Người Indonesia không chịu đi tránh núi lửa
Ngọn núi lửa nguy hiểm nhất Indonesia phun khói đen trong khi những dòng dung nham đỏ lòe chảy dọc theo sườn núi. Tuy nhiên, mặc cho cảnh báo, nhiều dân làng tại đây vẫn ở lại để chăm sóc gia súc và mùa màng.
Lệnh sơ tán toàn bộ đã được chính phủ ban hành hôm thứ bảy vừa qua sau khi các nhà khoa học cho rằng ngọn núi lửa này có thể sẽ phun trào bất cứ lúc nào. Cảnh sát đã phong tỏa khu vực quanh ngọn núi thuộc tỉnh Java - cách Jakarta 400km. Tuy nhiên, họ vẫn cho phép dân làng trở lại chăm sóc gia súc.
Budi - nông dân 30 tuổi - hôm nay cho biết: "Tôi có cảm giác nó (núi lửa) sẽ không phun trào ngay bây giờ".
Asmo - một người đàn ông lớn tuổi - nói: "Tất nhiên, tôi rất sợ nhưng việc của tôi là vắt sữa và cắt cỏ. Chúng ta không được quên nhiệm vụ của mình".
Chính phủ Indonesia sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đôla để chi dùng trong trường hợp khẩn cấp song các bộ trưởng không nói rõ liệu dân làng có được bồi thường cho số gia súc và mùa màng bị mất hay không.
Có hơn 4.500 người sinh sống tại các ngôi làng gần với miệng núi lửa hoặc gần các con sông - nơi nham thạch có thể chảy xuống - đã đi sơ tán. Tuy nhiên, rất nhiều thanh niên trai tráng không chịu rời đi. "Tôi không thể ép họ", Widi Sutikno - một quan chức Indonesia - nói. "Tất cả những gì tôi có thể làm là bảo họ hãy chú ý và chuẩn bị sẵn xe máy".
Trong khi đó, hàng nghìn phụ nữ, trẻ em, người già nhồi nhét trong xe buýt, xe tải hoặc các nơi trú chân tạm thời sau khi Merapi bắt đầu nhả khói, đá và nham thạch nóng bỏng. "Tôi không cần phải suy nghĩ gì nhiều", Ariani - một phụ nữ lớn tuổi - nói. "Họ bảo chúng tôi hãy tránh đi và tôi làm theo".
Các nhà khoa học không thể khẳng định khi nào ngọn núi lửa sẽ phun trào hoặc sức mạnh của nó lớn cỡ nào. Lần phun trào kinh hoàng nhất xảy ra vào năm 1930 khiến 1.300 người thiệt mạng.
Indonesia nằm trong "vành đai lửa" và có tới 129 ngọn núi lửa còn hoạt động.
Theo Hải Ninh
Vnexpress/AP, BBC