1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhà thơ Mỹ và niềm đam mê văn học cổ Việt Nam

Có một nhà thơ Mỹ từng đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và nuôi dưỡng tình yêu đối với đất nước này kể từ lúc ấy. Đó là John Balaban, người đang nỗ lực phục hồi chữ Nôm với hy vọng giải mã một kho tàng văn học còn bị chôn giấu của người Việt.

Bài viết của Jane Perlez, phóng viên tờ New York Times ...

Bài thơ "đầy lửa" của một trong những người anh hùng dân tộc Việt Nam được khắc bằng chữ mạ vàng dưới chân tượng đài ông kể về chiến thắng và tinh thần dũng cảm, bất khuất trước những thế lực xâm lược từ phương Bắc.

Nhà thơ, nhà quân sự tài ba và cũng chính là vị Hoàng đế của nước nam trong thế kỷ 18 ấy chính là Nguyễn Huệ. Qua những câu thơ của mình, ông đã phác hoạ một bức tranh dữ dội nhưng cũng đậm màu chiến thắng về những binh sĩ dũng mãnh tóc dài, răng đen trong trận chiến đánh giặc ngoại xâm.

Bài thơ nguyên bản của Nguyễn Huệ được viết bằng một lối ký tự gần giống tiếng Hán, còn được gọi là chữ Nôm, một kiểu chữ được các nhà thơ, nhà hiền triết, các vị quan lại và nhà sư của Việt Nam trước đây sử dụng.

Có thể thấy hầu hết những ngôi chùa, đền thờ Phật giáo ở Hà Nội đều được trang trí bởi kiểu chữ Nôm này. Chữ Nôm được khắc trên các cột, các ban thờ. Tại Văn Miếu, một khu di tích quốc gia tôn nghiêm, (có thể ví gần giống như Đài tưởng niệm Jefferson), tên của những học giả nổi tiếng nhất Việt Nam thời Trung Cổ được khắc trên những tấm bia đá bằng ký tự chữ Nôm.

Đến năm 1920, chữ Nôm đã bị nhà chính quyền đô hộ Pháp cấm và chính thức được thay thế bằng kiểu chữ dựa trên bảng chữ cái La tinh mà Alexander de Rhodes, một nhà truyền giáo người Pháp soạn ra trong thế kỷ 17, còn được gọi là chữ Quốc ngữ. Đến nay, hầu như rất ít người Việt có thể giải chữ Nôm.

Ước vọng khám phá chữ Nôm

Nhưng có một nhà thơ người Mỹ là John Balaban, từng đến Việt Nam lần đầu tiên trong thời gian chiến tranh với tư cách là một bác sĩ quân y luôn đối cuộc chiến, đã nuôi dưỡng một tình yêu đối với đất nước này kể từ khi ấy. Hiện, Balaban đang đi đầu trong nỗ lực khôi phục chữ Nôm nhằm khám phá thêm những nét văn hoá Việt còn bị chôn giấu.

"Chữ Nôm còn giữ lại đường nét của một nền văn hoá bị chôn vùi cùng với sự ra đời của ký tự La tinh", ông Balaban nói. "Vẫn còn những kho tàng văn học đích thực của người Việt và vẫn còn rất nhiều câu chữ chưa được dịch ra".

 

Nhà thơ Mỹ và niềm đam mê văn học cổ Việt Nam - 1
 

Nhà thơ Balaban.

Tại một buổi gặp mặt của các chuyên gia ngôn ngữ quốc tế tổ chức tại thành phố Huế đầu tháng 6, Balaban đã giới thiệu 4 "nhà khắc chữ" Việt Nam còn khá trẻ, đang làm nhiệm vụ số hoá chữ Nôm. Một tổ chức phi lợi nhuận do ông Balaban thành lập nhằm bảo tồn chữ Nôm đã biên soạn một cuốn từ điển Nôm. Đây là bộ sưu tập 20.000 chữ, và theo đánh giá của Balaban, những chữ này còn khó hiểu hơn cả tiếng Hoa.

Bằng việc đưa ngôn ngữ này lên mạng Internet, ông Balaban hy vọng rằng một hệ thống các chữ viết của Việt Nam từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 20 sẽ được dịch sang tiếng Việt. Nhiều loại chữ viết đã bị các nhà truyền giáo làm mất trong thời kỳ thuộc địa và bị đưa ra nước ngoài, cất giấu trong những kho lưu trữ trong đó có cả kho lưu trữ Toà thánh Vatican và Musée Guimet tại Paris.

Ông Balaban không đọc được chữ Nôm, nhưng với vốn liếng tiếng Việt thu thập được từ những ngày ông còn là bác sĩ quân y làm nhiệm vụ tại khu vực nông thôn, giúp những người dân thường bị thương trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông có thể nói và đọc tiếng Việt hiện đại.

Là một nhà thơ, đồng thời là giáo sư ĐH Bắc Carolina, ông Balaban đã sử dụng kiến thức ấy để dịch những bài thơ Việt viết bằng chữ Nôm sang tiếng Anh.

Suốt 10 năm qua, ông đã nghiên cứu nhiều tác phẩm của Hồ Xuân Hương, một trong những nữ sĩ tài ba nhất Việt Nam, từng viết nên những vần thơ đầy cảm xúc, đôi khi khá táo tợn bằng chữ Nôm. Thu thập những bài thơ Hồ Xuân Hương được viết lại bằng tiếng Việt hiện đại, ông Balaban đã dịch sang tiếng Anh khoảng 50 bài thơ của nữ sĩ.

"Hồ Xuân Hương là một hiện tượng lớn trong thời kỳ đó", ông nói về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. "Giờ đây, có lẽ bà ấy là một nhà thơ được nhiều người đọc nhất, không chỉ vì bà đã kết hợp ngôn ngữ văn hoa với ngôn ngữ đời thường. Thơ của bà rải rác ám chỉ tới "nhục dục", và những chủ đề đến bây giờ được chứng minh là đúng. Bà luôn đề cập tới những khó khăn của người phụ nữ, trong đó có việc bị ép gả. Điều này được thể hiện rất thành công trong bài thơ: "Chồng chung".

Bài thơ bắt đầu bằng lời oán trách số phận đã buộc một người đàn bà phải chia sẻ người đàn ông của mình. Nhà thơ Balaban đã chuyển thể khá thành công bài thơ này từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Công việc kế tiếp của nhà thơ Balaban là dịch tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng nhất Việt Nam: "Truyện Kiều" của tác giả Nguyễn Du, một nhà thơ cùng thời với Hồ Xuân Hương. Đôi lúc, ông được ví như "Shakespeare của Việt Nam".

Theo Huyền Trang

Vietnamnet/New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm