất kỳ thách thức nào nhằm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ. Ông Benigno Aquino cho biết, trong 5 năm tới, Philippines sẽ dành 75 tỉ peso (1,74 tỉ USD) để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Trước đó (11/6), khi trả lời phỏng vấn tờ Inquirer (Philippines), Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nhấn mạnh, Manila rất lo ngại về những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines không thể so sánh với Trung Quốc về sức mạnh quân sự, nên phải dựa vào hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, cùng nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte

Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte

Cũng trong ngày 11/6, nghị sĩ Walden Bello đã dẫn đầu một đoàn biểu tình tới trước lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Makati kêu gọi Bắc Kinh dừng các hoạt động đánh bắt trộm cá trên Biển Đông. Những người kể trên đã kêu gọi Manila phát triển và thực hiện một chính sách quốc phòng toàn diện để bảo vệ vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trước thực tế “nước ngoài đang bành trướng”.

Ngày 10/6, tờ Malaya Business dẫn lời nhà phân tích kỳ cựu Ellen Tordesillas của Philippines rằng, mặc dù Mỹ muốn ngăn chặn thế lực của Trung Quốc, nhưng nước này sẽ không muốn làm kẻ thù của người khổng lồ châu Á - Mỹ không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Philippines và Trung Quốc. Vấn đề này được Giáo sư Benito Lim, chuyên nghiên cứu về chính phủ, chính sách đối ngoại và kinh tế chính trị ở Trường đại học Ateneo de Manila chia sẻ khi kêu gọi Philippines hãy từ bỏ suy nghĩ “dựa vào Mỹ chống Trung Quốc” bởi cường quốc số 1 thế giới sẽ không từ bỏ lợi ích của bản thân để bảo vệ đồng minh. Và để khẳng định sự độc lập của mình, Philippines nên giảm dần sự quá lệ thuộc vào Mỹ và tìm kiếm “những cách thức sáng tạo” để giải quyết các cuộc tranh chấp với Trung Quốc mà không từ bỏ chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ mà Manila khẳng định là của mình.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose L. Cuisia Jr tuyên bố, Manila không muốn đối đầu với Bắc Kinh nhưng sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình nếu tình thế buộc phải như vậy. Ông Jose L. Cuisia Jr đưa ra tuyên bố kể trên khi tới thăm tàu BRP Ramon Alcaraz và thủy thủ đoàn tại Trung tâm huấn luyện thực thi luật pháp liên bang ở Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ hôm 9/6 trước khi tàu này khởi hành về Manila. Việc bàn giao tàu BRP Ramon Alcaraz diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không lắng xuống. Nhân kỷ niệm 30 năm Philippines và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (9-6), Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte cho biết, không nên dừng hoạt động kỷ niệm này chỉ vì tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước - tranh chấp lãnh thổ Manila - Bắc Kinh chỉ là một khía cạnh trong quan hệ song phương.

Tokyo nâng cao cảnh giác với Bắc Kinh

Hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, ngày 11-6, tại hội nghị của đảng Tự do Dân chủ, Bộ Quốc phòng đã trình bày tình huống Nhật Bản bị nước khác tấn công tại các đảo nhỏ, trong khi khả năng răn đe của quân đội không đủ mạnh, do đó cần tăng cường sẵn sàng chiến đấu, cũng như phải xây dựng “Lực lượng đoạt lại đảo nhỏ” và tăng thêm quân số. Đề xuất thúc đẩy khả năng quốc phòng của Nhật Bản để bảo vệ các hòn đảo đang tranh chấp với nước láng giềng của các nghị sĩ Nhật Bản cho rằng, phải trang bị cho lực lượng phòng vệ (SDF) máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ để thành lập lực lượng đổ bộ, đồng thời cho phép Tokyo có quyền tự vệ quốc phòng tập thể. Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, Nhật Bản phải nghiên cứu khả năng phát triển năng lực tấn công quân sự để có thể tấn công các căn cứ của đối phương bởi ông từng muốn sửa đổi hiến pháp để biến SDF thành lực lượng quân sự quốc gia chính quy được trang bị đầy đủ khả năng.

Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho rằng, mặc dù không có vấn đề gì về mặt pháp lý nếu như Nhật Bản có năng lực tấn công căn cứ của kẻ địch, nhưng vẫn cần nhiều cuộc thảo luận khác nhằm giành được sự ủng hộ từ các nước láng giềng. Ngày 11/6, Nhật và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung nhằm luyện tập tái chiếm các đảo xa. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, cuộc tập trận chung nhằm “củng cố khả năng” của lực lượng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên 3 lực lượng của Nhật Bản (khoảng 1.000 binh sĩ của lực lượng bộ binh, hải quân và không quân) cùng tham gia trong một cuộc tập trận trên đất Mỹ. Đây là một phần nội dung của cuộc tập trận chung mang tên “Bình minh chớp nhoáng” diễn ra từ 11 đến 28/6.

Khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) hôm 10/6 (theo giờ địa phương), nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho rằng, Trung Quốc sẽ không tuyên chiến hay tấn công đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư, nhưng Bắc Kinh sẽ tiếp tục chứng tỏ chủ quyền đối với quần đảo này bằng cách gửi tàu chiến và tàu cá đến. Tàu Trung Quốc cũng có thể bắt giữ tàu cá Nhật Bản ở lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư, thậm chí một vài đơn vị nhỏ của Trung Quốc sẽ lên quần đảo này cắm cờ Trung Quốc như cách họ đã làm ở Biển Đông.

Ông Satoshi Morimoto cũng khuyến cáo, hầu hết các nước ASEAN có tranh chấp tại Biển Đông đang đối mặt với mối đe dọa quân sự rất nghiêm trọng từ Trung Quốc. Ngày 10-6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Tokyo và Washington không hề có sự khác biệt về lập trường trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tờ Diplomat của Nhật Bản vừa có bài bình luận về mối quan hệ Trung - Mỹ với tựa đề “Quan hệ Trung - Mỹ không thể tin nhau” và cho rằng: Mỹ và Trung Quốc luôn coi nhau là đối thủ tiềm ẩn, khi cần có thể sẵn sàng giao chiến.

Mỹ ủng hộ ASEAN và Trung Quốc xây dựng COC

Mặc dù Bắc Kinh đứng ra tổ chức hội thảo về quan hệ Trung - Mỹ do Hiệp hội Ngoại giao công cộng Trung Quốc và Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc đồng phối hợp, nhưng ngày 11/6, Thượng viện Mỹ vẫn thông qua nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán biển tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua các biện pháp hòa bình.

Nghị quyết nêu rõ, Thượng viện Mỹ lên án mọi hành động cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm thực thi những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải hoặc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Nghị quyết cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động gây mất ổn định, làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp. Thượng viện Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc ASEAN và Trung Quốc xúc tiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này. Nghị quyết còn kêu gọi quân đội Mỹ duy trì hoạt động tại Tây Thái Bình Dương nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hòa bình, ổn định và sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế.

 

Tàu đổ bộ đệm khí do Ukraine chế tạo

Tàu đổ bộ đệm khí do Ukraine chế tạo

Thượng viện Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng của các thể chế khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á, ASEAN và APEC với vai trò là nền tảng kiến tạo các khuôn khổ trong khu vực để thúc đẩy hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế. Thượng viện Mỹ nhấn mạnh, Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải và hàng không tại các vùng biển thuộc Châu Á - Thái Bình Dương. Nghị quyết nêu rõ nhiều vụ việc nguy hiểm và gây mất ổn định đã xảy ra tại Biển Đông trong những năm gần đây, trong đó có vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu khai thác dầu khí Việt Nam, Trung Quốc phong tỏa khu vực bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham và in bản đồ chính thức, xác định “đường lưỡi bò” là biên giới quốc gia của nước này. Thượng viện Mỹ còn bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa” và thành lập một đơn vị quân sự tại đây. Nghị quyết của Thượng viện Mỹ cũng đề cập tới những tranh chấp trên biển Hoa Đông trong thời gian qua và kêu gọi các bên có biện pháp ngăn ngừa sự cố và giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Giới truyền thông Đài Loan đưa tin, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS đã bày tỏ sự thất vọng sau khi nghe phát biểu của ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La vì toàn những lời sáo rỗng, né tránh các vấn đề an ninh nghiêm túc và đánh mất cơ hội để công khai, minh bạch chính sách của Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế. Bởi Bắc Kinh đã phái tàu chiến tới Biển Đông và biển Hoa Đông với ý đồ thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngày 9/6, tờ Korea Herald dẫn lời học giả Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi cho rằng, Trung Quốc đã ngang nhiên “lật đổ” hiện trạng các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới với Ấn Độ, thậm chí làm thay đổi dòng chảy của các con sông quốc tế mà không tốn một viên đạn. Trung Quốc đã tiến hành một kiểu chiến tranh tàng hình đối với các nước láng giềng ở châu Á đe dọa gây bất ổn cho toàn khu vực.

Trung Quốc luôn tìm cách ngụy biện

“Tồn tại thỏa thuận miệng bí mật giữa Tập Cận Bình và Obama?” là thông tin trên tờ “Tin tức Thế giới” số ra ngày 11/6 và nếu có thỏa thuận này, cả ông Tập Cận Bình và ông Obama đều vui. Cũng trong ngày 11/6, Hãng Kyodo đưa tin, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp hôm 7 và 8/6 ở California rằng, quần đảo Senkaku/Điều Ngư ở biển Hoa Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo giới truyền thông, trong cuộc gặp Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã yêu cầu Mỹ ngưng bán vũ khí cho Đài Loan. Do đó, Đài Loan vừa kêu gọi Mỹ tiếp tục bán vũ khí phòng thủ theo cam kết trước đây.

Giới truyền thông cho biết, ngày 11/6, ông Hà Nho Long, Tham tán kiêm người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại London, Anh đã gửi một bài viết đăng trên tạp chí Financial Times với tiêu đề “Đàm phán song phương là con đường phía trước cho Biển Đông” với những lý luận hết sức phi lý, phi pháp, lố bịch và bóp méo sự thật một cách nghiêm trọng. Lý luận của ông Hà Nho Long là một trò ngụy biện, bịp bợm thô thiển khi cho rằng: “Nếu nghiên cứu sâu vấn đề sẽ thấy rõ ràng Trung Quốc là nạn nhân chứ không phải kẻ gây rối ở biển Đông?!”. Cũng trong ngày 11/6, Tân Hoa xã cho biết, mặc dù tàu Hướng Dương Hồng 9 mang theo tàu lặn có người lái Giao Long có thể gặp sóng cao đến 3m trong 3 ngày tới nhưng điều kiện trên biển sẽ không ảnh hưởng đến hành trình của tàu này tại Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Giao Long chở theo các nhà khoa học và hành trình sẽ kéo dài trong 103 ngày.

Ngày 10/6, tờ Nhân Dân nhật báo có bài viết cho biết, Trung Quốc đã nhận bàn giao tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo. Đây là loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới và Trung Quốc có thể sử dụng tàu này cho tranh chấp Biển Đông. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, việc biên chế tàu đệm khí Zubr có thể tăng cường năng lực phòng thủ biển gần cho Hải quân Trung Quốc và tăng cường mức độ “chấp pháp” trên biển.

Tạp chí Kanwa Defense Review số ra tháng 6 cho rằng, Trung Quốc đã thiết kế lại hoàn toàn phần bên trong của tàu sân bay Liêu Ninh và việc này có thể khiến thân tàu bị biến dạng và mất thăng bằng. Giới chuyên gia Nga nhận định, cho tới nay chưa thể kiểm chứng việc Trung Quốc đã cải tạo thành công tàu sân bay Varyag, vì chất lượng thép sử dụng để chế tạo tàu sân bay Liêu Ninh không giống nhau. Tàu sân bay Liêu Ninh vừa rời cảng và đây là lần đầu tiên tiến hành huấn luyện trên biển kể từ khi thả neo hồi tháng 2.
 

Hội nghị lần thứ 23 các nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đang được tổ chức (từ ngày 10 đến 14/6) tại New York (Mỹ). Tại hội nghị này, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu. Theo đó, trong khi chưa đạt được giải pháp đối với các tranh chấp về lãnh thổ và ranh giới vùng biển, các quốc gia ven biển cần nghiêm túc tuân thủ UNCLOS, trong đó có dàn xếp ổn thỏa cho hoạt động nghề cá, bảo đảm an toàn cho ngư dân, tạo cơ hội khai thác tối ưu nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo tồn môi trường sinh thái biển. Mọi hành động đơn phương như ban hành lệnh cấm đánh cá, cưỡng chế thi hành luật quốc gia tại các khu vực tranh chấp chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp, đi ngược lại mục đích và nguyên tắc của UNCLOS.

 
Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Petrotimes