1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà khoa học mê “ngủ”

Sinh năm 1980, tiến sĩ (TS) Đặng Vũ Thiên Thanh hiện là chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu giấc ngủ, lĩnh vực đặc biệt của thần kinh học.

  

Rời Việt Nam cùng gia đình sang Bỉ định cư khi mới 2 tuổi, từ nhỏ, TS Thiên Thanh luôn khiến bạn bè trời Âu nể vì bảng điểm “đẹp như mơ”. Suốt 7 năm học y tại Đại học (ĐH) Liège (Bỉ), chỉ có 2 lần anh “bị” xếp loại ưu. Những năm còn lại, kết quả học tập của anh luôn là tối ưu, tấm bằng TS y khoa được nhận năm 23 tuổi cũng thế. Được đà, chàng bác sĩ trẻ tiếp tục làm luận án để lấy bằng TS chuyên ngành Khoa học y sinh và dược năm 2008. TS Thiên Thanh đã không hổ danh là con cháu của làng Hành Thiện, vốn rất nổi tiếng về truyền thống hiếu học của tỉnh Nam Định. Không chỉ thế, anh còn là “con nhà tông” vì là cháu của GS Đặng Vũ Khiêu, viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam.

 

 

Nhà khoa học mê “ngủ” - 1


TS Đặng Vũ Thiên Thanh nhận giải Nhà khoa học trẻ của Hội Nghiên cứu giấc ngủ Mỹ năm 2009 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của  TS Thiên Thanh của PV báo Thanh Niên qua email.

 

Chìa khóa thành công của anh là gì? Đặc biệt khi anh vẫn còn dành thời gian cho các hoạt động văn hóa và thể thao.

 

Bên cạnh thái độ làm việc nghiêm túc là những lời động viên từ ba mẹ, là mong muốn đạt kết quả tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình và tính cầu toàn của bản thân. Nhưng tôi không phải “mọt sách” chỉ biết đến công việc. Tôi thích nhạc cổ điển và rất hay tìm hiểu về nghệ thuật nói chung. Những năm làm sinh viên y khoa, tôi vẫn theo học các lớp âm nhạc (piano, thanh nhạc, lịch sử âm nhạc). Tôi cũng thường xuyên đi xem các buổi biểu diễn hòa nhạc, opera và xếp lịch để chơi thể thao, đi du lịch. Những hoạt động này đã giúp tôi có một cuộc sống cân bằng.

           

Với tôi, các giá trị nhân văn và khoa học mới là mục tiêu tối thượng của nghề y chứ không phải yếu tố tài chính

           

Với kết quả học tập rất ấn tượng, anh hoàn toàn có thể trở thành một bác sĩ ngoại khoa danh tiếng với nhiều quyền lợi đi kèm, đặc biệt về mặt tài chính. Vì sao anh lại chọn con đường rất chông gai là nghiên cứu khoa học?

 

Trước nay tôi luôn thích các lĩnh vực đòi hỏi nhiều tư duy. Thần kinh học là một trong những ngành phức tạp nhất của y học và cũng thu hút được nhiều công trình nghiên cứu nhất. Nghiên cứu khoa học giúp phát triển khả năng phán xét, ngoài ra còn tạo cho tôi niềm vui khi tự đặt ra các câu hỏi rồi tìm cách giải đáp bên ngoài các kiến thức sẵn có. Y học lâm sàng cũng thú vị vì bác sĩ được gặp gỡ trực tiếp bệnh nhân và tạo nên các mối quan hệ rất nhân bản. Nếu kết hợp được cả hai, dù rất khó khăn, sẽ tạo được nền tảng lý tưởng để phát triển nghề nghiệp.

 

Quả thật vẫn còn nhiều chênh lệch về thu nhập giữa bác sĩ các chuyên khoa khác nhau và giữa người làm công tác nghiên cứu với người điều trị lâm sàng. Nhưng với tôi, các giá trị nhân văn và khoa học mới là mục tiêu tối thượng của nghề y chứ không phải yếu tố tài chính.

 

Cơ duyên nào đã khiến sự nghiệp khoa học của anh gắn liền với… giấc ngủ?

 

Một cách rất tình cờ, khi ấy các nghiên cứu về giấc ngủ rất phát triển ở thành phố Liège, nơi sinh sống của gia đình tôi. Nhờ đó, tôi có dịp liên hệ với Trung tâm nghiên cứu Cyclotron thuộc ĐH Liège và GS Pierre Maquet, nhà khoa học nổi tiếng thế giới về nghiên cứu giấc ngủ thông qua phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Chủ đề này đã nhanh chóng thu hút tôi, không chỉ vì liên quan đến nhiều mặt của y khoa (thần kinh học, tâm thần học...)  mà còn đặt ra những vấn đề quan trọng về khoa học (bí mật của giấc mơ, chức năng của giấc ngủ, ý thức của con người trong lúc ngủ...).

 

Kết quả nghiên cứu của anh cho thấy trái với vẻ bề ngoài, giấc ngủ không “yên tĩnh” mà vẫn có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Anh đã vén màn được những bí mật nào của “thế giới mộng mơ”?

 

Khám phá quan trọng đầu tiên là chứng minh được hoạt động của não bộ vẫn còn rất phong phú trong lúc ngủ, nhưng được tổ chức khác với khi thức. Những phần quan trọng của bộ não hoạt động cùng lúc rồi sau đó cùng “nghỉ ngơi”, tạo thành một nhịp điệu. Nhịp điệu này có thể nhận thấy qua các sóng được ghi lại ở điện não đồ. Các nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi đã chỉ ra rằng sóng hình thoi đặc trưng của giấc ngủ sâu giúp hạn chế những yếu tố của môi trường gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

 

Đề tài khoa học hiện tại của anh ở ĐH Montréal (Canada) là gì?

 

Tôi đang nghiên cứu các rối loạn về giấc ngủ, chẳng hạn như bệnh mộng du và vẫn dựa trên kỹ thuật về chẩn đoán hình ảnh. Việc nghiên cứu sẽ giúp tôi hiểu hơn các cơ chế gây bệnh để chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

 

Anh đã có dịp về thăm lại Việt Nam, hay có dự định hợp tác với các nhà nghiên cứu trong nước?

 

Tôi vẫn chưa có dịp về thăm quê hương nhưng đây chắc chắn sẽ là điểm đến cho các chuyến du lịch sắp tới. Tôi rất muốn được tham gia các buổi hội thảo tại Việt Nam có liên quan đến chuyên môn của mình, đồng thời nếu có thể sẽ cùng làm việc với những trường ĐH và bệnh viện trong nước để đẩy mạnh việc nghiên cứu về giấc ngủ.

 

TS Đặng Vũ Thiên Thanh đã và đang làm việc tại các ĐH, bệnh viện, tổ chức khoa học hàng đầu thế giới như Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia Bỉ (FNRS), Bệnh viện Pitié-Salpêtrière (Paris - Pháp), Bệnh viện Zurich (Thụy Sĩ), Trường y khoa Harvard (Boston - Mỹ), ĐH Montréal (Canada).

Anh còn giành được hàng loạt giải thưởng của các tổ chức rất uy tín như Hội Nghiên cứu giấc ngủ châu Âu, Hội Nghiên cứu giấc ngủ Mỹ, Hội Thần kinh học Bỉ ... Ngoài ra, anh là tác giả của nhiều bài viết trên các chuyên san khoa học PNAS, Annals of the New York Academy of Science, PloS Biology, Journal of Sleep Research…

 

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Thanh niên