1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người sở hữu... mặt trăng

Cách biệt với thế giới hiện đại ồn ào, cách thủ đô Santiego De Chile gần 150 km là nơi cư ngụ của “con người giàu nhất thế giới”: người sở hữu mặt trăng! Đó là ông Henaro Gahardo Vera, một luật sư 76 tuổi đã nghỉ hưu.

Câu chuyện trở thành chủ nhân của mặt trăng khởi sự từ năm 1954, khi Vera mới 25 tuổi và sự nghiệp của một luật sư nghèo mới chỉ bắt đầu. Henaro gia nhập một câu lạc bộ mang tính chất xã hội, sau đó anh được đề cử vào chức danh chủ tịch. Mọi người giơ tay biểu quyết nhất trí, chỉ có một ý kiến phản đối duy nhất trong tổng số các hội viên.

 

“Tôi rất hạnh phúc khi nhận lãnh trách nhiệm mới - cụ Henaro Vera nhớ lại - Nhưng một trong những người có mặt nói: “Cái anh chàng trẻ tuổi này có chút tài sản nào đâu mà được nhận vô câu lạc bộ, huống hồ lại làm chủ tịch?! Bởi mọi thành viên của câu lạc bộ này đều là chủ xí nghiệp, cửa hàng, trang trại...”. Tuy vậy chàng luật sư “mới nứt mắt” vẫn được bầu, nhưng trong thâm tâm anh rất buồn.

 

Tối hôm đó Henaro tha thẩn một mình, nghĩ vẩn vơ. Đó là một đêm trăng rằm, ánh trăng vằng vặc làm anh bừng tỉnh: “Mặt trăng là của trái đất, xưa nay vẫn vậy. Đó là một thể vật chất hiện hữu thực sự, tuy nhiên đã có ai là người chủ sở hữu mặt trăng đâu”.

 

Sáng hôm sau, Henaro Vera tới gặp Sesar Himenes Fuensalida - giám đốc một hãng bất động sản - và trình mớ giấy tờ, trong đó đề nghị ghi nhận được đăng ký như là “người chủ sở hữu vệ tinh duy nhất của trái đất” bắt đầu từ năm 1957 (!).

 

Ông kể lại: “Sau khi lắng nghe và xem xét mớ giấy tờ tôi mang đến, viên giám đốc liền nói: “Henaro ơi! Cậu có biết rằng cậu đang làm điều gì không? Rồi mọi người sẽ cho cậu là... thằng điên cho mà coi!”. Nhưng trước lời thỉnh cầu không khoan nhượng của tôi, vị giám đốc xem lại bộ hồ sơ một lần nữa rồi công nhận đây là một văn bản hợp lệ”.

 

Ba ngày liên tiếp Henaro niêm yết quyền “sở hữu chị Hằng” duy nhất của mình lên công báo nhà nước. Sau khi không có ai kiện cáo gì, ông nhận được văn bản pháp quy có giá trị quốc tế. Lệ phí cho công việc này hết vỏn vẹn có 42 peso tiền Chile hồi đó - ngang với vài xu tiền Mỹ.

 

“Sau khi được cấp giấy sở hữu mặt trăng, tôi mang đến trong một phiên họp của câu lạc bộ và chìa cho nhân vật hung hăng hôm trước xem. Ông ta liền đứng dậy xin lỗi và ôm hôn tôi - cụ Vera kể tiếp - Đầu đuôi câu chuyện là như vậy, chỉ vì chút tự ái nhỏ mà tôi đã trở thành chủ nhân của một vệ tinh khổng lồ”.

 

Cụ Henaro Gahardo Vera hồ hởi nhớ lại “sự kiện trọng đại nhất” trong đời mình: “Vào khoảng tháng 5/1969, một thời gian ngắn trước khi Cơ quan Không gian Mỹ NASA đưa các phi hành gia lên mặt trăng, bất ngờ tôi được đại diện sứ quán Mỹ tại Chile tới thăm.

 

Với nhiệm vụ trọng đại là chuyển bức thông điệp của cá nhân tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Richard Nixon hồi ấy, trong đó ghi: “Thay mặt nhân dân Mỹ, tôi đề nghị ngài cho phép ba phi hành gia Aldrin, Collins và Amstrong được hạ cánh xuống mặt trăng thuộc sở hữu của ngài”. Vô cùng ngạc nhiên và sung sướng, tôi đồng ý vô điều kiện và chúc ba nhà thám hiểm trở về trái đất an toàn và mạnh khỏe”.

 

Theo Q. Phú
Người Lao Động/Bohemia, Havanna