1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Nhật Bản phải cấp tốc tháo dỡ gần nửa lò phản ứng hạt nhân"

(Dân trí) – Nhật Bản phải nhanh chóng tháo gỡ 24/50 lò phản ứng nguyên tử hiện có trong nước, các nghị sĩ Nhật Bản đưa ra kết luận sau khi nghiên cứu mức độ nguy hiểm của các lò phản ứng hạt nhân tại nước này.

Nhật Bản phải cấp tốc tháo dỡ gần nửa lò phản ứng hạt nhân
Khói bốc lên từ hai lò phản ứng hạt nhân số 5 và 6 của Nhà máy điện Fukushima số 1 sau thảm họa động đất – sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái. 

Một số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của Nhật Bản đã thành lập Nhóm Genpatsu Zero (Không có nhà máy điện hạt nhân) với mục đích tiến hành các cuộc nghiên cứu tổng thể về tác động của các nhà máy điện hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế cũng như an toàn của người dân Nhật Bản.

Theo kết quả nghiên cứu, nhóm nghị sĩ này cho rằng gần một nửa số lò phản ứng hạt nhân hiện nay ở  Nhật Bản đang trong tình trạng “rất nguy hiểm” nên cần phải ngừng hẳn hoạt động để tiến hành tháo gỡ.

“Có tới 24/50 số lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đang trong tình trạng báo động đỏ. Các lò phản ứng này hoặc nằm trên các vết đứt gãy địa chấn, hoặc quá cũ kỹ do sử dụng công nghệ lỗi thời. Một số cơ sở thậm chí còn được đặt ở khu vực dân cư đông đúc nên cần phải được xem xét dỡ bỏ càng sớm càng tốt”,  nghiên cứu kết luận.

Trong số 24 lò phản ứng bị đánh giá là rất nguy hiểm này, các nghị sĩ Nhật Bản đặc biệt lưu ý lò phản ứng số 5 và 6 của Nhà máy điện Fukushima số 1; lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện Fukushima số 2; và 7 lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện Kashiwazaki – Kariwa.

Đây đều là các lò phản ứng chịu ảnh hưởng nặng nề của các vụ động đất. Trong đó, 3 lò phản ứng 4, 5, 6 của chuỗi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã bị hư hại nặng sau trận động đất – sóng thần kinh hoàng tháng 3 năm ngoái. Còn 7 lò phản ứng của Nhà máy Kashiwazaki – Kariwa bị hư hại trong trận động đất năm 2007 ở Niigata.

Điều đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, là các lò phản ứng này vẫn được xếp vào danh sách các lò có khả năng hoạt động trong tương lai trong khi nguy cơ tái xảy ra động đất tại các khu vực này khá lớn.

Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang cho tạm ngừng hoạt động hầu hết các lò phản ứng hạt nhân để tiến hành kiểm tra, sửa chữa và tăng cường độ an toàn sau khi hứng chịu thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ năm 1945.

Đức Vũ