1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật Bản lần đầu tăng hiện diện quân sự ở biển Đông

Nhật Bản lần đầu tiên triển khai binh sĩ thuộc Lữ đoàn Đổ Bộ Triển khai nhanh vừa được thành lập năm 2018 tham gia các nhiệm vụ dài hạn trên biển cùng tàu sân bay trực thăng JS Izumo.

Hãng tin AP cho biết hôm 3-7, tàu sân bay trực thăng Izumo đã bắt đầu rời khỏi một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Philippines sau khi kết thúc đợt tập trận kéo dài hai tháng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương với Hải quân Mỹ cùng một vài nước khác trong khu vực.

Nhật Bản cũng cho triển khai thêm hai khu trục hạm Murasame và Akebono trong đợt diễn tập bên cạnh Izumo. 

Nhật Bản lần đầu tăng hiện diện quân sự ở biển Đông - 1

Khu trục hạm Murasame và khu trục hạm Akebono tập trận gần bờ biển Brunei. Ảnh: AP

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cũng cho biết đang điều chỉnh tàu sân bay chủ lực Izumo để có thể chở thêm chiến đấu cơ tàng hinh F-35B của Mỹ bên cạnh tuyên bố cũng sẽ đặt mua 42 chiếc F-35.

Những động thái này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, tờ South China Morning Post nhận định.

Đại diện của Lữ đoàn Đổ Bộ Triển khai nhanh Nhật Bản cho biết mục đích của các cuộc tập trận gần đây là nhằm tăng tính phối hợp giữa họ và các lực lượng trên bộ nhằm diễn tập các thao tác đổ bộ lên đất liền trong tương lai.

Bên cạnh những cuộc tập trận, Hải quân nước này cũng tổ chức nhiều chương trình huấn luyện tập trung vào đối tượng tham gia là đại diện từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Chương trình huấn luyện này bao gồm các nội dung về luật hàng hải quốc tế, công tác cứu trợ thảm hoạ cũng như tập huấn di chuyển và liên lạc trên biển. 

Lâu nay, Tokyo gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển năng lực quốc phòng do Điều 9 Hiến pháp soạn thảo sau Thế chiến II của nước này đã hạn chế đáng kể khả năng phát triển và nâng cấp lực lượng quân sự. Theo đó, vai trò của JSDF bị giới hạn chỉ còn bảo vệ Nhật Bản khi bị xâm lược, ngoài ra không thể được triển khai ra ngoài lãnh thổ nước này. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ khi nhậm chức đã nhiều lần cam kết sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhằm gỡ bỏ các hạn chế đối với JSDF. Trên thực tế, vào năm 2015, ông đã đạt được thành công nhất định khi mở rộng phạm vi của của nghĩa vụ "phòng thủ" sang bao gồm cả các đồng minh của Nhật Bản.

Tất cả các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động tuyên bố chủ quyền và hiện diện quân sự ở khu vực biển Đông.

Đỉnh điểm của các hoạt động này là loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo đối hạm trái phép gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong cuộc diễn tập quân sự kéo dài năm ngày từ 29-6 đến 3-7 năm 2019.

Trước đó, các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc từ tháng 5-2018 đã bí mật triển khai tên lửa hành trình đối hạm và phòng không lên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi của Việt Nam. 

Hồi tháng 4-2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố trong năm 2018 các chiến đấu cơ nước này đã phải xuất kích khẩn cấp 999 lần để ngăn chặn các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận. Trong số đó, 64% là máy bay Trung Quốc.

Theo Vĩ Cường
Pháp luật TP. HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm