1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản "hòa" với Hàn và "rắn" với Trung!

Những diễn biến đang xảy ra trên thực địa cùng các tuyên bố của chính trị gia tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc khiến dư luận cho rằng, căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông tiếp tục là mối quan tâm và lo lắng của những quốc gia hữu quan.

Tăng cường sức mạnh răn đe

Trong báo cáo hằng năm mang tên “Báo cáo về phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho rằng, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo sẽ bước vào một giai đoạn sóng gió lớn, không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và nếu việc này diễn ra một phần là do sự can dự của Mỹ vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 29/12/2012, Tân Hoa Xã đăng bài phỏng vấn Thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hội Nghiên cứu khoa học quân sự Trung Quốc xoay quanh xu thế tranh chấp biển đảo, chính sách biển của Trung Quốc, vai trò của Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Bài phỏng vấn được đăng tải cùng với thời điểm Tân Hoa Xã đưa lại bài viết của tờ “Thanh niên Trung Quốc” với nhan đề “Xung đột trên biển bước vào giai đoạn dễ bùng nổ, Trung Quốc sẽ tích cực, chủ động”. Ông La Viện, một trong những tướng “diều hâu” cho rằng, vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đều có xu thế tiếp tục xấu đi.

 
Tranh chấp biển đảo sẽ tiếp tục là vấn đề nổi cộm ở Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2013


Tranh chấp biển đảo sẽ tiếp tục là vấn đề nổi cộm ở Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2013

Ngày 31/12/2012, Hãng tin AFP cho biết, Trung Quốc đã chuyển giao 2 tàu khu trục và 9 tàu cũ khác của hải quân cho đội tàu hải giám. Với sự chuyển giao kể trên, năng lực của đội tàu hải giám được tăng lên đáng kể và Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm 36 tàu mới từ nay đến năm 2015.

Cũng trong ngày 31/12/2012, báo chí Đài Loan đưa tin, Hải quân Trung Quốc vừa bổ sung tàu khu trục tân tiến Liễu Châu cho hạm đội Nam Hải, nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông. Tàu này thuộc lớp 054A, có khả năng qua mặt radar và tiêu diệt mục tiêu trong khoảng cách 50km. Giới truyền thông đưa tin, Trung Quốc không chỉ gia tăng hoạt động tại Biển Đông, mà cả ở biển Hoa Đông và điều này liên quan tới tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 28/12/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân tuyên bố, Bắc Kinh chẳng tạo ra cũng chẳng e ngại bất kỳ rắc rối nào liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Trương Chí Quân cho biết, Trung Quốc quan tâm và hy vọng Nhật Bản sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình và ổn định trong khu vực. Cũng trong ngày 28/12/2012, giới truyền thông Nhật Bản cho biết, Tokyo vừa tìm thấy một tài liệu ngoại giao năm 1950 của Trung Quốc công nhận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần của quần đảo Tyukyu của Nhật Bản.

Tờ Jiji Press của Nhật Bản cho biết, đó là một bản phác thảo của dự thảo về vấn đề lãnh thổ trong một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và được tạo ra bởi Chính phủ Trung Quốc ngày 15/5/1950: Công nhận những hòn đảo kể trên là một phần của vùng đất thuộc tỉnh Okinawa của Nhật Bản ngày nay. Tuy nhiên, trong tuyên bố đề ngày 30/12/2012, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo đã phủ nhận tầm quan trọng của tài liệu kể trên cho dù “Trung Quốc nhắc đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản bằng tên tiếng Nhật và nói rằng, quần đảo này là một phần của quần đảo Ryukyu”.

Giới chuyên môn rất quan tâm tới nhận định của chuyên gia Angguntari C.Sari, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Công giáo Parahyangan ở Bandung (Indonesia) khi cho rằng, trong 10 năm tới có thể diễn ra 3 kịch bản cho tương lai Biển Đông. Đó là tận diệt, mơ ước và nguyên trạng. Tận diệt là viễn ảnh tồi tệ nhất khi xung đột giữa các bên tranh chấp xảy ra và lôi kéo Mỹ vào. Với kịch bản này, Mỹ sẽ không còn duy trì thế trung lập và xung đột quân sự quy mô lớn sẽ xảy ra. Nguyên trạng là viễn cảnh có nhiều khả năng xảy ra nhất trong 10 năm tới khi các bên đều chưa đi đến cùng trong giải quyết tranh chấp.

Ông Malcolm Cook, chuyên gia an ninh Đông Bắc Á của Đại học Flinders ở Australia cho rằng, các mối quan hệ chính trị trong vùng Đông Bắc Á - giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ nguội lạnh hơn so với năm 2012. Trong khi đó Giáo sư Hugh White, nhà nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia lại nhận định, Trung Quốc và Nhật Bản đang lâm vào một thế kẹt có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh mà không bên nào muốn có tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây cũng là mối quan ngại của dư luận trong khu vực trước những động thái đang diễn ra tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Quyết tâm của Nhật Bản và Philippines

Trong thông điệp chúc mừng năm mới, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập tới việc tàu thuyền và máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng biển và không phận xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nên Tokyo sẽ đẩy mạnh phát triển, kiểm soát và phòng vệ đối với những đảo hẻo lánh của Nhật Bản. Cũng trong ngày 1/1, giới truyền thông Nhật Bản đưa tin, Tokyo đang xem xét khả năng dùng lại tàu tuần tra cũ và thuê lại nhân viên đã về hưu để bổ sung lực lượng cho các đội tuần duyên. Ngoài ra, Nhật Bản còn thành lập 1 đội tàu tuần tra mới (gồm 12 chiếc) với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền lợi tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo thống kê của Nhật Bản, trong năm 2012, tàu công vụ của Trung Quốc đã có tổng cộng 91 ngày tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cao gấp 7 lần so với năm 2011. Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 1-1 đưa tin, trong dịp tết dương lịch 2013, lực lượng hải giám Trung Quốc đã phái tàu tuần tra khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cảnh sát biển Nhật Bản xác nhận, 3 tàu Hải giám 15, 51 và 83 đã tiến vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng 1/1 cho dù trước đó (31/12/2012), 3 tàu hải giám này cũng tìm cách xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Ngày 1/1, Tân Hoa Xã đưa tin, Sở Giáo dục tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa ra thông báo: Con em của sĩ quan, binh lính Trung Quốc đóng quân tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” khi thi đại học năm 2013 được phép làm đơn xin cộng điểm ưu tiên hoặc xin tuyển thẳng vào đại học.

Những thí sinh này muốn được cộng điểm hoặc tuyển thẳng vào đại học, việc đầu tiên họ phải làm là xin cấp giấy chứng nhận ưu tiên do cơ quan chính trị của cái gọi là “khu phòng thủ Tam Sa” cấp để chứng minh họ là con em “lính Tam Sa”.

Tân Thủ tướng Shinzo Abe vừa ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera xem xét lại chương trình phòng vệ trung hạn hiện nay bao gồm quy mô, vũ khí, khí tài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cũng như các nguyên tắc chỉ đạo chương trình quốc phòng của nước này. Theo đó, Tokyo phải khẩn cấp khôi phục lại mối quan hệ đồng minh với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định điều chỉnh sớm bản Đại cương kế hoạch lực lượng phòng vệ Nhật Bản để nâng cao khả năng tác chiến cũng như khả năng uy hiếp của quân đội Nhật Bản đối với đối phương.

Được biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đưa máy bay Global Hawk vào chương trình phòng vệ trung hạn để chống lại việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ngày càng quyết liệt, đặc biệt liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, Tokyo và Bắc Kinh cần bình tĩnh và liên hệ với nhau để hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước và biện pháp đầu tiên hướng tới hòa giải là phải liên lạc với nhau, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc. Ngày 2/1, tờ Korea Times cho rằng, Nhật Bản đang nhân cơ hội Trung Quốc làm mưa làm gió trên biển Hoa Đông để đẩy mạnh hoạt động xây dựng tiềm lực quân sự và năng lực quốc phòng nhằm chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trong vòng 10 đến 20 năm tới. Và bước đầu tiên trong kế hoạch này là việc Tokyo sẽ triển khai 2.200 lính thủy quân lục chiến tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 28/12/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt trước việc Trung Quốc triển khai tàu tuần tra Hải tuần 21 (có trọng tải 1.500 tấn, dài 93,2m, có tốc độ tối đa 40,74km/giờ, máy bay trực thăng đỗ được ở phần đuôi tàu) đến khu vực này. Ông Raul Hernandez cho rằng, những hoạt động tuần tra như vậy sẽ không thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Tuyên bố kể trên diễn ra trong bối cảnh có tin nói rằng, Philippines đã cử lực lượng thuộc thủy quân lục chiến ra một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Được biết, từ tháng 10 tới nay, lực lượng tinh nhuệ của thủy quân lục chiến Philippines đã bắt đầu được triển khai tới 9 hòn đảo lớn nhỏ cùng một số bãi đá và nhiều sĩ quan được điều tới đóng quân ở khu vực này. Philippines cho biết, sẽ mua 3 trực thăng để trang bị cho hải quân, một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội nước này.

Trung Quốc sẽ thành lập Bộ Hải dương?

Thông tin trên trang QQ News ngày 30/12/2012 thực sự khiến dư luận và giới chuyên môn tranh luận xung quanh việc Trung Quốc có thể thành lập Bộ Hải dương trong tương lai theo đề xuất của Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Quản lý thuộc Sở Nghiên cứu phát triển Hải dương quốc gia Trung Quốc Vương Phương.

Theo đề xuất của Chủ nhiệm Vương Phương hôm 29/12/2012, Trung Quốc sẽ thành lập tổ công tác biển thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ủy ban Biển đảo thuộc Quốc hội và Chính phủ cần thành lập một cơ quan cấp bộ để điều phối chung hoạt động của các lực lượng trên biển. Đề xuất này được đưa ra tại diễn đàn “Quyền và lợi ích biển - lợi ích và an ninh quốc gia” ở Bắc Kinh.

Tờ Đô thị Phương Nam cũng cho biết, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng đang nghiên cứu phương án nâng cấp Cục Hải dương quốc gia thành Bộ Hải dương. Nguyên Phó bí thư tỉnh Phúc Kiến Trần Minh Nghĩa cũng đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Quản lý thuộc Sở Nghiên cứu phát triển Hải dương quốc gia Trung Quốc Vương Phương: Đề xuất nâng cấp Cục Hải dương quốc gia thành Bộ Hải dương.

Những thông tin kể trên đang khiến dư luận trong khu vực quan ngại về khả năng leo thang hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc


Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Ngày 29/12/2012, tờ Nhật báo Phố Wall có bài viết đề cập tới tình trạng ngư dân Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, xông vào hải phận nhiều quốc gia trên thế giới đánh bắt trộm cá. Bài viết xuất hiện sau khi Cảnh sát biển Hàn Quốc phải điều động 30 tàu thuyền và 1 máy bay (28/12/2012) vây bắt 21 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm cá tại vùng biển thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.

Trước đó (26/12/2012), Cảnh sát biển Argentina đã nổ súng cảnh cáo để ngăn cản 2 tàu Trung Quốc đang chở 10 tấn mực và cá đánh bắt trộm chạy ra vùng biển quốc tế. Tờ Nhật báo Phố Wall cho rằng, hoạt động đánh bắt trái phép của tàu cá Trung Quốc đang làm xấu đi mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.

Dư luận cũng đang quan tâm trước thông tin của tờ The Australian (Australia) khi cho biết: Xung quanh các đảo san hô và các quần đảo thuộc phạm vi tranh chấp của những quốc gia ở Biển Đông, diện tích các rạn san hô đã giảm 60-20% trong thời gian 10-15 năm qua. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hủy hoại rạn san hô, đó là tình trạng bành trướng kinh tế của Trung Quốc đã làm gia tăng nhiều vấn đề môi trường, trong đó có phần thiệt hại quan trọng về không gian sinh tồn tự nhiên do chính sách đô thị hóa vùng ven biển, mức độ đánh bắt thủy sản không hạn chế thời gian, cũng như nạn ô nhiễm môi trường.

Trong một động thái làm dịu căng thẳng trên Biển Đông, ngày 31/12/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) cho biết, phạm vi áp dụng quy định của tỉnh Hải Nam (cho phép cảnh sát biển kiểm tra các tàu nước ngoài xâm nhập lãnh hải Trung Quốc từ 1/1/2013) được công bố bởi các phương tiện truyền thông nhà nước trong tháng 11/2012 vốn là một quy định cũ được thông qua năm 1999, áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ đảo Hải Nam. Việc thông tin mập mờ về quy định kể trên đã khiến nhiều nước lo ngại bởi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do hàng hải.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc chính thức lên tiếng và cung cấp một lời giải thích chi tiết về các quy tắc được áp dụng kể từ 1/1/2013. Theo Giáo sư Chu Vĩnh Thắng tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc, việc triển khai máy bay giám sát khu vực Senkaku/Điếu Ngư có thể trở thành một hoạt động thường xuyên và có hệ thống. Còn Giáo sư Vương Tân Sinh tại Đại học Bắc Kinh lại cho rằng, Trung Quốc sẽ triển khai tàu tuần tra, tàu hải giám và máy bay chiến đấu tới khu vực Senkaku/Điếu Ngư rõ ràng là một hành động tuyên bố chủ quyền, cũng như thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong vấn đề này.

Ngày 1/1, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Fukuoka (Nhật Bản) cho biết, ngư dân Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ vì đánh bắt san hô trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản đã được thả hôm 31/12/2012 sau khi cam kết nộp phạt 4,28 triệu yen (gần 50.000USD).

Trước đó (tối 29/12/2012), Cảnh sát biển Nhật Bản thông báo: Đã bắt Lâm Thế Khâm, thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc (có biển đăng ký tại tỉnh Phúc Kiến) vì xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và đánh bắt trộm san hô gần đảo Yakushima thuộc tỉnh Kaogshima. Cũng trong ngày 1/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cử cựu Bộ trưởng Thương mại Fukushiro Nukaga đến Seoul để gặp nữ Tổng thống Park Geun-hye vào ngày 4/1 nhằm cải thiện mối quan hệ Nhật - Hàn đang bị căng thẳng bởi tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Dokdo/Takeshima.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tin rằng, mối liên lạc giữa 2 chính phủ Trung - Nhật, cũng như 2 ngoại trưởng là rất quan trọng, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc là láng giềng quan trọng nhất của Nhật Bản.


Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Petrotimes