1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà hàng Bắc Kinh gỡ tấm biển kỳ thị dân tộc

(Dân trí) - Chủ nhà hàng ở Bắc Kinh từ chối xin lỗi mặc dù hôm nay đã cho gỡ tấm bảng kỳ thị dân tộc gây phản ứng ở Việt Nam và Philippines.

 

Tấm biển kỳ thị dân tộc được treo ở nhà hàng Bắc Kinh.

Tấm biển kỳ thị dân tộc được treo ở nhà hàng Bắc Kinh. 

Bảng thông báo dán ở cửa kính nhà hàng Beijing Snacks có nội dung: “Nhà hàng không tiếp người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó”, viết bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh. Tấm biển xuất hiện vào thời điểm tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật trên Hoa Đông cũng như Trung Quốc và Philippines, Việt Nam trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Song mặc dù đã gỡ tấm biển sau khi vấp phải phản đối từ các nước, chủ nhà hàng cho biết ông không hề thấy hối tiếc và sẽ không xin lỗi vì những gì đã gây ra. “Tôi không hối tiếc gì”, ông cho biết với hãng thông tấn AFP. “Tôi chỉ nhận được quá nhiều cuộc gọi về nó”. Ông cho biết gỡ tấm biển “bởi nó gây nhiều rắc rối”.

 

Song ông cũng chống chế rằng, “có thể mọi người hiểu sai ý của tôi…nó chỉ nói lên rằng chúng tôi sẽ không phục vụ khách hàng tới từ các nước đó”.

 

Tấm biển ở nhà hàng Bắc Kinh đã gây phản ứng giận dữ ở Việt Nam và Philippines, với hàng ngàn đăng tải phản đối trên các mạng xã hội và bình luận trên báo chí vào ngày hôm qua. “Chủ nghĩa kỳ thị dân tộc rõ ràng ở nhà hàng Bắc Kinh”, nhà báo Philippines Veronica Pedrosa cho biết trên Twitter.

 

Từ ngữ được dùng trong tấm biển, theo hãng thông tấn AFP, rất dễ gây kích động, vì nó gợi nhớ tời thời kỳ thuộc địa của Trung Quốc, khi người Trung Quốc bị cấm vào các cơ quan, trụ sở của người Anh.

 

Một tấm biển bên ngoài một công viên ở Thượng Hải thời đó có nội dung “Cấm chó và người Trung Quốc”, đã được lấy làm một phần trong chương trình tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc và được thể hiện trong bộ phim “Fists of Fury” của Bruce Lee năm 1972. Song nhiều chuyên gia lịch sử cho rằng kể từ đó không có tấm biển nào tương tự tồn tại.

 

Bà Sonny Tabaha, cán bộ tập đoàn nông nghiệp CropLife Châu Á, một người Philippines sống ở thủ đô Manila, khi được PV Dân trí cho xem ảnh chụp tấm biển gây tranh cãi của nhà hàng ở Bắc Kinh, đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và cho biết bây giờ bà mới biết tới việc này.

 

Bà nói rằng mình “không hài lòng” khi nhìn bức ảnh này và cho rằng, chính phủ cũng như người dân các nước nên giải quyết những mâu thuẫn bằng cách đối thoại một cách hòa bình, không nên thực hiện hoặc cổ vũ cho những cách thức mang tính cực đoan, phân biệt đối xử như vậy.

 

Ông Jerome Santos, một người dân sống ở tỉnh Luzon, Philippines, cho biết mới đọc được trên báo về tấm biển của nhà hàng ở Bắc Kinh. Ông này tỏ ra bất bình, có phần giận dữ, vì sự kỳ thị chủng tộc một cách công khai mà chủ nhà hàng nọ thể hiện.

 

Ông Santos cho rằng, Philippines đã và đang tìm cách giải quyết xung đột giữa nước này với Trung Quốc một cách bình tĩnh, hợp đạo lý và luật pháp quốc tế, vì vậy, người dân cả hai nước nên ủng hộ việc trao đổi và thương lượng một cách hòa bình, tránh “đổ dầu vào lửa” bằng những cách thức cực đoan.

 

Báo chí Philippines trong mấy ngày gần đây cũng có nhiều bài viết thể hiện quan điểm về vấn đề này. Trong đó, ngoài những nhận định nghiêm túc và kêu gọi hòa hoãn, cũng có những ý kiến giễu cợt sự thiển cận của chủ nhà hàng ở Bắc Kinh, cũng như một bộ phận người Trung Quốc ủng hộ cách làm cực đoan này.
 
Tuấn Anh (từ Manila, Philippines)

 

Vũ Quý

Theo AFP