Nhân chứng kể khoảnh khắc kinh hoàng khi sóng thần ập tới tại Indonesia
(Dân trí) - Những người may mắn sống sót qua thảm họa sóng thần ngày 22/12 ở Indonesia đã kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi con sóng hung dữ ập tới cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Con số thống kê mới nhất cho thấy gần 300 người đã thiệt mạng do sóng thần.
Vào lúc 21h30 ngày 22/12, sóng thần đã ập tới đảo Sumatra và Java ở khu vực eo biển Sunda của Indonensia làm ít nhất 281 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được phỏng đoán là do núi lửa Anak Krakatau phun trào làm dịch chuyển tầng địa chất dưới đáy biển, gây ra sóng thần.
Ngay sau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, trên mạng xã hội đã xuất hiện đoạn video cho thấy con sóng lớn dội thẳng vào khu nghỉ dưỡng nơi nhóm nhạc rock Seventeen nổi tiếng của Indonesia đang biểu diễn. Các thành viên trong ban nhạc đã bị cuốn phăng đi tại nơi mà chỉ vài phút trước đó họ vẫn đứng trình diễn.
Trên mạng xã hội Instagram, ca sĩ Riefian Fajarsyah cho biết thành viên chơi guitar bass và một quản lý của ban nhạc đã thiệt mạng, trong khi 3 người vợ của các thành viên và ngay cả vợ của Fajarsyah vẫn đang “bặt vô âm tín” sau cơn sóng dữ. Trong một bài đăng khác, ca sĩ này đăng một bức ảnh chụp cùng vợ với chú thích: “Hôm nay là sinh nhật em. Hãy nhanh về nhà đi nào”.
Một thành viên của ban nhạc, Zack, cho biết anh may mắn thoát chết nhờ bám chặt vào sân khấu và “trong những phút giây cuối cùng (ngập ngụa trong nước), tôi gần như tắt thở”, theo Reuters.
Chủ một cửa hàng có tên Rudi Herdiansyah sống tại huyện Serang, tỉnh Banten cho biết biển khá yên ả vào tối thứ 7 cho tới khi anh nghe thấy “một tiếng động rất lớn từ ngoài khơi”. Sau đó, con sóng lớn đã nhấn chìm cửa tiệm của Rudi còn anh cũng bị cuốn ra xa. Rudi cho biết, anh gần như suýt mất mạng trước sự dữ dội của thảm họa tự nhiên.
“Ơn trời. Thánh Allah đã cứu tôi, tôi đã có thể thoát ra khỏi đống đổ nát đè lên người”, Rudi nói, đồng thời cho biết anh không nghe thấy bất cứ cảnh báo nào, nhưng may mắn đã từng tham gia diễn tập sóng thần.
“Tôi đã ý thức được cách chống chọi. Tôi cố gắng bám vào mọi thứ để có thể tồn tại. Tôi trốn đi và bám vào một băng ghế”, Rudi nói.
Nhà cửa và phương tiện bị tàn phá sau động đất tại Indonesia (Ảnh: AFP)
Azki Kurniawan, 16 tuổi, cho biết khi anh đang tham gia khóa huấn luyện ở khách sạn Patra Comfort, Java, tiếng hét thất thanh của những người trong sảnh về sóng thần đã khiến khung cảnh trở nên hỗn loạn. Azki vội vàng chạy ra bãi xe nhưng sóng đã lao tới.
“Đột nhiên một con sóng cao 1m đập vào người tôi. Tôi ngã xuống và xe máy của tôi bị đẩy ra xa. Tôi bị cuốn tới hàng rào của tòa nhà cách bãi biển 30m và bám chặt lấy hàng rào hết sức có thể, cố gắng chống chọi trong khi nước đang cuốn ngược tôi ra biển. Tôi đã bật khóc vì sợ rằng mình có thể chết", Azki cho biết.
Trả lời AFP, Asep Perangkat cho biết anh đã cùng gia đình ở trên bãi biển Carita tại Java khi sóng dữ xuất hiện. “Xe hơi và xe tải container xung quanh bị kéo đi khoảng 10m. Sóng đánh sập nhà cửa gần biển, cây cối và cột điện đổ sập xuống mặt đất. Tất cả mọi người đều chạy lên rừng lánh nạn”, Asep cho biết.
Oystein Lund Andersen, nhiếp ảnh gia chụp núi lửa người Na Uy, cho biết anh đã ở bãi biển Anyer tại West Java thời điểm xảy ra sóng thần.
“Tôi đã ở trên biển và đang cố chụp ảnh núi lửa phun trào. Trước đó, bãi biển rất im lặng, không có dấu hiệu sẽ có sóng thần xảy ra. Đột nhiên, tôi thấy con sóng ập tới và tôi chạy ngay về khách sạn đánh thức vợ con dậy”, Andersen kể.
Anh cho biết có tới hai con sóng lao tới. Con sóng thứ nhất với cường độ nhẹ, nhưng con sóng thứ hai rất mạnh và cuốn phăng nhà cửa cùng xe cộ.
Bãi biển Indonesia tan hoang sau thảm họa sóng thần (Ảnh: EPA)
Công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn đang diễn ra khẩn trương sau thảm họa sóng thần. (Ảnh: EPA)
Đức Hoàng
Theo BBC