1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản lên kịch bản đối phó vùng phòng không

Nhằm đối phó vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông (ADIZ) do Trung Quốc đơn phương áp đặt, Nhật Bản đã xây dựng 3 kịch bản để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập đổ bộ đường không. Ảnh: Getty Images.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập đổ bộ đường không. Ảnh: Getty Images.

Báo Sankei Shimbun tiết lộ, Nhật Bản vừa tổ chức cuộc họp qua truyền hình nhằm thảo luận các khả năng đối phó Trung Quốc trên ba tuyến: Đài Loan, eo biển Miyako và quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, trong vòng 10-15 năm tới.

Cuộc họp quy tụ các tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản (JASDF), bao gồm lực lượng không quân miền Bắc, lực lượng không quân trung tâm, lực lượng không quân phía nam và sư đoàn không quân hỗn hợp tây nam.

Cuộc họp được điều hành từ tổng hành dinh Bộ tư lệnh Không quân Nhật Bản đóng tại Yokota. Trong cuộc thảo luận, JASDF cho biết, bắt đầu từ năm nay, các máy bay chiến đấu F-15J của không quân Nhật Bản diễn tập nhằm thăm dò khả năng của hệ thống radar Trung Quốc. JASDF kết luận rằng, hệ thống radar của đại lục chỉ có khả năng phát hiện những hoạt động hàng không ở tầm cao.

Các tư lệnh không quân Nhật Bản chỉ ra rằng, hệ thống cảnh báo sớm của Nhật Bản đặt tại tỉnh Kyoto có thể bao quát toàn bộ không phận, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hệ thống này cũng có thể khống chế eo biển Miyako, nối giữa các đảo khu vực Miyako và Okinawa. Đó là một lợi thế trong cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.

Đặt giả thiết rằng lợi thế đó mất đi nếu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rơi vào tay Trung Quốc, cuộc họp tập trung vào ba kịch bản ứng phó: Kịch bản thứ nhất xem xét khả năng Trung Quốc có thể chỉ phát động tấn công chuỗi đảo. Kịch bản thứ hai nghiên cứu khả năng Trung Quốc mở cuộc tấn công đồng thời cả eo biển Miyako và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với kịch bản thứ ba, cả Senkaku/Điếu Ngư, eo biển Miyako và Đài Loan đều trở thành mục tiêu tiềm tàng.

Cuộc họp kết luận rằng, căng thẳng và nguy cơ xung đột quân sự giữa phi cơ chiến đấu của Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ngày càng gia tăng trong tương lai, khi Trung Quốc nay thường xuyên điều động máy bay tiêm kích tới tuần tra trong ADIZ mới thiết lập, Sankei Shimbun cho biết.

Trung Quốc tập trận lớn hậu thuẫn ADIZ

Theo nhật báo Phương Đông (Hong Kong), quân đội Trung Quốc đang tập trận quy mô lớn với sự tham gia của 20.000 binh sĩ, bao gồm ba quân binh chủng hải, lục, không quân và cả lực lượng tên lửa tại tỉnh Sơn Đông. Khu vực tập trận tương đối gần Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thời gian tập trận kéo dài đến ngày 13/12, tàu thuyền dân sự bị cấm đi vào vùng biển ở eo biển Bohai và khu vực phía bắc Hoàng Hải. Các nhà quan sát nhận định, cuộc diễn tập này được triển khai nhằm hậu thuẫn cho việc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông.

Quân đội Trung Quốc sẽ diễn tập đổ bộ chiếm đảo, trinh sát liên hợp, vận tải đường biển và hiệp đồng tác chiến bắn đạn thật. Trước khi lập ADIZ ở Hoa Đông, 5.000 quân Trung Quốc đã tập trận từ ngày 15 đến 22/11 tại vịnh Bohai. Ba ngày sau khi thông báo thiết lập ADIZ, tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã lên đường tới biển Đông.

Theo website tin tức Want China Times (Đài Loan), hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được hộ tống bởi hai khu trục hạm, hai tuần dương hạm, hai tàu hộ vệ tên lửa và cả tàu ngầm hạt nhân, đang thực hiện cuộc diễn tập dài ngày ở biển Đông nhằm thử nghiệm khả năng tác chiến ở vùng khí hậu nóng ẩm. Các máy bay J-15 sẽ diễn tập cất cánh, bay đêm, tác chiến trên không, chống hạm và thử khả năng chiến đấu 24/24h.

Theo Phương Đông, đây là thông điệp rất mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc gửi tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Theo báo này, Trung Quốc đủ khả năng thiết lập trật tự mới trong vùng thông qua việc lập ADIZ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố, cộng đồng quốc tế cần cùng nhau giải quyết vấn đề nghiêm trọng này và bất cứ hành động đơn phương mang tính đe dọa nào cũng phải được ngăn chặn. “Nếu bất cứ nước nào lập một vùng phòng không tương tự ở biển Đông, sẽ gây căng thẳng trong khu vực và tôi cho rằng cần ngăn chặn việc đó”, ông Onodera nói.

Theo Thục Ninh
Tiền phong