Nhật Bản muốn cung cấp radar phòng không cho Thái Lan
(Dân trí) - Nhật Bản đang nỗ lực giành một hợp đồng nhằm cung cấp cho Thái Lan một hệ thống radar phòng không do hãng Mitsubishi chế tạo, trong bối cảnh Tokyo đang tạo đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á.
Nỗ lực trên nhằm trong chính sách lớn hơn của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe nhằm gia tăng vị thế của Nhật Bản trong khu vực, cùng đồng minh Mỹ.
Theo Reuters, Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản Yoshiyuki Sugiyama đã tới Bangkok hồi tháng trước đã tới Bắc Kinh đã thảo luận các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Nhật Bản hi vọng chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu nhận các hồi sơ dự thầu sớm nhất là vào năm tới, trong bối cảnh nước này nâng cấp và bổ sung vào các hệ thống radar hiện thời của châu Âu và Mỹ, Reuters dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho hay. Không rõ là những bên nào khác sẽ dự thầu.
Chưa rõ giá trị của một hợp như vậy, do các chi tiết của hệ thống chưa được tiết lộ. Các hệ thống radar do Mitsubishi Electric và các công ty khác của Nhật Bản chế tạo có thể trị giá hàng trăm triệu USD, phụ thuộc vào sự tinh vi và tầm bao phủ. Các nguồn tin cho hay Nhật Bản sẽ chào hàng một hệ thống rẻ hơn do ngân sách quốc phòng hạn chế của Thái Lan.
Một nữ phát ngôn viên của Mitsubishi Electric cho biết công ty không bình luận về các thỏa thuận riêng lẻ.
“Mặc dù chúng tôi biết rằng Thái Lan đang xúc tiến việc triển khai radar phòng không, chúng tôi không thể bình luận về hoạt động của các tập đoàn”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản tại Tokyo nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantravanich cho hay “nhiều quốc gia muốn bán nó cho chúng tôi nhưng chúng tôi phải xem hệ thống nào phù hợp”.
Theo các nguồn tin của Reuters, radar mà Nhật Bản đề xuất cho Thái Lan là một biến thể của radar FSP-3 của Mitsubishi Electric, một hệ phống radar thế hệ cũ hơn được Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sử dụng để xác định các mối đe dọa trên không.
Việc Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Thái Lan sẽ có lợi cho Mỹ, giữa lúc các căng thẳng đang gia tăng do các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo các nguồn tin. Nhật Bản, từng duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho tới năm 2014, trước đây chưa bán thiết bị quân sự cho Thái Lan.
Kể từ cuộc đảo chính năm 2014 đưa chính phủ Thái hiện thời lên nắm quyền, quan hệ giữa Thái Lan và Mỹ đã trở nên căng thẳng.
Hồi tháng 7, Thái Lan đã nhất trí mua 3 tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo trị giá 1 tỷ USD trong một thỏa thuận cho thấy Bắc Kinh lấp chỗ trống mà Washington tạo ra. Và tháng trước, các máy bay quân sự Thái Lan và Trung Quốc đã trình diễn các màn nhào lộn cùng nhau tại một căn cứ không quân Korat, cách Bangkok khoảng 260km về phía đông bắc, trước cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên giữa không quân hai nước.
Washington có một quy định về việc ngừng viện trợ cho các quân đội liên quan tới các cuộc đảo chính chống lại các chính phủ dân bầu. Điều này bao gồm việc hạn chế các hãng chế tạo vũ khí bán thiết bị quân sự cho quốc gia đó. Nhật Bản không đối mặt với các hạn chế tương tự khi hợp tác với chính phủ Thái Lan.
Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc thân thiết với Thái Lan có thể làm chia rẽ các thành viên của ASEAN và giảm bớt sự chỉ trích đối với hành vi xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
An Bình