1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ khách du lịch Trung Quốc làm hư hỏng kính thiên văn lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Kính thiên văn quan sát vũ trụ lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, FAST, có thể hoạt động không còn hiệu quả bởi hoạt động khai thác du lịch quá đà của con người.

Chỉ trong nửa đầu năm nay, khoảng 4 triệu khách du lịch đã đến tham quan FAST, kính thiên văn có khẩu độ rộng 500 m ở huyện Bình Đường, phía tây nam tỉnh Quý Châu, theo số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc mới công bố.

Trong lễ hội Long Thuyền ngày 30/5, khoảng 220.000 người đã tập trung tại nơi đặt kính, một vùng núi hẻo lánh, để chứng kiến đĩa gương khổng lồ của nó. Con số này gần gấp đôi so với lượng khách đến tham quan Arecibo - kính thiên văn lớn thứ hai thế giới ở Puerto Rico - trong một năm.

Kính thiên văn vô tuyến FAST được lắp đặt để giúp các nhà khoa học hiểu biết sâu hơn về vũ trụ. Nhiệm vụ chính của nó là phát hiện các ẩn tinh, cũng như nhận và ghi lại tín hiệu từ các ngôi sao ngoài trái đất. Điều đó đòi hỏi vị trí của FAST phải ở một khu vực yên tĩnh, biệt lập. Dù khi lắp đặt, toàn bộ cư dân trong bán kính 4,8 km xung quanh nơi đặt kính đều đã được di dời, nhưng lượng du khách kéo đến đang làm ảnh hưởng đến hoạt động của kính.

"Mỏ vàng" du lịch

Ngày càng đông khách du lịch tới thăm quan FAST (Ảnh: Xinhua)
Ngày càng đông khách du lịch tới thăm quan FAST (Ảnh: Xinhua)

Một quan chức ngành du lịch huyện cho biết, kính thiên văn FAST dự kiến ​​sẽ thu hút tổng cộng 10 triệu lượt người đến tham quan, chủ yếu là du khách nội địa, tính riêng trong năm nay. “Chúng ta có ở đây một kỳ quan thế giới mới. Khách du lịch sẽ đông như ở Vạn Lý Trường Thành tại Bắc Kinh", quan chức này nói. Nửa đầu năm nay, khách du lịch đã mang về cho huyện Bình Đường khoản doanh thu 4,6 tỷ nhân dân tệ (gần 700 triệu USD), tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công bố trên tờ Guizhou Daily mới đây.

Trong vài tháng tới, hai tuyến đường cao tốc sẽ bắt đầu được khởi công để kết nối huyện Bình Đường với Quý Dương, thành phố lớn nhất và là thủ phủ của tỉnh. Tuyến đường cao tốc 8 làn xe này sẽ đưa khách du lịch từ sân bay quốc tế đến nơi đặt kính thiên văn FAST chỉ trong một tiếng đồng hồ.

Bí thư đảng ủy thị trấn Khắc Độ, nơi gần kính thiên văn nhất, phát biểu với báo chí địa phương rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của thị trấn trong tương lai là 50%. Thị trấn nhỏ 700 tuổi này đã mở 46 khách sạn và hơn 100 nhà hàng mới để đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch, và vẫn đang tiếp tục xây dựng thêm.

Chu Tấn, giám đốc đài thiên văn Bắc Kinh, người vừa trở về từ nơi đặt kính thiên văn, cho biết ngành du lịch phát triển bùng nổ là do sự nhiệt tình của công chúng đối với các trung tâm khoa học hiện đại. Trung Quốc không giấu giếm tham vọng muốn trở thành cường quốc nghiên cứu.

Nguy cơ ô nhiễm

Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh chóng các hoạt động của con người ở khu vực vốn biệt lập - lý do chính khiến FAST được lắp đặt tại địa điểm này - chắc chắn sẽ làm tăng sự ô nhiễm điện từ. "Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát của kính thiên văn", ông Chu Tấn nói.

Các nhà khoa học làm việc tại trạm quan sát thiên văn đã bày tỏ sự thất vọng khi được phỏng vấn riêng. Họ đặc biệt lo lắng về tác động của các công trình mới được xây dựng gần khu vực để phục vụ du khách nhưng họ cũng ngần ngại khi đụng chạm với giới chức địa phương, ít ra là công khai.

"Chúng tôi hiểu rõ về động lực để thúc đẩy kinh tế và xóa đói giảm nghèo", một nhà thiên văn học giấu tên cho biết. Một quan chức phụ trách dự án FAST ở Bắc Kinh từ chối bình luận khi được hỏi về vấn đề này.

Theo một chuyên gia vô tuyến điện tại Khoa Kỹ thuật điện tử của Đại học Giao thông Thượng Hải, nhờ việc hướng mặt gương lên bầu trời, kính thiên văn FAST có thể tránh được phần lớn sự nhiễu điện từ do hoạt động của con người. Tuy nhiên, con số 10 triệu du khách một năm có lẽ đã vượt xa tính toán ban đầu.

Do ánh sáng và tín hiệu vô tuyến nhân tạo có thể làm nhiễu những bức xạ yếu ớt phát ra từ vũ trụ, chuyên gia giấu tên trên yêu cầu lập một vùng đệm an toàn dài 5km quanh nơi đặt kính. Trong khu vực đó, bất kỳ thiết bị điện tử nào, chẳng hạn như điện thoại thông minh hoặc máy ảnh kỹ thuật số, cũng không được sử dụng trừ khi có giấy phép của cơ quan chức năng.

Kính thiên văn FAST, trị giá 1,2 tỷ nhân dân tệ, hoàn thành vào năm ngoái, là dự án thiên văn đắt đỏ nhất Trung Quốc từ trước tới nay. Mặt gương khổng lồ của nó cho phép các nhà nghiên cứu bắt được những tín hiệu mờ nhạt ít nhất ba lần so với khi sử dụng kính thiên văn Arecibo. Độ nhạy này có thể dẫn tới những bước đột phá về ẩn tinh và năng lượng tối, giúp con người hiểu rõ hơn nguồn gốc của vũ trụ.

Đỗ Anh

Theo SCMP