Nhật Bản nhắc nhở Trung Quốc không leo thang căng thẳng ở Hoa Đông
(Dân trí) - Nhật Bản ngày 7/8 tuyên bố sẽ có phản ứng quyết liệt sau khi các tàu Trung Quốc liên tục có hành vi xâm phạm lãnh hải của Tokyo trên biển Hoa Đông, đồng thời nhắc nhở Bắc Kinh không leo thang căng thẳng tại vùng biển này.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 7/8 cho biết nước này sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc không leo thang căng thẳng trên biển Hoa Đông, đồng thời sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn và bình tĩnh đối với các hành vi xâm phạm lãnh hải Nhật Bản của các tàu Trung Quốc.
Phát biểu trước báo giới, ông Suga “tố” 14 tàu của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản trong những ngày gần đây, đồng thời xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tổng cộng 14 lần ở biển Hoa Đông. Cũng theo Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, cho tới sáng nay 8/8, vẫn còn 12 tàu Trung Quốc đang hiện diện trong vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền.
Các động thái xâm phạm lãnh hải Nhật Bản của Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) liên tục leo thang kể từ hôm 5/8 khiến Tokyo liên tục phải đua ra những quan điểm phản đối gay gắt. Chỉ tính riêng trong ngày 7/8, Nhật Bản đã 3 lần lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, cùng với các tàu của chính phủ, khoảng 230 tàu cá Trung Quốc cũng đồng thời xuất hiện trong vùng biển mà Nhật Bản đang tuyên bố chủ quyền. Tokyo đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh sau vụ việc này.
Những vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản bấy lâu nay vẫn luôn căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Cùng với đó, quan hệ hai nước cũng tồn tại một số bất đồng liên quan tới vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, tòa đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông. Mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp tại Biển Đông nhưng Nhật Bản vẫn kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa và cho rằng phán quyết mang tính ràng buộc về pháp lý. Trong khi đó, Bắc Kinh ngay từ đầu đã không thừa nhận phán quyết của tòa và yêu cầu Tokyo dừng việc can thiệp vào vụ việc này.
Thành Đạt
Tổng hợp